(kontumtv.vn) – Ngày 05/7/2016, Báo Đại Đoàn Kết có đăng tải bài viết “Những cánh rừng kêu cứu: Kỳ 1 – Rừng Măng Cành rỗng ruột”, phản ánh tình trạng phá rừng tại tiểu khu 474, xã Măng Cành (Kon Plông, Kon Tum). Sau khi thông tin được đăng tải, ngày 06/7/2016, chính quyền huyện Kon Plông đã tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế hiện trường và có những phản hồi về thông tin này.

Theo chính quyền huyện Kon Plông, thông tin về vụ việc phá rừng tại tiểu khu 474, xã Măng Cành của Báo Đại Đoàn Kết là thông tin cũ, đã được các cơ quan báo chí phát hiện và phản ánh trong tháng 5/2016. Việc Báo Đại đoàn kết đăng thông tin tại thời điểm này là chưa phản ánh đúng hiện tại. Đồng thời, thông tin chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đóng cửa rừng tự nhiên tại Tây Nguyên (tại Hội nghị “Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020”, tổ chức tại Đắk Lắk ngày 20/6) được đưa trước thông tin phản ánh về phá rừng tại tiểu khu 474 sẽ dễ dẫn đến bạn đọc hiểu sai về bản chất vụ việc. Ông A Ning, Chủ tịch UBND xã Măng Cành phản hồi: “Báo Đại Đoàn Kết mới đăng trong thời gian gần đây nhất, thì những hình ảnh có, tuy nhiên đây là hình ảnh cũ trước đây Báo VOV đã phản ánh. Báo chí phản ánh là một kênh thông tin để xã và các cơ quan chức năng có giải pháp quản lý và bảo vệ rừng trong thời gian tới tốt hơn. Tuy nhiên theo tôi cũng không nên sao chép từ bài báo này sang bài báo khác”.

Kiểm tra vụ phá rừng tại tiểu khu 474 xã Măng Cành
Kiểm tra vụ phá rừng tại tiểu khu 474 xã Măng Cành

“Về bài Báo Đại Đoàn Kết đã đăng ngày 5/7 về rừng Măng Cành, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng đã đi kiểm tra, thì thực ra những hình ảnh và vị trí đã đăng lên bài báo đó là những hình ảnh cũ trước đây được các bài báo khác đăng tải lên”. Ông Lê Đức Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông nói.

Cũng theo huyện Kon Plông phản ánh, những trích dẫn về ý kiến trả lời của UBND xã, Hạt Kiểm lâm huyện trong bài viết trên Báo Đại đoàn kết do phóng viên Nguyễn Tuấn Anh thực hiện không có cơ sở, vì phóng viên Nguyễn Tuấn Anh không làm việc với các cơ quan chức năng của huyện.Ông A Ning cho biết: “Riêng Báo Đại đoàn kết phản ánh, trong thời gian qua tôi không gặp và trả lời phỏng vấn Báo Đại Đoàn Kết”.

“Hạt Kiểm lâm chưa tiếp xúc, trả lời phỏng vấn Báo Đại Đoàn Kết như báo đăng tải ngày 5/7. Việc sao chép và lấy hình ảnh cũ của những báo trước thì việc đó do bên Báo Đại Đoàn Kết đăng tải, bên Hạt Kiểm lâm chúng tôi không cung cấp”. Ông Võ Minh Văn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Kon Plông nói.

Theo phản ánh của UBND huyện Kon Plông và ghi nhận của phóng viên Đài PT-TH Kon Tum tại cánh rừng tiểu khu 474, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, một số địa điểm có hiện trạng cây bị chặt hạ còn gốc, một số khúc gỗ có đường kính khoảng 20 đến 30 cm và miếng ván bìa còn sót lại tại hiện trường. Tuy nhiên, qua kiểm tra, những gốc cây, khúc gỗ và ván bìa đều đã bị khai thác từ trước, hiện đang phủ rêu, có gốc cây đang bị mục nát. Không phát hiện dấu tích mới để lại như hằn xe máy cày độ, dây cáp bị đứt vứt bên đường hay những gốc cây gỗ lớn đang chảy nhựa vì vừa bị khai thác, mùn cưa còn tươi; mật độ cây khá dày chứ không phải “bị rỗng ruột”… như Báo Đại Đoàn Kết phản ánh.

Huyện Kon Plông khẳng định, vụ việc được các báo điện tử của VOV và Pháp luật Plus phản ánh trong tháng 5/2016. Ngay sau khi có thông tin báo chí phản ánh, UBND huyện đã khẩn trương chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương xác minh, làm rõ ngay trong tháng 5: Số gỗ này là do dân khai thác để làm mới 10 nhà văn hóa thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới; các hộ gia đình mới tách hộ làm nhà nên có khai thác một số gỗ để xây dựng nhà ở, chủ yếu là gỗ tạp.  Huyện Kon Plông cũng đã vào cuộc cùng với ngành chức năng, xử lý dứt điểm vụ việc này.

Ngoài việc kiểm tra, xử lý, UBND huyện Kon Plông đã chỉ đạo cho các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng. UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và nhắc nhở các hộ nhận khoán quản lý bảo vệ rừng nêu cao cảnh giác, thường xuyên đi tuần tra để ngăn ngừa tình trạng phá rừng. Bên cạnh đó, huyện Kon Plông đã phối hợp với huyện Kon Rẫy và huyện KBang, tỉnh Gia Lai ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và đảm bảo an ninh trật tự vùng giáp ranh, nhằm kịp thời xử lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng.

Lãnh đạo UBND huyện Kon Plông khẳng định: Sau khi VOV phản ánh về tình trạng phá rừng tại tiểu khu 474, xã Măng Cành trong tháng 5/2016, huyện đã xử lý và đề ra những giải pháp cụ thể để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng trên toàn địa bàn, vì vậy việc Báo Đại Đoàn Kết đăng tải thông tin vào ngày 5/7/2016 là chưa phản ánh đúng thực tế hiện tại.

Ngọc Chí

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *