(kontumtv.vn) – Bên cạnh cồng chiêng, các sản phẩm được làm từ tre nứa, đồ gỗ của đồng bào các dân tộc sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh Kon Tum chứa đựng nhiều nét văn hóa tiêu biểu. Tín hiệu vui là việc chế tác ra các sản phẩm này đã và đang được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm bảo tồn và phát huy. Theo đó, nhiều sản phẩm đã trở thành hàng hóa phục vụ khách du lịch, góp phần nâng cao đời sống bà con.

Là một trong những điểm đến của nhiều du khách khi đặt chân đến Kon Tum, Shop Đăk Bla trưng bày khá nhiều sản phẩm được làm từ tre nứa và đồ gỗ do các nghệ nhân đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum chế tác. Tại địa điểm này, du khách có cơ hội chiêm ngưỡng nét độc đáo, đặc sắc, tinh tế của các sản phẩm gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở tỉnh Kon Tum. Từ đó, có thể lựa chọn cho mình một hay nhiều sản phẩm ưng ý để làm vật lưu niệm. Ông Hồ Công Văn, Shop hàng lưu niệm Đăk Bla (620, Nguyễn Huệ, thành phố Kon Tum) nói: “Người Nam thích nỏ, người Bắc thích những cái túi, gùi, những cái mang tính cách văn hóa. Khách Tây chú trọng về nét hoa văn tỉ mỉ của mỗi dân tộc khác nhau như Gia Rai, Xê Đăng, Ba Na qua hoa văn trên cái gùi, người Tây thì thích những cái gùi đã sử dụng rồi”.

Sản phẩm tre nứa của đồng bào đã trở thành hàng hóa phục vụ khách du lịch
Sản phẩm tre nứa của đồng bào đã trở thành hàng hóa phục vụ khách du lịch

Để có được những sản phẩm hàng hóa phục vụ cho đời sống và phục vụ cho du khách, việc mở các lớp truyền dạy nghề, khuyến khích các nghệ nhân chế tác ra các nhạc cụ, các sản phẩm đan lát và các sản phẩm từ đồ gỗ đã được các địa phương quan tâm chú trọng. Tín hiệu vui là nhiều nghệ nhân đã và đang có thu nhập cao từ các nghề truyền thống. Tiêu biểu như nghệ nhân A Hung (làng Kon Ktu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum). Từ việc làm ra các sản phẩm lưu niệm đậm chất Ba Na như nhà rông, gùi, giúp ông có thu nhập thêm mỗi tháng từ 3-5 triệu đồng. Còn đối với nghệ nhân A Thol (làng Kà Bầy, xã Sa Bình, huyện Sa Thầy), mỗi tháng từ việc làm ra các sản phẩm đan lát truyền thống giúp ông có thêm thu nhập từ 2-3 triệu đồng. Hiện nay, các sản phẩm đan lát của các nghệ nhân A Hung, A Thol cùng nhiều nghệ nhân khác đã và đang được các cửa hàng lưu niệm đặt hàng với số lượng lớn. Nghệ nhân A Thol nói: “Họ đặt mình làm cái gùi, cái rổ, cái đơm cá nhiều lắm. Mình làm không kịp, vì làm được cái gùi, cái đơm cá hay cái nhà rông nhỏ đúng như truyền thống mất nhiều thời gian và phải khéo tay nữa. Phải làm đủ màu sắc, hoa văn truyền thống”.

Không chỉ các sản phẩm từ nghề đan lát được du khách tìm mua, các sản phẩm nhạc cụ được chế tác từ tre nứa như đàn tơ rưng, đàn ting ning, đàn goong, đàn klông pút, khèn, sáo của  bà con cũng từng bước trở thành sản phẩm hàng hóa. Theo đó, tại những làng du lịch như Đăk Răng, Đăk Mế (huyện Ngọc Hồi), Kon Kà Tu (thành phố Kon Tum), Kon Gung, Đăk Mut, Kon Klốc (huyện Đăk Hà), làng Chốt (huyện Sa Thầy), làng Kon Chênh (huyện Kon Plông) và nhiều làng khác, việc chế tác nhạc cụ tre nứa vừa phục vụ biểu diễn, vừa phục vụ làm quà lưu niệm đã được các nghệ nhân thường xuyên thực hiện. Đây là một trong những điểm nhấn thu hút du khách đến với Kon Tum ngày một nhiều hơn. Ông A Đôi, Giám đốc sở TT&TT tỉnh Kon Tum cho biết: “Tre nứa gắn liền với đời sống người nông dân biết bao đời nay, nói về âm nhạc thôi thì cây nứa dùng làm đàn tơ rưng, Klông pút, goong, rất nhiều thứ, ting ning nè. Tôi rất thích chúng ta đưa những hiện vật dân tộc học để giới thiệu với bè bạn khách du lịch trong và ngoài nước, để họ biết thêm giá trị độc đáo của các dân tộc ở Kon Tum, tôi nghĩ sau này chúng ta  cần phát huy”.

Chiếc nỏ truyền thống là một trong những sản phẩm không thể thiếu trong các cửa hàng bán hàng lưu niệm, của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum. Từ xa xưa, chiếc nỏ là vật phòng thân gắn liền với nam giới Tây Nguyên nói chung và của tỉnh Kon Tum nói riêng. Ngày nay, chiếc nỏ là phương tiện để đồng bào DTTS thể hiện tài năng thông qua các hội thi thể thao truyền thống. Chiếc nỏ được các nghệ nhân chế tác từ những loại gỗ tốt và tỉ mỉ nên có độ bền và có tính thẩm mỹ cao. Chính vì nét độc đáo của những chiếc nỏ đã khiến cho nhiều du khách tìm mua để làm quà lưu niệm. Đặc biệt là những chiếc nỏ đậm nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum. Nghệ nhân A Hung (làng Kon Ktu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) cho biết: “Tùy theo cái gỗ, cái lớn cái nhỏ, cái một triệu có, cái hai triệu có, có loại hai triệu rưỡi cũng có tùy theo lớn nhỏ”.

Với mục tiêu bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống, tỉnh Kon Tum đã ban hành Đề án Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc tại chỗ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Trên cơ sở đó, nhiều hoạt động như truyền dạy gắn với quảng bá sản phẩm nghề truyền thống đã và đang được Ban Dân tộc tỉnh triển khai có hiệu quả trong thời gian qua. Đây là động lực để các nghệ nhân có thể gìn giữ và sinh sống được bằng nghề chế tác ra các sản phẩm truyền thống.

Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *