(kontumtv.vn) – Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Kon Tum tuy có chuyển biến, song  hiệu quả kinh tế – xã hội mà mô hình kinh tế tập thể mang lại chưa cao. Đặc biệt, hiệu quả giải quyết việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội khác cho các thành viên và cộng đồng còn hạn chế; việc giải quyết dứt điểm tồn đọng về tài sản, nợ thuế của các HTX còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hợp tác xã Thần Nông (thành phố Kon Tum) được thành lập năm 2010, có 14 thành viên hoạt động ở lĩnh vực trồng cây ăn trái. HTX đã và đang hoạt động tương đối ổn định, song HTX rất dè chừng trong việc đẩy mạnh mở rộng sản xuất vì nguồn đất sản xuất hiện tại của HTX chủ yếu là đất thuê của Nhà nước và chu kỳ thuê đất chỉ có 5 năm. Ông Phạm Văn Khiêm, Giám đốc HTX này cho biết: “Nói chung thuê thời hạn ngắn rất ảnh hưởng đến đầu tư vì  bà con không yên tâm đầu tư mà vốn đầu tư thì cũng không được nhiều, mà làm cây lâu năm thì đất ngắn hạn, rất là bất cập. Cũng mong muốn là sao thuê được đất dài hạn cho bà con phát triển được bền vững hơn”.

Xã viên không yên tâm sản xuất vì thời hạn thuê đất ngắn
Xã viên không yên tâm sản xuất vì thời hạn thuê đất ngắn

Hợp tác xã Nuôi trồng và Đánh bắt thủy sản Thành Đạt (thành phố Kon Tum) là một trong những HTX đã chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012. Tuy nhiên, về cơ bản HTX hoạt động vẫn không khác trước là bao, vẫn trông chờ vào  sự hỗ trợ của Nhà nước. HTX  hiện có 12 thành viên, thu nhập chủ yếu từ đánh bắt thủy sản trong tự nhiên, do đó mức thu nhập của thành viên HTX không đủ đảm bảo cho cuộc sống. Ông Nguyễn Văn Thiệu, Giám đốc HTX nói: “Nguồn tài nguyên thiên nhiên bây giờ cạn kiệt quá rồi cho nên HTX gặp khó khăn, vừa bão, thiên tai rồi đánh bắt thu nhập hiệu quả thấp. Bình quân thu nhập trong 6 tháng đánh bắt chỉ 3,5 triệu đồng/người/tháng. Còn lại 6 tháng cũng rất là khó khăn, đang bươn chải”.

Từ khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012 vào tháng 8 năm 2017, HTX Quyết Thắng (xã Đăk Xú, huyện Ngọc ) đã chú trọng mở rộng sản xuất kinh doanh. Hiện HTX đã thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm đối với các mặt hàng tre nứa và nấm các loại. HTX có 23 thành viên, bình quân thu nhập của một thành viên từ 5 đến 7 triệu đồng/ tháng. Hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX đang rất thuận lợi, đầu ra sản phẩm được bao tiêu ổn định. Đơn vị có định hướng tiếp tục mở rộng qui mô sản xuất, song lại không dám đầu tư vì những bất cập do hệ lụy từ những năm đầu HTX mới thành lập để lại vẫn chưa được tháo gỡ. Cụ thể là HTX thành lập năm 2007, đến năm 2010 HTX ngưng hoạt động, Ban Chủ nhiệm cũ giờ không còn nên HTX gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý các vấn đề liên quan. Ông Vũ Văn Biên, Giám đốc HTX Quyết Thắng nói: “Khó khăn như thế này là do Ban Thư ký cũ người ta làm thất lạc hết các hồ sơ ví dụ như giấy tờ khi ngừng hoạt động, giấy ngừng báo thuế không có nên bây giờ HTX tôi mở lại mã số thuế thì chúng tôi phải nộp số tiền phạt thuế. Nói vô lý thì nó không đúng nhưng thật ra chúng tôi phải gánh chịu hậu quả của người đi trước để lại. Thế thì chúng tôi làm ở đây một doanh nghiệp hoặc một HTX hoạt động mà không thực hiện nghĩa vụ thuế của mình thì đồng nghĩa nghĩa vụ anh không có thì quyền lợi của anh không được hưởng. Ai cũng hiểu được điều đó”.

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh chưa phát triển mạnh có nguyên nhân rất đáng quan tâm, đó là do các HTX bị thiếu vốn đầu tư sản xuất. Thực tế hiện nay, vốn hỗ trợ lãi suất ưu đãi còn rất hạn chế, nguồn vay  không được nhiều; trong khi đó vay tín chấp, thế chấp từ các ngân hàng thương mại lãi suất lại cao.Ông Nguyễn Tri Sáu, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Sáu Nhung, huyện Đăk Hà đề nghị: “Chúng tôi đang chế biến sâu  các sản phẩm có giá trị chuỗi giá trị cuối cùng cần đòi hỏi rất nhiều nguồn vốn, thiết bị, máy móc công nghệ rồi làm thị trường, do vậy rất mong Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi dài hạn  để có động lực, có nguồn vốn thúc đẩy chuỗi sản phẩm có giá trị sâu”.

Kinh tế tập thể có tầm quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả sản phẩm. Tuy nhiên, đối với tỉnh Kon Tum, kinh tế tập thể còn chiếm tỷ trọng thấp. Toàn tỉnh hiện có 81 HTX, trong đó có 75 HTX đang hoạt động, 6 HTX không hoạt động; trong tổng số 75 HTX đang hoạt động có khoảng 30% HTX hoạt động kém hiệu quả. Ông Nguyễn Lâm Cảnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum cho biết: “Theo tôi nguyên nhân chủ yếu thứ nhất là năng lực nội tại của các HTX còn hạn chế nên phần lớn còn thiếu vốn đầu tư để sản xuất kinh doanh, trong khi đó Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX chưa đáp ứng được nhu cầu về vốn của các HTX, việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng khác khó khăn. Nguyên nhân thứ hai là các chính sách ưu đãi hỗ trợ đối với HTX theo Quyết định 2261 của Thủ tướng Chính phủ chưa được triển khai thực hiện đến các HTX. Thứ ba là một số cấp ủy, chính quyền, nhất là cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn”.

Nếu những nguyên nhân này không sớm được giải quyết, chắc chắn việc xây dựng và phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh vẫn không đem lại hiệu quả như mong muốn.
                                                                   

Thanh Tùng – Công Luận

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *