(kontumtv.vn) – Phụ nữ tham gia hoạt động chính trường không hề thua kém nam giới. Điều quan trọng là cần có chính sách, tạo điều kiện để họ cống hiến cho đất nước.

Phụ nữ có tài năng, trí tuệ đóng vai trò to lớn cho sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, trên chính trường và nghị trường, tiếng nói của phụ nữ sẽ góp phần quyết định nhiều chính sách quan trọng đến mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế- xã hội…

Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa X “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã xác định chỉ tiêu: phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp từ 35% đến 40%. Cùng với đó, “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020” cũng xác định phấn đấu đạt tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là trên 35%.

Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 24,4%, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh là 25,7%, cấp huyện là 24,6% và cấp cơ sở là 27,7%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND có tăng so với nhiệm kỳ trước song so với mục tiêu của Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vẫn còn khoảng cách khá lớn; chưa tương xứng với tiềm năng, lực lượng và sự đóng góp của phụ nữ.

Mục tiêu của Bộ Chính trị đã đưa ra như vậy nhưng giải pháp và phương thức thực hiện để phát huy vai trò, trí tuệ và trách nhiệm của phụ nữ đóng góp cho các hoạt động chính trị, kinh tế- xã hội của đất nước không phải dễ dàng nên cần có những biện pháp đột phá.

Tỷ lệ trúng cử của nữ giới thường khó đạt chỉ tiêu

Đại biểu nữ được chọn khi tham gia vào bộ máy công quyền của Nhà nước hay địa phương phải là người có năng lực, trình độ, đạo đức đặc biệt hơn so với những ứng viên là nam giới. Đó là khẳng định của ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội.

Ông Đinh Xuân Thảo

Để bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp ở khóa tới thì trong khóa trước phải có sự chuẩn bị đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ một cách kỹ lưỡng.

Khi trúng cử, có những cơ quan, tỷ lệ nam và nữ là 50-50 nhưng thực tế, trong quy hoạch, số lượng nữ lại thấp hơn nam. Ở các cơ quan, các cấp, người lãnh đạo thường là nam giới. Ví dụ như bầu cử đại biểu Quốc hội chuyên trách ở cơ quan Trung ương gồm những người là Vụ trưởng hoặc tương đương trở lên; ở địa phương phải là những người ở trong Thường vụ của Tỉnh ủy hoặc là Phó Chủ tịch UBND, HĐND trở lên thì tỷ lệ nữ trúng cứ thường thấp hơn nam giới.

Ở địa phương muốn giới thiệu khoảng từ 50-70% đại biểu là nam giới ra ứng cử đại biểu UBND, HĐND, Quốc hội sẽ dễ dàng hơn nữ giới. Còn nếu muốn có được tỷ lệ 30% đại biểu là nữ thì nhiều ý kiến cho rằng cần phải có tỷ lệ ứng cử là 50%.

Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử, nếu đưa ra tỷ lệ 50% đại biểu trúng cử là nữ và 50% đại biểu trúng cử là nam giới nhưng kết quả trúng cử của nữ giới chỉ là 30% thì còn thiếu 20% số đại biểu trúng cử nữa. Như vậy, có thể phải dẫn đến bầu cử lần thứ 2, thứ 3.

Thực tế, công tác cán bộ nữ phải là một sự phấn đấu của họ của cả một quá trình. Mặt khác, không phải lĩnh vực nào nữ giới cũng có thể đảm đương nắm giữ vai trò điều hành, chỉ đạo. Ví dụ như ngành Y tế, giáo dục thì tỷ lệ nữ giới có thể chiếm tỷ lệ cao nhưng đối với những ngành nghề khác thì không phải là dễ dàng.

Nhiều ý kiến cho rằng, nữ giới sẽ khó hoạt động chính trường tốt vì họ còn thực hiện thiên chức của phụ nữ. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng một phần và thường ở phụ nữ dưới 30 tuổi. Còn nếu phụ nữ 30 tuổi trở lên, khi con cái đã lớn, gia đình ổn định thì nhiều người tham gia vào các hoạt động chính trường rất tốt. Điều quan trọng là các cơ quan phải mạnh dạn tin tưởng và giao việc cho nữ giới, biết sắp xếp họ ở đúng vị trí, việc làm để phát huy tài năng của họ.

Để phát huy trí tuệ, sự cống hiến của đại biểu nữ, các văn bản pháp luật cần ưu tiên kéo dài tuổi nghỉ hưu cho từng đối tượng nữ và ngành nghề kèm theo.

Cần mạnh dạn đề bạt, sắp xếp cán bộ nữ đúng năng lực

Từng là một nữ đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Vân Lan, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho rằng: Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị khóa X “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã xác định chỉ tiêu: phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%.

Bà Nguyễn Thị Vân Lan

Việc tăng tỷ lệ nữ tham gia hoạt động ở các cơ quan dân sự là việc làm hết sức đúng đắn vì phụ nữ có tiếng nói, vai trò rất quan trọng vào việc xây dựng, hoạch định áp dụng chính sách vĩ mô của Nhà nước cho đến thực hiện các công việc ở địa phương.

Tuy nhiêu, cần có giải pháp cụ thể quan tâm, chăm lo đến đời sống và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nữ phát triển tài năng, trí tuệ cho đất nước. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Nhà nước và địa phương cần mạnh dạn sử dụng, đề bạt cán bộ nữ vào những vị trí quan trọng trước khi diễn ra bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp.

Nhiều người cho rằng, phụ nữ còn hạn chế về mặt sức khỏe, phải đảm nhiệm thiên chức làm mẹ, làm vợ nên khó có thể tham gia hoạt động chính trường, nghị trường và các hoạt động xã hội. Điều này là hoàn toàn không đúng vì nhiều người vẫn làm tốt thiên chức của phụ nữ nhưng vẫn tham gia lãnh đạo, công tác trong hệ thống chính trị rất tốt.

Khi phụ nữ nhận được uy tín của cử tri tham gia vào các hoạt động chính trường, họ đều nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đến đâu để thực hiện cho tốt chức vụ được giao.

Bà Nguyễn Thị Vân Lan nêu ý kiến, vấn đề quan trọng trong phát huy vai trò của phụ nữ là các cơ quan, đoàn thể, địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ thực hiện tốt công việc của mình. Ngoài ra, cán bộ nữ cũng cần được quan tâm nâng cao trình độ, học hỏi kinh nghiệm trong từng lĩnh vực việc làm và quản lý để họ có thể cống hiến tốt hơn cho xã hội.

Cử tri cần có cái nhìn khách quan về vai trò của phụ nữ

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục-Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc tăng tỷ lệ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị, xã hội là cần thiết.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đào Trọng Thi

Mặc dù Bộ Chính trị đã đưa ra chỉ tiêu đến năm 2020, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp từ 35% đến 40% nhưng trên thực tế, tỷ lệ nữ giới tham gia ứng cử vào những hoạt động chính trị vẫn còn hạn chế hoặc do tỷ lệ phiếu bầu của cử tri đối với đại biểu là nữ vẫn còn thấp vì nhiều người có cái nhìn chưa đúng đắn hoặc chưa chính xác về vai trò của phụ nữ.

Vướng mắc là ở chỗ, nếu các địa phương, cơ quan xác định đại biểu, lãnh đạo là nữ với tỷ lệ “cứng” nào đó nhưng cử tri không bình bầu cho họ thì cũng rất khó để đạt được số lượng đề ra nên có thể dẫn đến các văn bản pháp luật khó được thực thi trong cuộc sống.

Để đạt được mục tiêu trên, điều quan trọng là các cơ quan, địa phương cần tạo điều kiện để phụ nữ có thể ứng cử, thể hiện năng lực khi tham gia vào các cơ quan công quyền, hệ thống chính trị và đạt được các tiêu chí cần thiết để cử tri tín nhiệm bình chọn, ủng hộ.

Hiện nay, năng lực và trình độ của phụ nữ không hề thua kém, thậm chí là có thế mạnh hơn nam giới. Nhiều lĩnh vực như: giáo dục, y tế, chăm sóc và bảo vệ quyền lợi của trẻ em, phụ nữ tham gia hoạt động và chỉ đạo, điều hành tốt hơn nam giới. Nếu phát huy tốt lực lượng tri thức, cán bộ là nữ giới ở các lĩnh vực trên tham gia hoạt động Quốc hội thì đất nước sẽ phát triển tốt hơn./.

Bích Lan/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *