(kontumtv.vn) – Ngày 22/11, Tỉnh uỷ Kon Tum tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ A Pớt chủ trì Hội nghị. 

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã đạt kết quả tích cực. Toàn tỉnh có 36 tập sách lịch sử được xuất bản gồm 10 công trình sách lịch sử cấp tỉnh, 2 công trình cấp huyện và 24 công trình cấp xã và tương đương được xuất bản. Chất lượng nghiên cứu, biên soạn cơ bản đảm bảo tính Đảng, tính khoa học và tính giáo dục. Đến nay, hầu hết các huyện đã có từ 4-6 đơn vị cấp xã tiến hành nghiên cứu, biên soạn sách lịch sử đảng bộ. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương qua các buổi sinh hoạt; lồng ghép chương trình giảng dạy trong trường học; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử của Đảng, dân tộc Việt Nam và của tỉnh Kon Tum. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạnh của Đảng, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.

Hội nghị đã chỉ ra một số hạn chế tồn tại, trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban bí thư Trung ương Đảng như tài liệu thành văn còn khan hiếm, nhất là tài liệu trước năm 1975; đội ngũ phụ trách công tác lịch sử Đảng cấp huyện chủ yếu là kiêm nhiệm và đa số chưa được đào tạo đúng chuyên ngành; công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng chưa thường xuyên, thiếu liên tục…

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ A Pớt đánh giá cao những kết quả thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng trên địa bàn tỉnh. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, đặc biệt là giáo dục cho thế hệ trẻ; nỗ lực nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Trong đó, thực hiện đúng quy trình, quy định xuất bản, đẩy mạnh công tác sưu tầm, khảo cứu tài liệu; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác lịch sử ở cơ sở và đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng; kịp thời biểu dương, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả; chấn chỉnh các đơn vị thực hiện chưa tốt./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *