(kontumtv.vn) – Quan điểm của Việt Nam là các nước giàu, phát thải nhiều hơn phải có trách nhiệm với các nước nghèo, các nước ít phát khí thải.

Chuyến tham dự Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết thúc tốt đẹp.

Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn nêu rõ, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã tham gia một cách đông đủ, tích cực. Sự tham dự ở cấp cao như vậy thể hiện sự quan tâm rất lớn của Việt Nam đối với vấn đề biến đổi khí hậu, không chỉ bởi Việt Nam là một trong 5 nước bị tác động nhiều nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu.

quan diem cua viet nam tai cop 21 duoc nhieu quoc gia chia se hinh 0
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn

PV: Thưa Đại sứ, Việt Nam đã có sự tham gia tích cực vào Hội nghị COP 21. Xin Đại sứ đánh giá về sự tham dự của Việt Nam tại hội nghị lần này?

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Tại Hội nghị COP 21, đoàn Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã tham gia một cách đông đủ, tích cực. Sự tham dự ở cấp cao như vậy thể hiện sự quan tâm rất lớn của Việt Nam đối với vấn đề biến đổi khí hậu, không chỉ bởi Việt Nam là một trong 5 nước bị tác động nhiều nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Hội nghị diễn ra từ ngày 30/11 kéo dài đến 11/12. Hiện nay, các Bộ trưởng đang tiếp tục đàm phán về các vấn đề kỹ thuật. Theo sáng kiến của nước chủ nhà Pháp, một cuộc gặp gỡ cấp cao với sự tham dự của 150 nhà lãnh đạo đứng đầu nhà nước, chính phủ các nước tham dự COP 21.

Tại phiên toàn thể, thay mặt Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu rõ những quan điểm của Việt Nam đối với cuộc chiến chống lại vấn đề biến đổi khí hậu, nêu rõ những cam kết rất mạnh mẽ của Việt Nam trong việc chung tay cùng với cộng đồng quốc tế chống biến đổi khí hậu, mặc dù Việt Nam còn là một nước nghèo, hạn chế về mặt tài chính, nhưng chúng ta cũng đã rất cố gắng để đóng góp một phần tài chính vào quỹ chung bảo vệ môi trường cũng như chống biến đổi khí hậu.

Trong dịp dự COP21 này, chỉ trong vòng một ngày (ngày 30/11-PV), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp xúc với 24 trưởng đoàn các nước tham dự COP 21 trong đó có Anh, Pháp, Đức, Italy, Ấn Độ, Thái Lan, New Zealand… Tại các cuộc tiếp xúc này, các nước đều đánh giá cao sự tham dự tích cực của Việt Nam cũng như sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Sự tham dự của đoàn Việt Nam, của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đặc biệt là được nước chủ nhà đánh giá cao vì đoàn Việt Nam không những chỉ tham dự mà còn đóng góp thiết thực cho thành công của hội nghị.

PV: Bên cạnh hoạt động chính thức của Hội nghị COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có các hoạt động tiếp xúc song phương với các lãnh đạo của phía Pháp. Tiếp theo việc hai nước ký đối tác chiến lược trong chuyến thăm lần trước của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chuyến thăm lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có tác động và đem lại kết quả nào trong đối thoại giữa Việt Nam và Pháp?

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Trong thủ thời gian tham dự Hội nghị COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc gặp rất quan trọng với nước chủ nhà Pháp. Thủ tướng đã có một cuộc hội đàm riêng với Thủ tướng Pháp Manuel Valls, đã gặp Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Pháp, đã tiếp Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp Pierre Laurent cũng như đã tiếp một loạt các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Pháp đang có ý muốn đầu tư kinh doanh ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, việc tham dự COP 21 là một hoạt động đa phương của Thủ tướng, nhưng có thể nói đây là một chuyến thăm chính thức đến Pháp vì lần này, Thủ tướng đã gặp gỡ tất cả các lãnh đạo cao nhất của Pháp. Với Tổng thống Pháp, Thủ tướng cũng đã có cuộc gặp ngắn bên lề COP 21.

Một số điểm đáng chú ý từ những cuộc gặp gỡ này: Thứ nhất, lãnh đạo hai nước đều bày tỏ quyết tâm nâng quan hệ hai nước tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược mà hai bên đã ký vào năm 2013. Về các biện pháp cụ thể, hai bên đã thống nhất về chính trị phải tăng cường trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước. Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức mời Thủ tướng Pháp Manuel Valls thăm Việt Nam, chuyển lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đến Tổng thống Pháp, đến Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện của Pháp mời sang thăm Việt Nam. Các nhà lãnh đạo đã vui vẻ nhận lời mời.

Tôi được biết, Tổng thống Pháp khi trao đổi với Thủ tướng cho biết sẽ cố gắng thu xếp thăm Việt Nam trong năm sau. Cả Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện cũng đều bày tỏ sự vui mừng có dịp sang thăm Việt Nam vào thời điểm thuận lợi.

Thứ hai, về mặt kinh tế, cả hai bên đều nhất trí rằng quan hệ kinh tế hai nước đã phát triển mạnh trong những năm vừa qua. Kim ngạch thương mại là 3,5 tỷ USD năm 2014, đầu tư trực tiếp của Pháp vào Việt Nam cũng khoảng 3,5 tỷ USD; Pháp hiện nay cũng là một trong những đối tác châu Âu quan trọng nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai bên đều thống nhất là mối quan hệ này chưa tương xứng với tiềm năng của cả hai nước và còn rất khiêm tốn, mong muốn sẽ thúc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại giữa hai nước.

Ở các lĩnh vực khác như văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục cả hai bên đều rất vui mừng trước việc hiện nay có khoảng 7.000 sinh viên, thực tập sinh Việt Nam đang học tập tại Pháp; con số người Pháp đi du lịch Việt Nam tăng dần hàng năm, con số người Việt Nam đi du lịch sang Pháp cũng tăng dần. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng nói rất rõ với Pháp rằng Việt Nam là một nước có hòa bình, ổn định, an ninh tốt và mong muốn nhiều khách du lịch của Pháp sang thăm Việt Nam hơn. Hiện Việt Nam đã miễn visa cho khách du lịch Pháp, hàng không Việt Nam đã trang bị máy bay Airbus A350 trong tuyến Hà Nội-Paris. Đây là những thuận lợi để phát triển du lịch.

Đồng thời Thủ tướng cũng đề nghị Chính phủ Pháp tạo điều kiện dễ dàng hơn về visa cho công dân Việt Nam sang thăm Pháp bởi hiện nay có rất nhiều công dân Việt Nam mong muốn được đi du lịch và thăm thân nhân tại Pháp. Cộng đồng người Việt tại Pháp hiện vào khoảng 300.000 người. Cũng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu quan tâm đến thị trường Pháp, muốn sang tìm hiểu khả năng trao đổi thương mại đầu tư với Pháp. Thủ tướng mong việc trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Pháp. Thủ tướng có nói rất mong phía Pháp tạo điều kiện thuận lợi về visa cho Việt Nam.

Còn về lĩnh vực khác như quốc phòng, khoa học công nghiệp… cả hai bên đều đã nhất trí sẽ thúc đẩy mở rộng hơn mối quan hệ này theo hướng Pháp chuyển giao công nghệ cao cho phía Việt Nam và tham gia tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân  lực cho Việt Nam. Qua các cuộc tiếp xúc như vậy tôi thấy rõ quyết tâm chính trị của lãnh đạo ở cả hai phía đều mong muốn thúc đẩy và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước để cụ thể hóa nội hàm đối tác chiến lược mà hai bên đã ký kết.

PV: Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và vấn đề “Công lý pháp luật” được nêu nhiều tại cuộc họp, cho rằng các nước phát triển cần có hỗ trợ với các quốc gia đang phát triển phải chịu nhiều tác động. Xin Đại sứ cho biết đánh giá của Việt Nam về tầm quan trọng của hội nghị?

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Hội nghị thượng đỉnh COP 21 được đánh giá vừa là cơ hội, vừa là thách thức chưa từng có đối với thế giới trong việc phải đạt được một thỏa thuận quốc tế để thay thế cho Nghị định thư Kyoto. Từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển đều nhấn mạnh “công lý khí hậu”, nghĩa là không thể để cho những nước nghèo nhất phải chịu thiệt hại nặng nề nhất của biến đổi khí hậu mà không có sự trợ giúp từ các nước phát triển.

PV: Việt Nam đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của hội nghị COP lần này cũng như là đòi hỏi của các nước đưa ra tại hội nghị?

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn: Tôi nghĩ rằng Việt Nam rất coi trọng COP21 và mong muốn COP21 thành công. Là một trong 5 nước chịu tác động nhiều nhất vì biến đổi khí hậu cho nên chúng ta rất mong quốc tế đi đến một hiệp định có tính chất ràng buộc hơn để cùng nhau chung tay đấu tranh chống lại biến đổi khí hậu, hạn chế những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với con người và môi trường trên hành tinh.

Quan điểm của Việt Nam là các nước cần tôn trọng công ước về biến đổi khí hậu và tôn trọng sự khác biệt trong trình độ phát triển của các nước khác nhau, theo nghĩa là các nước phát triển, các nước giàu có, các nước đưa ra lượng khí thải nhiều hơn thì phải có trách nhiệm lớn hơn các nước nghèo, các nước ít phát khí thải thì phải có được sự hỗ trợ về mặt tài chính để tham gia vào sự nghiệp chung này. Phải tôn trọng sự khác biệt giữa các nước. Các nước phát triển, các nước giàu phải có trách nhiệm lớn hơn đối với hỗ trợ các nước nghèo, các nước đang phát triển trong việc đảm bảo trách nhiệm làm sao, một cách hài hòa giữa các nước phát triển, các nước giàu và các nước đang phát triển, các nước nghèo. Đấy là một quan điểm rất là đúng đắn được đại đa số các nước tham gia COP 21, 195 nước chia sẻ.

Về cá nhân, tôi tin rằng COP21 sẽ thành công, sẽ đi đến được thỏa thuận có tính chất ràng buộc hơn, có tính chất cam kết hơn, thể hiện cam kết rõ hơn của các nước đối với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao vai trò của nước chủ nhà Pháp. Trong việc tổ chức hội nghị này, phải nói là Pháp đã đưa ra rất nhiều sáng kiến và đảm bảo thành công của hội nghị, ví dụ như tổ chức hàng loạt cuộc gặp trước để làm sao các quan điểm gần nhau hơn.

Tôi đánh giá rất hay khẩu hiệu mà Pháp đưa ra: “Nếu để muộn hơn sẽ là quá muộn”. Họ dùng khẩu hiệu rất ngắn gọn nhưng thể hiện rất rõ thông điệp là nếu chúng ta để lùi lại thỏa thuận này, việc cứu hành tinh của chúng ta trở nên quá muộn./.

Thùy Vân/VOV – Paris

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *