(kontumtv.vn) – Bệnh sốt xuất huyết không phải miễn dịch suốt đời nên vẫn có thể mắc trở lại và mức độ sẽ nặng hơn. Bởi khi mắc bệnh lần đầu, cơ thể chỉ tạo ra kháng thể bảo vệ đối với 1 týp virut vừa bị mắc, các týp còn lại thì không. Người mắc bệnh sốt xuất huyết lần 2 thường có diễn tiến bệnh nặng hơn, bởi khi mắc lần 2, thủ phạm gây bệnh thường là tuýp vi trùng khác. Khi đó, hai kháng thể của hai tuýp vi trùng khác nhau cùng tồn tại trong cơ thể người sẽ làm bệnh trầm trọng hơn.

Lần thứ 2, anh Nguyễn Đăng Thông, ở phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi mắc bệnh sốt xuất huyết. Lần này mức độ bệnh diễn tiến nặng hơn với các triệu chứng như giảm tiểu cầu trầm trọng, choáng và có tràn dịch bụng. Anh được chỉ định truyền khẩn tiểu cầu đến 2 lần lượng tiểu cầu mới trở lại mức ổn định. Anh Thông cho biết: “Đây là lần thứ 2 bị sốt xuất huyết, cách đây 8 ngày, lần này nặng hơn, giảm tiểu cầu sâu quá”.

Sốt xuất huyết lần 2 gia tăng ở Quảng Ngãi
Sốt xuất huyết lần 2 gia tăng ở Quảng Ngãi

Trong số gần 200 bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi thì số bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết lần 2 chiếm gần 30%. Khi mắc sốt xuất huyết lần hai, thủ phạm gây bệnh thường là tuýp vi trùng khác. Khi đó, hai kháng thể của hai tuýp vi trùng khác nhau cùng tồn tại trong cơ thể người sẽ làm bệnh trầm trọng hơn, gây phản ứng, làm tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, choáng, trụy mạch và nguy cơ tử vong rất cao. Bác sĩ Lương Văn Tuấn, Trưởng Khoa Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi nói: “Để chẩn đoán bệnh nhân bị sốt xuất huyết lần 2, 3 là thể hiện trên xét nghiệm. Nếu dương tính sẽ khẳng định đã bị 1 lần sốt xuất huyết trước đây. Nên khi xét nghiệm thì bệnh nhân sẽ theo dõi tình trạng sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, thông thường bệnh nhân cần được truyền tiểu cầu vì tiểu cầu giảm nhanh, kèm hiện tượng chảy máu”.

Virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó nhưng chưa có khả năng miễn dịch với những chủng virus còn lại. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong cả đời người. Nếu mới mắc sốt xuất huyết lần đầu, người đó có thể còn mắc bệnh thêm 3 lần nữa bởi các tuýp virus Dengue còn lại. Bác sĩ Lương Văn Tuấn cho biết: “Thông thường bệnh nhân nghĩ chỉ bị 1 lần miễn dịch giống như các bệnh khác như bạch hầu, bại liệt, quai bị, sởi … nhưng thật ra sốt xuất huyết có 4 tuýp nên nó chỉ tạo kháng thể tạm thời. Trong vòng 6-12 tháng, miễn dịch này mất đi, bênh nhân có thể bị lần thứ 2, thứ 3, thông thường lần sau nặng hơn vì đó là cơ chế miễn dịch”.

Bệnh sốt xuất huyết không phải miễn dịch suốt đời nên vẫn có thể mắc trở lại và mức độ sẽ nặng hơn. Bác sĩ khuyến cáo người bệnh không được chủ quan và phải đến cơ sở y tế điều trị ngay khi có các triệu chứng của bệnh như sốt cao, nhức mỏi tay chân, đau đầu, choáng. Không tự ý điều trị tại nhà sẽ dẫn đến biến chứng gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Thục Uyên – Văn Phong

Đài PT-TH Quảng Ngãi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *