(kontumtv.vn) – Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất vẫn trình 2 phương án nhưng lập luận nghiêng về quy định đều tổ chức HĐND và UBND.
Ủng hộ tổ chức HĐND cấp phường
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương trong dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8. Tại phiên họp thứ 37, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất giữ 2 phương án để xin ý kiến Trung ương trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Tuy nhiên, các ý kiến thảo luận nghiêng về ủng hộ phương án vẫn tổ chức HĐND cấp phường.
Là Trưởng đoàn hai đoàn giám sát thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và hoạt động HĐND trong nhiệm kỳ vừa qua, Trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thị Nương cho rằng: Mô hình tổ chức HĐND quay lại như cũ đáp ứng được nguyện vọng, ý chí của cử tri, của nhân dân ở các tỉnh thí điểm cũng như các tỉnh không thí điểm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi nêu ý kiến về nội dung này cũng nhấn mạnh, các ý kiến cơ bản ủng hộ theo hướng giữ HĐND nên báo cáo giải trình tiếp thu phải lập luận rõ hơn về nâng cao chất lượng HĐND.
“Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, cơ cấu tổ chức, biên chế, đại biểu chuyên trách như thế nào phải được thể hiện rõ để luật này đúng là nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của HĐND”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhất trí thiết kế hai phương án để rộng đường thảo luận; đồng thời nhấn mạnh dù có tổ chức HĐND cấp phường hay không thì các lập luận, quy định phải thể hiện được sự quan tâm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của HĐND.
2 phương án tổ chức chính quyền địa phương
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, về quy định tổ chức chính quyền địa phương tại địa bàn đô thị, nông thôn sẽ tiếp tục báo cáo 2 phương án.
Phương án 1 quy định tất cả các đơn vị hành chính quy định tại khoản 1 Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 đều tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND) nhưng làm rõ trong Luật tổ chức chính quyền địa phương những điểm khác biệt về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị và hải đảo.
Việc tổ chức chính quyền địa phương theo phương án này bảo đảm tính ổn định của tổ chức bộ máy nhà nước, không làm xáo trộn mô hình; đáp ứng được yêu cầu phải có sự kiểm soát của cơ quan do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra đối với UBND; thể hiện chính quyền đó gần dân, sát dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân;…
Trong khi đó phương án 2 quy định ở các đơn vị hành chính như tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn tổ chức cấp chính quyền địa phương (gồm HĐND và UBND). Riêng ở phường, do đặc điểm đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức UBND để thực hiện nhiệm vụ của chính quyền địa phương tại phường
Với Phương án không tổ chức HĐND phường thì cách thức thành lập UBND phường có thể thực hiện theo 2 cách khác nhau.
Thứ nhất, Chủ tịch UBND do cử tri của phường bầu trực tiếp và Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn; Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND phường do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Chủ tịch UBND phường.
Phương án khác là Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND phường do Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Việc tổ chức chính quyền địa phương theo Phương án này được đánh giá là sẽ tạo nên sự đổi mới bước đầu trong tổ chức chính quyền địa phương; thể hiện rõ hơn sự khác nhau về mô hình tổ chức chính quyền địa phương trên địa bàn đô thị và nông thôn để phù hợp với đặc điểm và yêu cầu quản lý tại từng địa bàn; kế thừa một phần những kết quả tích cực của việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường trong 6 năm qua….
“Hiện tại, đa số các ý kiến tán thành với phương án 1 và dự thảo Luật cũng đang được thể hiện theo hướng này”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết./.