(kontumtv.vn) – Các đại biểu Quốc hội đã có một ngày thảo luận sôi nổi để nhìn nhận lại vai trò, trách nhiệm của mình trong nhiệm kỳ 2011- 2015.

Dành cả ngày 28/3, Quốc hội thảo luận về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ vừa qua, sau khi đã thảo luận tại tổ.
Tất cả các ý kiến phát biểu đều đồng tình với báo cáo trước đó do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày và cho rằng những điểm nhấn quan trọng của Quốc hội trong khóa XIII đã đề cao được tinh thần dân chủ, công khai, có tác động mạnh mẽ tới hoạt động hành pháp của khối các cơ quan Chính phủ và ghi nhận được sự tin tưởng của cử tri cả nước.Tuy nhiên, đây cũng là phiên thảo luận sôi nổi khi nhiều ý kiến dành phần lớn thời gian phát biểu để phân tích, bày tỏ chính kiến của mỗi đại biểu về những điều mà Quốc hội cần phải rút ra bài học để củng cố và đổi mới hoạt động của mình mà theo đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai): “Điều quan trọng hơn là chúng ta có theo kịp được sự phát triển của đất nước, với nhu cầu của đời sống và với nguyện vọng của dân không? Thước đo ấy mới là quan trọng”.Đại biểu Dương Trung Quốc phân tích nếu thước đo rằng nhiệm kỳ này Quốc hội làm tới 100 luật, nhiệm kỳ trước chỉ bằng 1/2 điều đó là rất đáng ghi nhận. “Nhưng luật có đi vào đời sống không? Chỉ có người dân là người vừa thụ hưởng thành quả của Quốc hội, vừa là người chịu đựng hậu quả của những sai sót và Quốc hội mới là người đánh giá tích cực nhất, đúng đắn nhất”, đại biểu Dương Trung Quốc nói.

Nhưng để ghi nhận chính xác được sự đánh giá của người dân, theo đại biểu Dương Trung Quốc, Quốc hội chưa có một cơ chế để đánh giá được cử tri của mình và đại biểu mong rằng trong thời gian tới, bên cạnh Mặt trận Tổ quốc ngày càng nâng cao vai trò phản biện, bên cạnh hoạt động của truyền thông ngày càng tích cực hơn, Quốc hội nên có những kênh khoa học để có thể thực sự đánh giá hiệu quả những kết quả đạt được của mình.

Phải chờ 5.000 văn bản hướng dẫn thì luật mới đi vào cuộc sống

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) đặt ra trách nhiệm của Quốc hội trong việc chia sẻ những vấn đề đang tồn tại của đất nước như thế nào.

“Nếu căn cứ vào Hiến pháp và các văn bản pháp luật, dường như Quốc hội quyết định hết tất cả những vấn đề lớn, Chính phủ không có nhiều dư địa trong việc quyết định chính sách. Trong quá trình hoạt động của mình, Quốc hội cũng nêu nhiều vấn đề tồn tại của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Vậy, trách nhiệm Quốc hội chia sẻ những tồn tại đó như thế nào”, ông Trần Du Lịch vừa nêu vấn đề và cũng là lời tự vấn với tư cách là một đại biểu Quốc hội.

Vị đại biểu này nêu ví dụ: “Nhiệm kỳ XIII, chúng ta làm rất công phu, ban hành hơn 100 bộ luật và đạo luật. Nhưng trong nhiệm kỳ này, để luật đi vào cuộc sống chúng ta cần tới gần 5.000 văn bản dưới luật, trong đó có gần 4.000 thông tư và thông tư liên tịch. Nguyên nhân ở đâu? Chúng ta có cải tiến nhưng tình trạng luật khung, luật ống vẫn tồn tại, khiến hiệu lực của luật giảm. Với cử tri, đây là trách nhiệm của Quốc hội”.

Theo đại biểu Trần Du Lịch, Quốc hội đều quyết định các vấn đề nợ công, về bội chi, thậm chí chi vượt nhưng Quốc hội vẫn quyết toán. Vậy “trách nhiệm của Quốc hội và đại biểu Quốc hội là như thế nào”, ông Lịch nói.

Để hoạt động Quốc hội tốt hơn, đại biểu Trần Du Lịch kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm phải tăng tính chuyên nghiệp của các đại biểu chuyên trách. “Nếu chúng ta tiếp tục công chức hóa đại biểu chuyên trách như đang làm thì chỉ làm bộ máy nặng nề, không tăng hiệu quả hoạt động Quốc hội”, ông Lịch cảnh báo.

Ngoài ra, để Quốc hội ban hành luật đúng đắn, sát thực tế, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị trong thảo luận các dự án luật, chủ tọa khi điều hành nên chọn vấn đề và thảo luận đến cùng, đừng để tình trạng nói chung chung.

Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TPHCM) – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Vẫn trong mạch thảo luận về mối liên hệ giữa Quốc hội và đời sống của nhân dân, đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TPHCM) đề nghị tổng kết của Quốc hội cũng cần nêu rõ những nỗi lo, mong ước của cử tri, của nhân dân và nhìn lại Quốc hội đã có những giải quyết vấn đề đó như thế nào.

Theo bà Võ Thị Dung, trong nhiệm kỳ qua có 7 nỗi lo và 3 mong ước của nhân dân cả nước mà Quốc hội phải thấu hiểu để giải quyết có hiệu quả. Đó là nỗi lo về ngoại xâm từ các hoạt động ngang nhiên xâm chiếm biển, đảo của Việt Nam; nỗi lo về nội xâm từ tham nhũng; nỗi lo về suy thoái đạo đức xã hội; nỗi lo về tụt hậu kinh tế; nỗi lo về nợ công quá cao mà chưa có biện pháp giải quyết căn cơ; nỗi lo văn hóa dân tộc đang bị mai một, xuống cấp; nỗi lo về sự thiếu kỷ luật, kỷ cương trong lãnh đạo quản lý điều hành, dẫn đến tùy tiện, buông lỏng, đại khái, qua loa trong thực hiện, làm giảm hiệu lực chủ trương, chính sách pháp luật, làm trật tự xã hội suy yếu và mất dần động lực phát triển.

Bà Võ Thị Dung cũng nói về mong ước của nhân dân là: Bộ máy của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp phải thực sự tập trung được tinh hoa trí tuệ, thực sự tận tụy, thực sự liêm chính. Xã hội dân chủ, kỷ cương, an bình; văn hóa dân tộc được duy trì và phát triển bền vững, đất nước được thanh bình, thịnh vượng.

“Quốc hội có thể làm được và hoạt động của Quốc hội phải trách nhiệm hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, gắn chặt hơn nữa với nỗi lo thường trực và mong ước chính đáng của nhân dân. Công khai hơn nữa toàn bộ hoạt động của Quốc hội để nhân dân cử tri theo dõi, giám sát thì nhân dân sẽ có niềm tin và đó sẽ là động lực mạnh mẽ để xã hội và đất nước chúng ta phát triển”, bà Võ Thị Dung nói.

Thành Chung/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *