(kontumtv.vn) – Cùng với đẩy mạnh công tác quản lý bảo vệ rừng, xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp gắn với sản xuất công nghiệp theo hướng theo hướng thân thiện với môi trường, tỉnh Kon Tum đã và đang khuyến khích các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn nhằm giúp nông dân tăng thu nhập và bảo vệ môi trường.

Phấn đấu đến năm 2020 thành lập được khu nông nghiệp công nghệ cao có quy mô 50 ha, tái canh 645 ha cà phê già cỗi và hình thành 500 ha chuyên canh cà phê ứng dụng công nghệ cao đó là mục tiêu đặt ra của huyện Đăk Hà trong thời gian qua. Trên cơ sở đó, huyện liên kết với các bộ ngành Trung ương, các viện khoa học và các doanh nghiệp triển khai nhiều lớp tập huấn, xây dựng các mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ và mô hình Cà phê bền vững VnSAT, thu hút  gần 1.500 hộ tham gia với diện tích cà phê 1.845 ha. Kết quả đối chứng với các mô hình sản xuất truyền thống, diện tích cà phê áp dụng khoa học kỹ thuật năng suất tăng từ 15-20%, tính kháng bệnh cao và chi phí đầu tư giảm gần 20%. Điều quan trọng là sức khỏe của người sản xuất được đảm bảo, thu nhập tăng cao hơn và môi trường được bảo vệ. Sản xuất nông nghiệp sạch cũng là tiêu chí được huyện Đăk Hà chú trọng trong xây dựng nông thôn mới. Ông Hoàng Hữu Nhùng (thôn Đoàn Kết, xã Đăk Ngọc, huyện Đăk Hà) nói: “Người dân hồ hởi, phấn khởi thực hiện theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới và được hưởng không khí trong lành, đồng thời sản xuất ra những hàng nông lâm sản như cà phê dùng thuốc thực vật hạn chế, về vấn đề chăn nuôi cũng vậy, trồng rau màu cũng vậy. Nói chung đời sống kinh tế được khá giả”.

SAN XUAT NONG NGHIEP SACH GOP PHAN BAO VE MOI TRUONG

Cùng với mô hình cà phê sạch, việc áp dụng sản xuất mô hình nông nghiệp VietGap và sản xuất rau an toàn theo chuỗi liên kết đã đem lại thành công cho nhiều hợp tác xã nông nghiệp và  nhiều hộ gia đình nông dân. Qua đánh giá của cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cho thấy, năng suất của những mô hình VietGAP thường tăng từ 20-30% trong khi tiết kiệm được từ 15- 20% chi phí sản xuất nhờ giảm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Hiện toàn tỉnh có 6 cơ sở sản xuất nông nghiệp được cơ quan chức năng cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGap, cùng với 3 địa phương là thành phố Kon Tum, huyện Ngọc Hồi và Kon Plông xây dựng được mô hình sản xuất rau củ quả an toàn theo chuỗi liên kết. Đây cũng là kết quả của công tác hỗ trợ, tiếp sức cho bà con nông dân của cơ quan chức năng tỉnh.Ông Nguyễn Quang Đông, Trang trại Nông nghiệp Sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông nói: “Nhờ sự giúp đỡ của Chi cục Đo lường chất lượng nông lâm thủy sản, chúng tôi được tập huấn, được tiếp cận các thủ tục pháp quy, được hỗ trợ kinh phí hóa nghiệm về các chỉ tiêu, chất lượng sản phẩm trái cây dẫn đến chúng tôi có sản phẩm VietGap này. Có cái này sản phẩm của chúng tôi đến với người tiêu dùng một cách tin cậy”.

Từ chủ trương đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch của tỉnh, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp từng bước hình thành và phát huy hiệu quả. Tiêu biểu như Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen với quy mô 170 ha; cánh đồng sản xuất mía công nghệ cao 30 ha tại xã Ia Chim, thành phố Kon Tum; cánh đồng lớn sản xuất lúa thơm 32 ha tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà; cánh đồng trồng ngô lấy thân 30 ha tại xã Măng Bút, huyện Kon Plông.

Bước vào năm 2019, một trong những nội dung trọng tâm của 3 nhiệm vụ đột phá được UBND tỉnh Kon Tum đề ra đó là phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đây là cơ sở để sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn của tỉnh thuận lợi cho phát triển, góp phần bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp nói riêng và bảo vệ môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh nói chung.

Văn Hiển – Đức Thắng

                                                                                               

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *