(kontumtv.vn) – Sáng 29/8, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Văn Hòa chủ trì Hội nghị trực tuyến các huyện, thành phố về sơ kết 3 năm triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh.

SO KET 3 NAM TRIEN KHAI DE AN PHAT TRIEN NONG NGHIEP UNG DUNG CONG NGHE CAO

Sau 03 năm tỉnh Kon Tum thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, diện tích các loại cây trồng trên địa bàn sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 7.600 ha, trong đó, diện tích sản xuất rau, củ quả, hoa gần 280 ha; cà phê, tiêu áp dụng công nghệ tưới tiên tiến có diện tích hơn 7.000 ha; diện tích cây ăn quả trồng theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 200 ha. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đến hết tháng 7/2019 tổng đàn lợn chăn nuôi theo quy mô trang trại áp dụng tiến bộ kỹ thuật khoa học như chuồng nuôi khép kín, có hệ thống làm mát mùa hè và sưởi ấm mùa đông, hệ thống quạt thông gió, xử lý chất thải… đạt khoảng 17.000 con/14 trang trại. Hiện toàn tỉnh có gần 20 trang trại chăn nuôi gia cầm đang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với tổng đàn trên 190.000 con; chiếm hơn 17% tổng đàn gia cầm toàn tỉnh.

Tỉnh Kon Tum xác định mục tiêu xây dựng và thành lập ít nhất 03 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen tại huyện Kon Plông; Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Kon Tum và Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Đăk Hà.

Việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao giúp người dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với sản xuất truyền thống và đòi hỏi phải có tay nghề, kỹ thuật sản xuất ứng dụng công nghệ cao.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa đề nghị thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phải xây dựng được chuỗi liên kết giá trị gắn với mỗi xã một sản phẩm. Các sản phẩm này phải tiêu thụ được để nâng cao thu nhập cho người dân. Từng địa phương cần có giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nhất là có phương án bài bản để đưa sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương bày bán trong siêu thị, trung tâm thương mại. Đối với công tác giải ngân vốn hỗ trợ hoạt động nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các địa phương, ngành, đơn vị cần chú trọng hơn nữa. Đặc biệt, phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh phải gắn chặt với đào tạo nghề, liên kết chuyển giao khoa học công nghệ vào thực tiễn.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *