(kontumtv.vn) – Từ xưa, người Xê Đăng ở núi Ngọc Linh đã có một loại thuốc “giấu” dùng để bồi bổ sức khỏe và chữa trị nhiều loại bệnh. Cây thuốc “giấu” đó chính là sâm Ngọc Linh, loại cây đặc hữu chỉ có ở núi rừng Ngọc Linh. Với giá trị kinh tế, giá trị dược liệu đặc hữu, giờ đây sâm Ngọc Linh trở thành niềm tự hào, thành kế sinh nhai của nhiều người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh.

Người Xê Đăng dùng trăng để tính tháng, dùng mùa rẫy để tính năm. Vợ chồng ông A Fin và bà Y Xía (thôn Kung Rang, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei) đã trải qua 70 mùa rẫy. Hôm nay ngồi bên bếp lửa bập bùng, họ kể về cây thuốc “giấu” ở núi Ngọc Linh đã một thời dùng thay cơm cứu đói dân làng vì không đủ gạo để ăn. Ông A Fin kể: “ Cây này chưa biết từ khi nào mà người dân bản địa ở đây phát hiện được. Trước đây người dân chủ yếu là dùng lá để nấu uống thay nước hàng ngày. Thời điểm đó do rau cỏ không đủ, gạo thì chưa đủ, để tiết kiệm trong hộ gia đình thì lấy một ít lá sâm, cây củ sâm để giã lấy uống nước thay cơm luôn. Thời điểm đó chỉ lấy củ to thôi, củ to bằng cổ tay mới lấy, còn củ nhỏ giống mình dùng bây giờ là không lấy”.

Bà Y Xía cho biết thêm: “Cây sâm này phối kết hợp với mật ong chủ yếu bảo vệ sức khỏe.  Trước đây  thuốc thang thiếu, bệnh xá thì xa xôi tạm thời sử dụng cái này. Mấy bà mấy cô sinh đẻ, đặc biệt là khó đẻ thì chủ yếu giã uống, xoa bôi với mật ong ngay bụng đỡ được những ca khó đẻ. Sử dụng cái đó sau khi sinh con sinh cái có người thì từ 3 ngày, người thì 10 ngày, có người thì 1 tháng có thể đi làm được bởi vì uống cái này cảm thấy mình khỏe cho nên mới đi làm”.

Theo lời kể của ông A Fin, đã có thời điểm sâm Ngọc Linh rất nhiều: “Thời điểm chống Mỹ người ta phun hóa chất nên cây lương thực, thực phẩm ở đây không thể mọc được, nên dân làng vào rừng lấy sâm đổi gạo. Những cây này ở trong rừng già nên không thể chết được. Mỗi ngày một người một ba lô, có cái gùi cứ đặt lên, đầy rồi cõng về bán”.

Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng
Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng

Thế nhưng giờ đây, khi người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh nhận biết được giá trị sử dụng của sâm cao gấp nhiều lần thì gần như nó đã có dấu hiệu cạn kiệt. Thông tin về giá trị của loài sâm quý hiếm đến với bà con có muộn màng, nhưng dẫu sao việc nhân giống, trồng và bảo vệ cây sâm Ngọc Linh cho thấy bà con đã kịp thời nắm bắt cơ hội. Ông A Tiêu (thôn Lê Vân, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei) nói: “Mình tự hiểu tự biết cây sâm núi Ngọc Linh đắt tiền tìm không ra, mình phải tự trồng.  Bây giờ trồng ba năm rồi, nhưng mà không nhiều, 100 – 200 cây thôi”.

Người Xê Đăng tuân thủ tính cộng đồng rất cao, giữ gìn truyền thống chia ngọt sẻ bùi, họ đi rừng tìm sâm Ngọc Linh cùng nhau, trồng sâm Ngọc Linh cùng nhau rồi giúp đỡ nhau về cây giống để ai cũng được trồng sâm Ngọc Linh. Vì trồng đơn lẻ, không thể chăm sóc và bảo vệ tốt nên cách duy nhất là liên kết thành mô hình trồng sâm Ngọc Linh và điều này trở nên phổ biến. Tùy vào điều kiện của mỗi vùng đất, có nhóm khoảng 5 hộ, có nhóm trên dưới 30 hộ liên kết. Cùng nhau góp vốn kéo điện đến tận vườn, làm hàng rào bao quanh, làm nhà chòi để nghỉ ngơi, phân công lịch trực và chịu trách nhiệm bảo vệ vườn sâm hết sức rõ ràng, cụ thể.

Người làm trước rút kinh nghiệm chỉ cho người làm sau, người có giống san sẻ cho người chưa có giống, cứ thế vòng kết nối tự nhiên làm cho người Xê Đăng càng đoàn kết, yêu thương nhau nhiều hơn. Trong số 600 hộ gia đình ở xã Ngọc Linh, có đến 70% hộ tham gia trồng sâm Ngọc Linh. Với số lượng không nhiều, có hộ mới trồng được dăm bảy cây, cũng có hộ vài trăm cây, nhưng tới thời điểm hiện tại toàn xã đã trồng được gần 12 nghìn cây.

Rồi đây những nắm cơm, đùm cơm ngày ngày bà con mang lên đây để vừa ăn vừa  trông coi, chăm sóc, giữ gìn vườn sâm sẽ có thêm những món ăn ngon hơn từ việc thu lại thành quả, công sức đã bỏ ra cho cây sâm. Cây sâm Ngọc Linh đang hứa hẹn với họ quyền được mong muốn, quyền được hi vọng.

Năm 2017, huyện Đăk Glei đã xuống giống được 1 ha sâm Ngọc Linh, đến năm 2018 phát triển lên hơn 2,3 ha với tổng số trên 23 nghìn cây. Diện tích và số lượng cây tập trung nhiều nhất ở xã Ngọc Linh, tiếp theo là Mường Hoong và xã Xốp. Trong năm 2018, UBND huyện cũng đã chỉ đạo 3 xã Đăk Choong, Đăk Blô và Đăk Man trồng thí điểm gần 250 cây giống sâm Ngọc Linh. Ông Trịnh Xuân Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết: “Về hỗ trợ vốn cho người dân thì vận động người dân vay vốn thông qua Ngân hàng Chính sách để phát triển sản xuất cây sâm rồi các chương trình vốn hỗ trợ cho người nghèo như vốn phát triển sản xuất, vốn tạo việc làm, đặc biệt nữa là kênh vay vốn phát triển cây sâm. Chính sách thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, địa phương theo thẩm quyền của mình thì tạo các thuận lợi cho nhà đầu tư về cơ chế, chính sách đất đai, về tài chính”.

Thời gian qua, tại các triển lãm quảng bá sản phẩm du lịch, triển lãm dược liệu, huyện Đăk Glei luôn có một vị trí quan trọng để trưng bày, giới thiệu tới đông đảo du khách về sâm Ngọc Linh. Từ những nỗ lực, những chính sách đầu tư phát triển cây sâm Ngọc Linh, huyện Đăk Glei hướng đến năm 2020 sẽ mở rộng lên 5 ha sâm Ngọc Linh, năm 2030 có từ 300 đến 400 ha sâm Ngọc Linh. Điều này thể hiện quyết tâm của huyện trong việc hiện thực hóa khẳng định của Thủ tướng Chính phủ đó là “ Sâm Ngọc Linh là quốc bảo, là quốc kế dân sinh”.

Nguyễn Thu – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *