(kontumtv.vn) – Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Sự kiện trọng đại này là mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc ta. 74 năm trôi qua nhưng ký ức về ngày 2/9 lịch sử vẫn còn in đậm trong tâm trí những người chiến sĩ cách mạng.

Sinh ra và lớn lên ở xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, vùng đất giàu truyền thống cách mạng nên ông Đào Duy Tồn (cán bộ tiền khởi nghĩa, tổ dâm phố 4, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) đã sớm giác ngộ cách mạng và thấu hiểu sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến. Vì vậy, khi hay tin Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cậu bé Đào Duy Tồn lúc ấy 15 tuổi không khỏi bồi hồi xúc động. Đã 74 năm trôi qua nhưng ký ức về ngày 2/9 năm ấy vẫn trọn vẹn trong ông. Ông Đào Duy Tồn nhớ lại: “Nhân dân coi như mở cờ, họ nói không có cái nào sướng, vinh dự hơn cái độc lập hết. Ngày 2/9 Bác tuyên ngôn độc lập rồi dân mừng lắm, từ một nước nô lệ mà trở thành một nước có chủ quyền, một nước độc lập, như lời Bác Hồ nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Có độc lập, tự do là có tất cả. Cho nên ngày 2/9 ai cũng vậy, từ cá nhân tôi cho đến dân, cán bộ, ai cũng phấn khởi hết”.

Còn đối với ông Ngô Sinh Tùng (thôn Phương Quý 2, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum), Quốc khánh 2/9 đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm, dẫu lúc đó ông chỉ mới

Ông Ngô Sinh Tùng kể chuyện với phóng viên
Ông Ngô Sinh Tùng kể chuyện với phóng viên

14 tuổi. Ông Ngô Sinh Tùng xúc động: “Tôi thấy rất phấn khởi, một là Pháp không cai trị nữa, hai là phong kiến không đàn áp được mình nữa. Cho nên nổi bật nhất sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công là tinh thần đoàn kết, Bác Hồ nói rằng là người hay thượng, miền xuôi hay miền ngược, cũng đều là người dân Việt Nam, cho nên không phân biệt tôn giáo, không phân biệt dân tộc, ai tham gia mặt trận Việt Minh đều kết nạp được. Như vậy là cái gì, là lòng yêu nước”.

Ngày 2/9/1945 đi vào lịch sử, đánh dấu mốc son chói lọi nhất trong hành trình mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân Việt Nam trước toàn thế giới.

74 năm qua, thực hiện lời thề thiêng liêng tại Lễ Tuyên ngôn độc lập “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đổ biết bao công sức, trí tuệ, hy sinh biết bao xương máu để giữ vững thành quả và thực hiện các mục tiêu cao cả của Cách mạng Tháng Tám.

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên, ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, vượt qua ngưỡng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị – xã hội ổn định; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng, uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

74 năm trôi qua, chứng kiến sự đổi thay, phát triển của tỉnh Kon Tum nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, những người chiến sĩ cách mạng như ông Đào Duy Tồn, ông Ngô Sinh Tùng luôn cảm thấy tự hào về sự mất mát, hy sinh của họ đã được thế hệ trẻ hôm nay ghi nhớ và phát huy truyền thống để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Ngọc Chí – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *