(kontumtv.vn) – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, vấn đề gì đưa ra trưng cầu ý dân thì ý kiến của nhân dân là quyết định.

Thảo luận về dự án luật Trưng cầu ý dân, nhìn chung các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị công phu của ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và dự án luật đủ điều kiện trình ra Quốc hội. Tuy nhiên, một số vấn đề lớn cần được nghiên cứu để quy định rõ hơn vì Luật này tạo cơ sở pháp lý cho người dân trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.

Việc gì, cấp độ nào cần trưng cầu ý dân?

Dự thảo Luật trình 2 phương án quy định về những vấn đề đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân. Phương án 1 quy định có tính khái quát, nguyên tắc: Những vấn đề đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân là những vấn đề về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng khác thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Còn Phương án 2 liệt kê cụ thể hơn về một số vấn đề Quốc hội có thể đưa ra trưng cầu ý dân.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng 2 phương án nhưng thực ra là một vì “theo Hiến pháp cơ bản việc gì Quốc hội chả quyết định”; đồng thời nhất trí với phương án quy định nguyên tắc nhưng phải rõ hơn để chủ thể trình vấn đề và việc thẩm tra có căn cứ.

Chủ tịch Quốc hội: Trưng cầu ý dân là dân quyết

“Việc gì, cấp độ nào cần trưng cầu ý dân? Đó là loại việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng Quốc hội thấy rằng việc này dứt khoát phải xin ý kiến dân. Loại việc trưng cầu ý dân thì ý kiến của nhân dân là ý kiến quyết định. Khái niệm trong dự thảo chưa rõ tinh thần ấy”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc làm rõ khái niệm trưng cầu ý dân cũng là căn cứ để các chủ thể, gồm Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân. Đồng thời đề nghị cân nhắc có điều quy định về lấy ý kiến nhân dân trong dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh cần làm rõ sự khác nhau giữa xin ý kiến nhân dân và trưng cầu ý dân. Sự khác nhau ở đây chính là cấp độ và tính phúc quyết. Xin ý kiến chủ yếu mang tính tham khảo, giúp cho Quốc hội có quyết định đúng đắn, còn trưng cầu thể hiện ý kiến nhân dân là quyết định.

Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định những vấn đề không được đưa ra trưng cầu ý dân như liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, vai trò lãnh đạo của Đảng…

Ý kiến khác nhau về phạm vi trưng cầu ý dân

Dự thảo Luật quy định các cuộc trưng cầu ý dân được thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban pháp luật tán thành với nội dung quy định trên.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, điều này thống nhất với thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân và tổ chức việc trưng cầu ý dân là thuộc về Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã được quy định trong Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội; đồng thời phù hợp với nguyên tắc các vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân phải là các vấn đề có tầm quan trọng lớn, ảnh hưởng đến lợi ích chung của quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của đông đảo nhân dân trong xã hội.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, có những vấn đề hệ trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến lợi ích của một bộ phận dân cư hay tác động trực tiếp đến một hoặc một số địa phương nhất định. Vì vậy, nếu chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân được thực hiện trên toàn quốc là chưa đầy đủ, phù hợp.

Những ý kiến này đề nghị có quy định mở để trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân ở một hoặc một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội tác động trực tiếp đến các địa phương này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng đề nghị cân nhắc thêm về phạm vi vì Hiến pháp quy định thẩm quyền thuộc Quốc hội mà chưa nêu cụ thể quy mô trưng cầu ý dân là toàn quốc hay có cả vùng miền, địa phương.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn nêu quan điểm, có những việc không cần phải trưng cầu toàn quốc vì gây tốn kém, không khả thi vì người dân nơi khác chưa chắc hiểu việc cụ thể ở một địa phương nào đó.

Trường hợp vấn đề đưa ra trưng cầu nhưng nhân dân không đồng tình hay tỷ lệ không đạt thì có tổ chức lại khay không, khi nào tổ chức lại… cũng chưa được dự thảo đề cập.

Nghiêng về quy định theo dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề cập khả năng có vấn đề khi lấy ý kiến nhân dân địa phương thì chưa chắc nhận được sự đồng tình trong khi đó là vấn đề lớn liên quan đến quốc gia, đến cả nước nên phải có ý chí của người dân cả nước./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *