(kontumtv.vn) – Nhằm cụ thể hóa mục tiêu sản xuất nông nghiệp sạch và áp dụng mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng giá trị do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kon Tum đề ra, Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm sản và Thủy sản đã xây dựng điểm mô hình chuỗi cung ứng rau an toàn tại huyện Ngọc Hồi. Bước đầu, mô hình đã phát huy tốt hiệu quả.

Sau một năm áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP do Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm sản và Thủy sản tỉnh hướng dẫn, tư duy sản xuất của nông dân Ong Thế Hồng (Tổ hợp tác Sản xuất rau Ngọc Yên 365, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) thay đổi nhiều so với trước. Việc áp dụng quy trình sản xuất sạch từ xây dựng nhà lồng, sử dụng giống cây trồng có nguồn gốc rõ ràng, bố trí hệ thống tưới tiết kiệm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân sinh học, tiết kiệm phân bón và ghi chép nhật ký sản xuất đã được nông dân Ong Thế Hồng cùng các thành viên Tổ hợp tác Sản xuất rau Ngọc Yên 365 thực hiện nghiêm túc. Đây là cơ sở để Trung tâm Quản lý chất lượng Nông – Lâm – Thủy sản vùng 3 cấp chứng nhận VietGAP cho Tổ hợp tác. Nông dân Ong Thế Hồng nói: “Giữa làm phổ thông và làm VietGAP tổng quát lên tôi giảm chi phí đến 20%, tôi tăng sản lượng từ 15-20%. Vị chi tôi tăng 30% sản lượng, thương hiệu của tôi giờ ra thị trường rất rộng lớn, rất dễ bán hàng”.

Quầy rau an toàn tại huyện Ngọc Hồi
Quầy rau an toàn tại huyện Ngọc Hồi

Không chỉ được tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất rau an toàn, được hỗ trợ kinh phí thực hiện các bước cấp giấy chứng nhận VietGAP, các thành viên Tổ hợp tác Sản xuất rau Ngọc Yên 365 còn được hỗ trợ khâu tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, sản phẩm rau an toàn của Tổ được giới thiệu bày bán tại cửa hàng Rau an toàn ở Trung tâm Thương mại huyện Ngọc Hồi. Sự kết hợp này góp phần hình thành nên chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm rau sạch. Ông Đặng Quốc Oai, Chuyên viên Phòng Chế biến Thương mại, Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm sản, Thủy sản tỉnh Kọn Tum cho biết: “Sản phẩm được dán tem đã được sản xuất tại vùng sản xuất rau an toàn, được chứng nhận và được bán tại của hàng sản phẩm rau an toàn. Người ta có thể dùng phần mềm trên điện thoại để quét mã vạch để biết rau sản xuất ở đâu, có thể liên hệ với ai và quy trình sản xuất như thế nào. Chỉ những sản phẩm an toàn mới được dán tem này”.

Với mục tiêu sản xuất đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quy trình VietGAP đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Bà con nông dân sẽ được hưởng lợi rất nhiều nếu áp dụng đầy đủ các bước theo quy định của chuẩn VietGAP. Bà Vũ Thị Bình Minh, Phó Phỏng Quản lý chất lượng, Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm sản, Thủy sản tỉnh Kon Tum nói: “Áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP trong đó quan tâm vấn đề đầu tiên đó là về giống, lựa chọn giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có nhãn mác đầy đủ. Chỉ được sử dụng phân bón nằm trong doanh mục phân hữu cơ, chỉ được sử dụng các loại phân được ủ hoai mục. Về thuốc bảo vệ thực vật ưu tiên sử dụng thuốc sinh học, rồi thực hiện các biện pháp quản lý, phòng từ IPM”.

Mặc dù mới triển khai, nhưng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với chuỗi cung ứng tại huyện Ngọc Hồi đã thu hút sự quan tâm của nhiều bà con nông dân. Đây là cơ sở để Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm sản và Thủy sản tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Lương, Chi Cục phó Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm sản, Thủy sản tỉnh Kon Tum cho biết: “Các địa phương ở khu vực huyện Ngọc Hồi có nhu cầu phát triển thêm chúng tôi sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ về mặt kỹ thuật, giám sát về mặt chất lượng, các hộ đấy cũng sẽ thực hiện mô hình sản xuất an toàn giống mô hình chuỗi chúng tôi thực hiện ở huyện Ngọc Hồi”.

Việc xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn không chỉ đem lại lợi ích cho nông dân, cho tiểu thương tiêu thụ sản phẩm mà còn đem lại sự an tâm, hài lòng cho người tiêu dùng. Phát triển mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là xu thế tất yếu của một nền nông nghiệp bền vững. Đây cũng là mục tiêu mà tỉnh Kon Tum phấn đấu.

Văn Hiển – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *