(kontumtv.vn) – 90 năm trôi qua, đã có nhiều đổi thay và phát triển nhưng tinh thần kiên trung, quật cường của các chiến sĩ cách mạng trong chốn lao tù ở Ngục Kon Tum và Ngục Đăk Glei vẫn sáng mãi.

Cách khu di tích lịch sử cấp quốc gia Ngục Kon Tum chừng 150 km theo Quốc lộ 14 về phía Bắc là khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Ngục Đăk Glei. Ngục Đăk Glei do thực dân Pháp xây dựng năm 1932 nhằm che dấu sự tàn bạo của chúng với cộng đồng quốc tế và âm mưu giết dần, giết mòn những chiến sĩ cộng sản. Sau cao trào cách mạng 1936-1939, thực dân Pháp giam cầm ở đây hơn 60 tù chính trị, trong đó có những cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước sau này như Tố Hữu, Lê Văn Hiến, Chu Huy Mân, Trần Văn Trà, Huỳnh Ngọc Huệ…

Sau khi thất bại trong việc đàn áp, cưỡng chế các tù nhân chính trị ở Ngục Kon Tum làm đường 14, thực dân Pháp tiếp tục xây dựng Ngục Đăk Glei để đưa những chiến sĩ cộng sản lên giam cầm ở nơi rừng thiêng nước độc này. Đến thăm Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei, chị Y Hồng ở thôn Đăk Dung, thị trấn Đăk Glei xúc động chia sẻ: “Chúng tôi có bạn bè và người thân cũng dẫn đến đây để giới thiệu. mặc dù đến rất nhiều lần nhưng lần nào tôi cũng xúc động vì thấy được sự tàn ác của thực dân Pháp đối với các chiến sĩ cách mạng của chúng ta và vô cùng cảm phục tinh thần quật cường đấu tranh giành độc lập tự do của các chiến sĩ cách mạng và vô cùng tự hào vì địa phương của mình đã có khu di tích lịch sử.”

Từ Ngục Kon Tum đến Ngục Đăk Glei là cung đường mà thực dân Pháp đã cưỡng chế  tù nhân chính trị đi mở đường 14 phục vụ cho âm mưu khai phá, vơ vét tài nguyên thiên nhiên của nước ta. Dọc đường 14, đặc biệt là những địa danh như Đăk Pék, Đăk Tao, Đăk Pao là nơi 170 chiến sĩ cộng sản đã phải bỏ mạng vì đòn roi, đói khát, bệnh tật và cả súng đạn của thực dân. Để ngăn chặn âm mưu  mở đường 14 của Pháp và bảo vệ sinh mạng của chính mình, các chiến sĩ cộng sản  luôn kiên cường đấu tranh phản đối làm đường 14. Đỉnh điểm là cuộc đấu tranh lưu huyết và tuyệt thực diễn ra tại Ngục Kon Tum từ ngày 12 đến ngày 16/12/1931. Tuy có nhiều người phải hy sinh nhưng kết thúc cuộc đấu tranh lưu huyết phần thắng thuộc về những người tù chính trị  anh dũng, kiên cường. Chị Nguyễn Thị Mai Sương, Phòng Quản lý Di tích, Bảo tàng – Thư Viện tỉnh Kon Tum cho biết: “8 đồng chí đã hy sinh trong cuộc đấu tranh lưu huyết vào ngày 12/12/1931 và đồng chí Trương Quang trọng là người đã ngã xuống đầu tiên nhận viên đạn của kẻ thù để chết thay cho bạn tù Nguyễn Huy Lung. 7 đồng chí đã hy sinh trong cuộc đấu tranh tuyệt thực vào ngày 16/12/1931. Trong cuộc đấu tranh đó thì thực dân Pháp không thể lay chuyển được tinh thần và đến ngày 16 chúng đã kéo đến nả đạn vào những người tù nằm la liệt giữa sàn nhà và trong cuộc đấu tranh thì 7 đồng chí đã hy sinh.”

90 năm trôi qua, quê hương, đất nước đã có nhiều đổi thay, phát triển. Cung đường 14- nơi các tù chính trị phải hy sinh xương máu giờ được các thế hệ con cháu xây dựng thành đường Hồ Chí Minh phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Địa danh Đăk Pék nơi nhiều chiến sĩ cộng sản hy sinh khi bị địch bắt đi làm đường 14 xưa kia, nay đã là xã nông thôn mới nhộn nhịp và sầm uất, đường sá giao thông thuận lợi, tạo điều kiện cho bà con thông thương về hàng hóa, buôn bán.

Cùng với phát huy di tích lịch sử cấp quốc gia là Ngục Kon Tum và Ngục Đăk Glei để vinh danh các chiến sĩ cách mạng, tố cáo tội ác của thực dân Pháp, tinh thần cuộc đấu tranh lưu huyết đã được tỉnh Kon Tum đưa vào trường học để giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của quê hương. Cô giáo Phan Thị Đông, Hiệu trưởng Trưởng Tiểu học Lê Hồng Phong, thành phố Kon Tum cho biết trong chương trình lịch sử lớp 5 giáo dục địa phương có nguyên một bài về cuộc đấu tranh lưu huyết tại Ngục Kon Tum, trong quá trình dạy các thầy cô giáo luôn khắc sâu kiến thức này cho các em học sinh và  giáo dục cho các em truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn các anh hùng liệt sĩ để từ đó các em thể hiện lòng tự hào đối với dân tộc Việt Nam nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng.

Kỷ niệm 90 năm cuộc đấu tranh lưu huyết tại Ngục Kon Tum 12/12/1931- 12/12/2021 là dịp để thế hệ hôm nay thêm tự hào về thế hệ cha anh, tự hào về quê hương Kon Tum, nơi có hai di tích lịch sử cấp Quốc gia là Ngục Kon Tum và Ngục Đăk Glei, từ đó kế thừa và phát huy tinh thần của cuộc đấu tranh lưu huyết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước hiện nay./.

Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *