(kontumtv.vn) – Thống kê đến thời điểm hiện nay, đã có 52 địa phương trong cả nước xuất hiện dịch và ổ dịch tả lợn châu Phi. Tại tỉnh Kon Tum, cơ quan chức năng vừa phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai. Hiện nay, địa phương đã thực hiện tiêu hủy hoàn toàn 43 con lợn thuộc đàn lợn bị nhiễm bệnh. Để hiểu rõ hơn sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng trong phòng, chống dịch lây lan sang diện rộng và những cảnh báo về nguy cơ phát sinh thêm các ổ dịch mới, phóng viên Thu Trang Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Đoàn Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết, những ngày gần đây có thông tin tỉnh Kon Tum đã xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại huyện Ia H’Drai. Ông cho biết cụ thể hơn về nguyên nhân xuất hiện ổ dịch?

Ông Đoàn Thanh Mai: Ngày 28/5 khi có thông báo của huyện Ia H’Drai, chúng tôi cử cán bộ đi vào ngay huyện lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 30/5 là có kết quả dương tính với virus dịch tả châu Phi, chúng tôi thực hiện các biện pháp tiêu hủy ngay số mắc bệnh. Trong ổ dịch đó chỉ có duy nhất ổ dịch của Chi nhánh 716 của Binh đoàn 15. Trong quá trình chăn nuôi thì dùng thức ăn, thức ăn thừa là chưa qua xử lý nhiệt. Đó là nguyên nhân gây ra bệnh.

Ông Đoàn Thanh Mai trả lời phỏng vấn của PV
Ông Đoàn Thanh Mai trả lời phỏng vấn của PV

PV: Thưa ông, qua phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai trên địa bàn tỉnh Kon Tum như vậy thì ngành Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tích cực, quyết liệt triển khai các giải pháp cụ thể như thế nào nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch ra các địa bàn khác?

Ông Đoàn Thanh Mai: Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp ban hành, thành lập và xây dựng các kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên địa bàn của tỉnh. Thứ hai là thành lập các BCĐ phòng chống dịch bệnh của tỉnh, chỉ đạo thành lập các BCĐ của huyện, xã rồi thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời, các đường ngang, ngõ tắt và các đường của địa phương. Trên các quốc lộ thì có 03 trạm chính tăng cường phối hợp giữa công an giao thông, đội quản lý thị trường thành lập 03 chốt kiểm dịch của tỉnh gồm có đèo Vi ô lắc, Sao Mai là hiện nay trực 24/24 để kiểm soát tất cả các phương tiện giao thông. Thứ nhất là kiểm soát, thứ hai là khử trùng tiêu độc tất cả các phương tiện giao thông đó và kể cả động vật vận chuyển từ địa bàn khác vào hoặc là quá cảnh qua địa bàn của tỉnh, kiểm soát tất cả phương tiện đó để xử lý các trường hợp vận chuyển gia súc trái phép và thực phẩm liên quan đến thịt lợn.

PV: Ông dự báo như thế nào về khả năng lây lan của dịch bệnh trên toàn địa bàn?

Ông Đoàn Thanh Mai: Hiện nay chúng tôi đã phối hợp với UBND huyện Sa Thầy và Ia H’Drai để kiểm soát chặt chẽ. Vấn đề nguy cơ thì trong thời gian sắp tới sẽ diễn biến phức tạp, nhưng có một cái là ổ dịch này nằm ở địa bàn cũng cách ly khu dân cư rất xa, mật độ không dày cho nên nếu được kiểm soát tốt thì nguy cơ lây lan sẽ hạn chế được.

PV: Thưa ông, vừa rồi ông có nhấn mạnh cần phải làm tốt công tác kiểm soát, vận chuyển động vật trên địa bàn. Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Đoàn Thanh Mai: Hiện nay theo chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp, chúng tôi đã tham mưu với tất cả các huyện giáp ranh với ổ dịch hơn nữa giáp ranh với các tỉnh biên giới và các tỉnh đã có dịch như Gia Lai hoặc là Quảng Nam thì chúng tôi làm việc với UBND các huyện thành lập các chốt như Ngọc Hồi có thành lập chốt vận chuyển gia súc từ biên giới, từ Ngọc Hồi qua Sa Thầy để kiểm soát đường vận chuyển đó. Thứ hai riêng thành phố Kon Tum có đường tắt như Ia Chim thì thành lập chốt với Sa Thầy, trực tiếp hôm qua chúng tôi chỉ đạo và cùng lãnh đạo huyện lên khảo sát, đã triển khai chốt kiểm dịch tạm thời để kiểm soát gia súc vận chuyển từ Ia H’Drai qua.

PV: Thưa ông, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn cả nước, nhân đây ông có đưa ra khuyến cáo, cảnh báo gì đối với người dân và chính quyền các địa phương trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi?

Ông Đoàn Thanh Mai: Trong thời gian hiện nay và thời gian đến cũng đề nghị tất cả địa phương chấp hành đúng sự chỉ đạo của UBND tỉnh và các công điện và hướng dẫn của ngành thú y và thực hiện tốt công tác phòng chống. Thứ hai đối với người dân thì lĩnh vực ngành cũng khuyến cáo người dân chấp hành tốt công tác 5 không,  đó là không giấu dịch, không điều trị, không mua bán, vận chuyển động vật mắc bệnh và động vật chết, không vứt xác động vật ra môi trường gây lây lan dịch bệnh, không giết mổ, mua bán lợn bệnh hoặc lợn chết, không sử dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi khi chưa qua xử lý nhiệt để đảm bảo dịch bệnh không lây lan.

PV: Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *