(kontumtv.vn) – Ngày 9/3, Sở GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị Trực tuyến sơ kết Đề án giáo dục hướng nghiệp và định huớng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc dự Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Khu hành chính tỉnh.

Để đáp ứng công tác giáo dục hướng nghiệp, UBND tỉnh đã bố trí hơn 440 tỉ đồng để đầu tư mới, nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục nghề nghiệp; các đơn vị trường học, các sở ngành, địa phương tích cực đổi mới tác tuyên truyền, hướng nghiệp; chất lượng giáo viên hướng nghiệp được nâng cao. Đến cuối năm 2021 có trên 30.000 lượt học sinh được tư vấn định hướng nghề nghiệp; 100% trường THCS và THPT có giáo viên làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp; có khoảng 80% trường THCS và THPT xây dựng nội dung giáo dục hướng nghiệp gắn với các họat động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương. Đến nay, nhận thức của học sinh và phụ huynh có chuyển biến tích cực về nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từng bước đa dạng hóa hình thức đào tạo, đổi mới phương thức tuyển sinh và đào tạo gắn với một số nghề đặc thù phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giáo dục hướng nghiêp của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT đi học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, đạt trên 50% mục tiêu đề ra; chất lượng và hiệu quả giáo dục hướng nghiệp trong các trường trung học chưa cao.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều tham luận, kiến nghị và đề xuất cần nâng mức hỗ trợ cho học sinh, học viên khi tham gia học nghề; tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho giáo viên làm công tác hướng nghiệp; sớm điều chính chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT phù hợp với chương trình giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngọc đánh giá cao nỗ lực của ngành GD&ĐT, các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác giáo dục hướng nghiệp giai đoạn 2018-2021. Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các địa phương chủ động khắc phục hạn chế; đề nghị Sở GD&ĐT, Sở LĐ-TB&XH, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum, UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác phối hợp trong giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh; lưu ý công tác tư vấn nghề nghiệp phải phù hợp với độ tuổi, địa bàn và nhu cầu thực tiễn để đạt hiệu quả tốt hơn; cần chú trọng đánh giá sau đào tạo có bao nhiêu học sinh, học viên có việc làm, có thu nhập để có điều chỉnh hợp lý. Bên cạnh đó phải chủ trọng công tác dự báo để tổ chức giáo dục hướng nghiệp đón đầu hợp lý. Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý các sở ngành, địa phương phải phấn đấu hơn nữa để đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra đó là đến năm 2025 có 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông chuyển sang học nghề.

                                                                                      Hiển- Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *