(kontumtv.vn) – Ngày 28/3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016); Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước.

Trong phiên thảo luận sáng 28/3, có 26 ý kiến góp ý, thảo luận của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại hội trường đối với dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII (2011-2016). Các ý kiến đều đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua, nhất là việc ban hành Hiến pháp 2013, thông qua tổng cộng 222 bộ luật, luật, nghị quyết và pháp lệnh.Các đại biểu khẳng định, thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ khóa XIII là Quốc hội đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; tăng cường đối ngoại và hội nhập quốc tế…

Nhấn mạnh nhiệm kỳ khóa XIII là nhiệm kỳ đạt được nhiều thành tựu, các đại biểu cũng thảo luận thẳng thắn về những điều còn tồn tại trong hoạt động của Quốc hội; đại biểu cho rằng “Quốc hội còn nặng nợ với cử tri”, “Quốc hội phải trách nhiệm, mạnh mẽ hơn nữa, gắn chặt hơn nữa với nỗi lo thường trực và mong ước chính đáng của nhân dân”… đồng thời phân tích, đề xuất nhiều giải pháp để Quốc hội khóa tới nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật; chất lượng hoạt động giám sát, chất vấn; chất lượng giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến quốc kế, dân sinh… 

Các đại biểu cho rằng những thử thách của nhiệm kỳ tới là không hề nhỏ, đòi hỏi Quốc hội và toàn thể bộ máy Nhà nước phải vận hành trơn tru hơn, quyết liệt hơn, chính xác hơn, hiệu quả hơn để ứng phó với những biến động của tình hình mới. Các đại biểu  hy vọng, cùng với sự thành công của Đại hội Đảng lần thứ XII, cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp tới đây thực sự dân chủ, lựa chọn được đội ngũ tốt nhất, tạo niềm hứng khởi cho nhiệm kỳ mới bắt đầu.

Trong phiên thảo luận buổi chiều cùng ngày, các ĐBQH tiếp tục tập trung phân tích, mổ xẻ về những bất cập, tồn tại trong hoạt động của Quốc hội khóa XIII, qua đó đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Quốc hội, ĐBQH, công tác tiếp xúc cử tri; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ ĐBQH chuyên trách, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội; kiện toàn bộ máy tổ chức, nhân sự của các cơ quan giúp việc của Quốc hội để nâng cao chất lượng tham mưu của các cơ quan thuộc Quốc hội…

Các ĐBQH cũng bày tỏ sự trăn trở về những “món nợ” lớn của Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016 đối với cử tri cả nước như: Giải quyết bức xúc của cử tri; hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng; vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo,… đồng thời mong muốn những vấn đề này sẽ được xem xét, nghiên cứu, giải quyết thấu đáo trong nhiệm kỳ tới.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, trong ngày hôm nay, có 43 ĐBQH đăng ký và phát biểu ý kiến. Các đại biểu thống nhất cho rằng các báo cáo đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, phản ánh đầy đủ hoạt động của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, đồng thời cũng phân tích, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước trong nhiệm kỳ tới. Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định các ý kiến sẽ được nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc để bổ sung hoàn thiện Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định).

Mở đầu phiên thảo luận chiều 28/3, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) bày tỏ tán thành với các nội dung nêu trong dự thảo báo cáo và các ý kiến phát biểu trước đó, đồng thời đại biểu nhấn mạnh “món nợ” của Quốc hội khóa XIII đối với cử tri cả nước là vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình mới và hiệu quả công tác chống tham nhũng.

Đánh giá về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu cho rằng, đây là một trong những điểm sáng trong hoạt động của Quốc hội khóa XIII. Các ĐBQH thông qua hoạt động chất vấn đã nêu cao trách nhiệm của mình trước cử tri khi thẳng thắn đưa ra những bức xúc, băn khoăn của cử tri về những vấn đề kinh tế- xã hội hiện nay để đưa lên diễn đàn Quốc hội, yêu cầu Chính phủ cũng như các bộ, ngành quan tâm giải quyết. ĐBQH ngày càng không ngại chất vấn, không ngại va chạm, thông qua hoạt động chất vấn ĐBQH ngày càng trưởng thành và ngày càng tự tin hơn khi thực hiện trách nhiệm, chức năng của mình được nhân dân giao phó. Mặt khác, các bộ trưởng bây giờ cũng không ngại chất vấn nữa, quan hệ giữa Quốc hội và Chính phủ, các bộ không còn quan hệ căng thẳng giữa người bị chất vấn và người chất vấn nữa. Thậm chí bây giờ có nhiều bộ trưởng mong muốn được trả lời chất vấn trước Quốc hội. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng, thể hiện Quốc hội, Chính phủ ngày càng gắn kết với nhau trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc hiện nay của cuộc sống.

Tuy nhiên, trong hoạt động chất vấn vẫn còn một số hạn chế, ví dụ như không ít câu hỏi chất vấn của đại biểu không đúng với nội dung chất vấn mà đơn thuần chỉ là những câu hỏi để nắm thông tin, nắm tình hình. Cũng có những đại biểu hỏi những câu hỏi chưa chính xác lắm khiến cho Bộ trưởng bức xúc… Đại biểu cho rằng đây là thực tiễn và bài học kinh nghiệm cho khóa sau.

Đại biểu cũng đề xuất một số ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn; giải quyết bức xúc, kiến nghị của cử tri; vấn đề kiện toàn cơ quan phục vụ đoàn ĐBQH ở địa phương.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) đề nghị Quốc hội nghiên cứu một số nội dung để nâng cao hiệu quả hoạt động trong nhiệm kỳ tới như:Tạo cơ chế phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan Chính phủ, các tổ chức CT-XH; cải tiến phương pháp hoạt động của các đoàn ĐBQH địa phương để ĐBQH gắn bó mật thiết hơn nữa với cử tri; coi trọng sâu sắc chất lượng ĐBQH, tạo điều kiện cho các ĐBQH hoạt động tốt trong khóa XIII tái cử, nâng cao vai trò ĐBQH chuyên trách; nâng cao chất lượng xây dựng luật,…

Theo đại biểu, cần tạo ra một thiết chế quan hệ điều hành trong Quốc hội để có một sự trao đổi và xử lý thường xuyên giữa ĐBQH với ĐBQH; giữa ĐBQH với các đoàn ĐBQH, với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; giữa ĐBQH với các cơ quan của Quốc hội, với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ; giữa ĐBQH và các cơ quan Quốc hội với cử tri cả nước. Có như vậy mới tạo ra Quốc hội thực sự cải cách, thực hiện được các chức năng một cách kịp thời, khoa học, đạt hiệu quả cao nhất. Đại biểu cho rằng, điều này chỉ có thể giải quyết được khi tiến hành triển khai xây dựng, áp dụng đề án Quốc hội điện tử. Đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét xây dựng Đề án Quốc hội điện tử và có kế hoạch triển khai trong nhiệm kỳ tới.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cho rằng, Quốc hội cần có cơ chế khuyến khích các ĐBQH mạnh dạn đề xuất dự án luật; tạo cơ chế khuyến khích các đại biểu đi cơ sở, giám sát cơ sở (đi phải có hiệu quả, không gây phiền hà cho cơ sở…); cải tiến hoạt động tiếp xúc cử tri;…

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) góp ý thêm về vấn đề giám sát của Quốc hội. Theo ông, trong nhiều trường hợp người dân quan tâm đến việc giải quyết những bức xúc cụ thể, quan tâm tới những phản ánh, kiến nghị cụ thể được Quốc hội, ĐBQH xem xét, giải quyết như thế nào? Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, các hoạt động giám sát cấp cao của Quốc hội, của các cơ quan thuộc Quốc hội đã có cơ chế rõ ràng, nhưng hoạt động giám sát của cá nhân ĐBQH hiện nay chưa được phát huy (do cơ chế chưa rõ). Vì vậy, trong nhiệm kỳ tới cần giải quyết tốt cả giám sát vấn đề cụ thể và giám sát của ĐBQH.

Tiếp theo các đại biểu: Trần Đình Long (Đắk Nông), Đào Tấn Lộc (Phú Yên), Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh),Trương Trọng Nghĩa (TPHCM), Trần Hoàng Ngân (TPHCM), Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), Dương Trung Quốc (Đồng Nai)… phân tích, đóng góp các kiến nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội khóa tới. Các đại biểu cho rằng, cần có sự thay đổi, kiện toàn về bộ máy tổ chức, nhân sự, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất để các cơ quan chuyên trách của Quốc hội nâng cao hơn nữa chất lượng tham mưu, phục vụ hoạt động Quốc hội; nghiên cứu giải pháp để nâng cao chất lượng tranh luận trên diễn đàn Quốc hội; giải pháp giúp cử tri giám sát được hành vi bày tỏ chính kiến của từng ĐBQH trước mỗi vấn đề cụ thể; đồng thời cần đổi mới cơ chế tuyển chọn ứng viên để bầu ĐBQH, vì với cơ cấu hiện nay và hạn chế về tuổi… “quá khó” cho địa phương để tìm ra người tốt nhất giới thiệu ứng cử ĐBQH; nghiên cứu “giảm tải” cho ĐBQH chuyên trách để tăng cường thời gian nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri…

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung (TP. Hồ Chí Minh) gửi tới Quốc hội 7 nỗi lo và 3 mong ước của nhân dân cả nước.

Mở đầu phiên thảo luận góp ý Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội sáng 28/3, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) đánh giá cao những nội dung đề cập trong dự thảo Báo cáo, đồng thời đại biểu góp ý thêm về hoạt động giám sát của Quốc hội. Theo đại biểu, nội dung giám của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội còn dàn trải, cần có sự điều chỉnh trong nhiệm kỳ tới… Đại biểu cũng trao đổi thêm về những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của Quốc hội, đề nghị đổi mới phương pháp tổng hợp ý kiến ĐBQH, cách thức xin ý kiến ĐBQH về những vấn đề còn ý kiến khác nhau…

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp
 (Cần Thơ) cho biết, cử tri đánh giá cao nỗ lực hoạt động của Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội… nhất là trong hoạt động lập hiến, lập pháp, hoạt động chất vấn, hoạt động giám sát, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Quốc hội bầu, phê chuẩn… Tuy nhiên, cử tri chưa hài lòng với việc một ĐBQH vắng mặt trong các kỳ họp cuối khóa; việc lùi một số dự án luật; luật chậm đi vào cuộc sống; sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế; những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, phòng chống hạn hán, ngập mặn… chưa có giải pháp xử lý căn cơ…

Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) khẳng định những kết quả đạt được trong hoạt động của Quốc hội và các ĐBQH, và bày tỏ băn khoăn về chất lượng hoạt động của một số đại biểu; về vấn đề theo dõi giải quyết kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân…

Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng Báo cáo của Quốc hội đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan cả về những kết quả đã đạt được, cả về những yếu kém cần khắc phục trong thời gian tới.

Đại biểu cũng cho rằng nhiệm kỳ qua còn không ít vấn đề Quốc hội, ĐBQH chưa đáp ứng hết được những mong mỏi của cử trichưa tạo được cơ chế bứt phá để đất nước tiến nhanh “bằng bạn, bằng bè”… Đại biểu cho rằng, nhiệm vụ căn bản nhất, cấp bách nhất của nhiệm kỳ tới là thực hiện cải cách bộ máy. Đất nước ta sớm khắc phục được tồn tại, hạn chế hay không, có hội nhập thành công hay không, có phát triển bền vững hay không phụ thuộc vào việc chúng ta có thể chế tốt và có bộ máy chỉ đạo, điều hành đủ tâm, đủ tầm hay không. Một bộ máy còn những chỗ chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ thì bộ máy ấy sẽ còn tình trạng dẫm chân lên nhau, khó đạt hiệu năng, hiệu quả cao nhất. Một hệ thống chính trị và một bộ máy cồng kềnh, đồ sộ, không tinh giản được biên chế thì sẽ không tiến hành cải cách được chế độ tiền lương, khó chống được tình trạng tham nhũng, cửa quyền.

Đặc biệt, đại biểu Trần Khắc Tâm đề nghị báo cáo tổng kết nhấn mạnh bài học về dân chủ.  Theo đại biểu, nếu cán bộ là cái gốc của mỗi công việc thì dân chủ là cái gốc để giải quyết mỗi vấn đề. Có dân chủ mới có đồng thuận, có đồng thuận mới có đoàn kết, có đoàn kết mới có sức mạnh, có sức mạnh mới có thành công.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng chất lượng kỳ họp Quốc hội và các quyết sách không ngừng nâng lên, sát thực tế hơn, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Cùng với Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành nhiều luật, nghị quyết… để tạo lập khung khổ pháp lý, giải quyết các vấn đề bức xúc của cuộc sống,…

Tuy nhiên, Quốc hội vẫn còn “nặng nợ với cử tri”, hoạt động của Quốc hội cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục trong nhiệm kỳ tới. Cụ thể, trong xây dựng luật, cử tri đề nghị Quốc hội cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu khi luật không đi vào cuộc sống; đối với việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh Quốc hội bầu và phê chuẩn chỉ nên quy định 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm, đồng thời cần nâng cao số lượng, chất lượng ĐBQH chuyên trách để Quốc hội hoạt động ngày càng chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn…

Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm và kết quả hoạt động của Chủ tịch Quốc hội, UBTVQH… đồng thời đại biểu góp ý một số giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng luật, theo đó cơ quan thẩm tra Luật cần phải thẩm tra các văn bản hướng dẫn để bảo đảm tính thống nhất và khả năng thực thi của luật. Đại biểu cũng cho rằng để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát thìgiám sát phải gắn với vụ việc cụ thể, hoạt động chất vấn phải làm rõ trách nhiệm

Đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng xây dựng luật, theo đó khi ban hành chính sách phải tính tới khả năng bảo đảm các điều kiện kinh tế-xã hội thực tiễn của đất nước để có tính khả thi cao; khi xây dựng luật, nội dung nào không tiếp thu ý kiến góp ý cần phải giải trình cặn kẽ…  Góp ý nâng cao chất lượng tổ chức giám sát, đại biểu đề nghị cần chọn nội dung giám sát có trọng tâm, chuyên sâu, giám sát chi tiết, không dàn trải, cần có các cán bộ chuyên sâu tham gia đoàn giám sát… 

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng nhiệm kỳ tới Quốc hội cần có biện pháp xử lý với những trường hợp không bảo đảm chất lượng, tiến độ trình và thông qua dự án luật. Theo đó, phải thực hiện nghiêm quy trình xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. Đồng thời phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan soạn thảo, phải minh bạch “khen chê rõ ràng, luật nào không đi được vào cuộc sống thì phải có người chịu trách nhiệm”. Quốc hội “dứt khoát nói không” đối với những dự luật không bảo đảm chất lượng. Đồng thời phải nâng cao chất lượng ĐBQH chuyên trách, để lực lượng này thực sự trở thành lực lượng nòng cốt của Quốc hội cần nâng số lượng ĐBQH chuyên trách lên khoảng 40%; đồng thời tăng cường bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động của Quốc hội, ĐBQH…

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng để nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ủy ban cần bổ sung thành phần đại biểu là người dân tộc thiểu số trong các Ủy ban của Quốc hội. Đại biểu đề xuất nội dung của Báo cáo công các nhiệm kỳ cần đánh giá sâu sắc hơn về những đóng góp của các đại biểu nữ, đại biểu dân tộc thiểu số trong hoạt động của Quốc hội, đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đại biểu nữ, đại biểu trẻ, đại biểu các dân tộc thiểu số…

Tán thành cơ bản với các nội dung nêu trong báo cáo, các đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa), Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận), Bùi Ngọc Chương (Cà Mau), Phạm Đức Châu (Quảng Trị),Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM),Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), Trần Du Lịch (TPHCM), Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Hà Huy Thông (Thừa Thiên-Huế), Lê Việt Trường (An Giang), Võ Thị Dung (TPHCM), Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang), Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận)… cũng thảo luận, góp ý sôi nổi nhiều nội dung nhằm hoàn thiện dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Quốc hội.

Đồng thời các đại biểu cũng phân tích sâu sắc, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về đổi mới quy trình để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật; cải cách hệ thống chính trị, cải cách bộ máy Nhà nước; đổi mới phương thức làm việc để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, ĐBQH, nhất là trong hoạt động giám sát tối cao, hoạt động chất vấn, ra quyết sách về các vấn đề quốc kế dân sinh, giải quyết kiến nghị của cử tri, giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến đời sống người dân, hoạt động của doanh nghiệp, chuẩn hóa hoạt động đối ngoại của Quốc hội…

Các đại biểu cũng đề xuất những giải pháp liên quan đến việc nâng cao chất lượng công tác tổ chức và nhân sự trong các cơ quan của Quốc hội nhằm phát huy vai trò của ĐBQH, nhất là đại biểu chuyên trách, để Quốc hội hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cử tri cả nước.

* Trước đó, sáng 22/3, trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong năm năm qua, toàn bộ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và mỗi đại biểu đều hướng tới mục đích phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân; làm Hiến pháp, làm luật vì dân, giám sát để phục vụ dân; là đại biểu sống trong dân, được nhân dân tin yêu, đồng tình, chia sẻ, ủng hộ, đóng góp ý kiến và giám sát mọi hoạt động.

Trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã thông qua tổng cộng 222 bộ luật, luật, nghị quyết và pháp lệnh. Trong đó, thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ khóa XIII là Quốc hội đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy Nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận, lắng nghe, gạn lọc, tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các ngành, các cấp và đồng bào, cử tri cả nước; kịp thời ban hành các quyết sách đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức.

Cùng với hoạt động lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động của bộ máy Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở; bảo đảm để pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, đồng thời chỉ ra những vấn đề nổi cộm trong đời sống kinh tế-xã hội, những bất cập về chính sách, pháp luật cần sớm được khắc phục, sửa đổi, bổ sung.

Nhiều hoạt động đối ngoại song phương, đa phương của Quốc hội cũng được đẩy mạnh, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt với nghị viện các nước và các tổ chức quốc tế, đưa các mối quan hệ này phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.

Đại biểu Quốc hội khóa XIII có cơ cấu khá hợp lý, luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức; có năng lực, trình độ, kỹ năng hoạt động ngày một nâng cao; có bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm; luôn tâm huyết, trăn trở trước những khó khăn, bức xúc của đời sống xã hội; những nguy cơ, thách thức đặt ra trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Các vị đại biểu Quốc hội thực sự trở thành trung tâm hoạt động của Quốc hội, các kỳ họp Quốc hội.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội cũng nêu rõ, hoạt động lập pháp còn không ít hạn chế. Việc thường xuyên phải điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa được khắc phục. Quốc hội cũng nhận rõ phần trách nhiệm trước những tồn tại, yếu kém của đất nước. Đó là: Chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng; tái cơ cấu kinh tế chậm; ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm đang là những vấn đề bức xúc…

Mặc dù có nhiều cải tiến, đổi mới, nhưng hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Trong một số trường hợp, chưa có cơ chế xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan, quy trình xử lý và chế tài phù hợp; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát chưa thực sự quyết liệt, không ít vụ việc chậm được giải quyết, gây bức xúc trong dư luận; hoạt động đối ngoại của Quốc hội còn một số hạn chế, bất cập. Công tác tham mưu, dự báo chiến lược còn bị động; hoạt động của tổ chức nghị sĩ hữu nghị không thường xuyên, hình thức và nội dung hoạt động chưa phong phú…

* Trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết, nhiệm kỳ 2011-2015, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song những kết quả và thành tựu Kiểm toán Nhà nước đã đạt được là toàn diện và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển trong những năm tiếp theo.

Hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước ngày càng hoàn thiện; năng lực kiểm toán ngày càng được nâng cao, hoạt động chuyên nghiệp hơn; qua đó đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (184.486 tỷ đồng), trong đó 03 năm gần đây số liệu kiến nghị thực tăng thu, giảm chi ngân sách Nhà nước tăng cao gần hai lần so với các năm trước (năm 2013 là 8.683 tỷ đồng; năm 2014 là 8.061 tỷ đồng; năm 2015 là 12.658 tỷ đồng). Đồng thời, 5 năm qua, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 360 văn bản…

Tuy nhiên, hoạt động kiểm toán vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Quy mô kiểm toán hàng năm tuy đã được mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc tham gia vào quá trình xem xét, thẩm tra về dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ ngân sách Trung ương chất lượng chưa cao…; công tác phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin và thực hiện các quy chế phối hợp với các bộ ngành Trung ương, địa phương chưa thường xuyên, kịp thời; bộ máy tổ chức chưa hoàn thiện…

PV/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *