(kontumtv.vn) – Ngày 18/1, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với Liên minh HTX Việt Nam và các bộ, ngành Trung ương về tình hình kinh tế tập thể, kết quả triển khai, thực hiện Kết luận số 56-KL/TW và Luật Hợp tác xã năm 2012.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của KTTT, mà nòng cốt là  HTX – Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Theo báo cáo chung, đến nay cả nước có 18.016 hợp tác xã (HTX), trong đó 10.052 HTX nông nghiệp, 1.424 HTX thương mại dịch vụ, hơn 3.000 HTX xây dựng, công nghiệp, 965 HTX vận tải, 1.137 Quỹ tín dụng nhân dân, 332 HTX môi trường.

Bên cạnh đó, cả nước hiện có gần 150.000 tổ hợp tác với 1,95 triệu thành viên, hoạt động ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền, nhiều nhất ở khu vực Nam Bộ.Đánh giá về tình hình hoạt động cho thấy hiện có khoảng 40% số HTX hoạt động hiệu quả, 40% đạt mức thu nhập trung bình còn 20% yếu kém. Khối HTX nông nghiệp chiếm đa số với 6,7 triệu hộ gia đình, cá nhân đang phải đẩy mạnh đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện liên kết với DN. Số HTX thương mại, vận tải, công nghiệp… có hiệu suất kinh doanh cao hơn, nhiều điển hình có thương hiệu như Liên hiệp HTX Saigon Co.op, doanh thu hàng tỉ USD, giải quyết việc làm cho 17.000 lao động trên 36 tỉnh, thành phố.

Theo đánh giá chung, tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng hoạt động của khối kinh tế tập thể (KTTT) chưa tương ứng với tiềm năng, lợi thế và so với mục tiêu yêu cầu. KTTT đang phát triển còn chậm cả về số lượng và chất lượng.

Các vấn đề mà Kết luận số 56-KL/TW về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về kinh tế tập thể chỉ ra vẫn chậm được khắc phục: Nhận thức về phát triển KTTT của nhiều cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu chưa đầy đủ, chưa thống nhất, đánh giá về KTTT chưa toàn diện, chưa thấy hết vai trò quan trọng của khu vực KTTT trong phát triển kinh tế-xã hội, năng lực của các tổ chức KTTT còn yếu, công tác quản lý còn hạn chế, bộ máy phân tán, kém hiệu quả. Hệ thống cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, chưa hấp dẫn, còn nhiều bất cập để khuyến khích phát triển các mô hình KTTT.

Đặc biệt, việc thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 với yêu cầu chuyển đổi, đăng ký lại các HTX theo luật định còn cao, bình quân cả nước còn 45%, cá biệt có địa phương còn hơn 60% HTX chưa chuyển đổi, trong khi thời hạn thực hiện quy định này chỉ còn đến 30/6/2016.

Tại cuộc họp, ý kiến từ Liên minh HTX Việt Nam và các bộ, ngành đề cập tới một số vấn đề cần tháo gỡ về cơ chế chính sách, như việc ban hành Nghị định về HTX nông nghiệp, sửa đổi, bổ sung một số chính sách khuyến khích phát triển HTX gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, hải sản; đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại vùng ĐBSCL…

Ảnh: VGP/Nguyên Linh

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của KTTT, mà nòng cốt là mô hình HTX. Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động HTX chưa có những bước phát triển đột phá, tạo sức bật cho khu vực kinh tế quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội của đất nước như mục tiêu, yêu cầu nêu trong kết luận của Trung ương cũng như hệ thống pháp quy đề ra.

Trước yêu cầu tình hình hình mới, Phó Thủ tướng cho rằng cần có những giải pháp cụ thể, tiếp tục thúc đẩy đưa KTTT thực sự là thành phần kinh tế quan trọng, góp phần trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc phát triển KTTT là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đồng thời là mô hình hiệu quả cho các thành viên, xã viên bảo đảm HTX là tổ chức KTTT, đồng sở hữu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, do các thành viên tự nguyện thành lập nhằm tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản suất, kinh doanh, tạo việc làm, đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên, trên cơ sở bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế, các chính sách tạo thuận lợi cho HTX phát triển, nhất là việc xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn theo từng tỉnh, vùng, liên tỉnh. Liên minh HTX Việt Nam phải làm việc với các bộ, ngành liên quan để rà soát, có kế hoạch triển khai thí điểm các mô hình này.

Tương tự, cơ quan quản lý Nhà nước về HTX làm việc với các địa phương để đánh giá về vấn đề chuyển đổi mô hình theo Luật, thực hiện Kết luận số 56-KL/TW, xem xét các vấn đề vướng mắc, nguyên nhân của tình trạng chậm trễ này để kịp thời có phương án đôn đốc, đảm bảo tiến độ đề ra.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về kiện toàn bộ máy quản lý Nhà nước, Liên minh HTX. Song song với đó, xem xét cân đối các nguồn lực hỗ trợ cho các hoạt động cơ bản, cố gắng lồng ghép với các chương trình hỗ trợ khác liên quan./.

Nguyên Linh/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *