(kontumtv.vn) – Thực hiện kế hoạch hành động Năm VSATTP 2016 trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, tạo chuyển biến đáng kể trong công tác đảm bảo VSATTP đối với hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.

Nhờ tăng cường các lớp tập huấn, chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, đến nay nhận thức cũng như ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo VSATTP trong sản xuất, chế biến và kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của các hộ gia đình, các tổ chức trong tỉnh đã nâng lên đáng kể so với trước. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã quan tâm xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, hay thành lập các tổ hợp tác sản xuất rau sạch, làm hạt nhân để phát triển ra diện rộng, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Nguyễn Duy Điệp, Tổ Sản xuất rau VietGap phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum nói: “Sản xuất rau theo tiêu chuẩn Viet Gap có nhiều ưu thế, tạo ra sản phẩm nông sản sạch. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hay nguồn nước  đảm bảo an toàn và chất lượng, sản xuất cây rau hạn chế được rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật”.

Trong chăn nuôi, nhiều hộ gia đình đã biết tận dụng nguồn thực phẩm dồi dào của địa phương, tự chế biến thức ăn, hay áp dụng các phương pháp phòng trị bệnh theo kinh nghiệm dân gian, bằng lá cây, hạn chế thức ăn công nghiệp và thuốc kháng sinh, vừa giảm chi phí, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm.Ông Nguyễn Đình Toan, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà cho biết: “Gia đình nuôi cá hoàn toàn không có cái gì là chất cấm hết. Thực phẩm thì ngô, mì, với cám gạo thôi, hoàn toàn không có gì độc hại hết”.

San xuất rau an toàn
San xuất rau an toàn

Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chính sách pháp luật về VSATTP, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm đã được các ngành chức năng đặc biệt quan tâm và tăng cường. Riêng trong 9 tháng năm 2016, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Kon Tum đã tiến hành 2 cuộc thanh tra, kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản đối với 65 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Kết quả có 27 cơ sở xếp loại A, 26 cơ sở xếp loại B, 12 cơ sở xếp loại C. Ngoài việc kịp thời phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm, qua kiểm tra, kết quả xếp loại và những tồn tại đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, làm chuyển biến đáng kể nhận thức cũng như ý thức khắc phục của các cơ sở. Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Kon Tum cho biết: “Đối với những cơ sở chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, thì việc chấp hành khắc phục những lỗi trong quá trình kiểm tra đã được các cơ sở thực hiện một cách nghiêm túc, sau đợt tái kiểm tra đã khắc phục được. Đồng thời về mặt nhận thức cũng như việc ý thức trách nhiệm của các cơ sở đã có nâng lên một bước, hạn chế những vi phạm trong sử dụng chất phụ gia, chất cấm và hóa chất phụ gia ngoài doanh mục”.

Tuy nhiên, trước tình hình thực phẩm không đảm bảo chất lượng, VSATTP vẫn còn trôi nổi trên thị trường, trong khi đó bộ máy quản lý chất lượng nông lâm thủy sản chưa hoàn thiện từ cấp tỉnh đến cấp xã, trang thiết bị kiểm nghiệm phục vụ quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm chưa được đầu tư, nên hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP còn có những mặt hạn chế; chưa triển khai thực hiện việc xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn theo quy định, nên tình trạng thật, giả còn lẫn lộn, ảnh hướng đến sản xuất cũng như tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Lương nói: “Trong những tháng cuối năm và năm 2017, chúng tôi sẽ tiếp tục trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án tăng cường năng lực về ATTP năm 2016 – 2020 và tầm nhìn năm 2030, tham mưu cho Sở trình UBND tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ đối với việc phát triển xây dựng mô hình chuỗi theo Quy định 3015 của Bộ NN&PTNT. Sẽ tăng cường công tác kiểm tra, nhất là trong những tháng cuối năm. Tiếp tục triển khai mô hình rau VietGap, rau an toàn tại Kon Plông nhằm quảng bá và mở rộng mô hình tại huyện Kon Plông đối với sản xuất rau an toàn và thực hiện việc chứng nhận thí điểm đối với một số chuỗi, sản phẩm an toàn”.

Xây dựng chuỗi cung ứng nông sản an toàn, tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chất lượng nông sản từ gốc là một trong những giải pháp quan trọng để đưa nông sản sạch, an toàn đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên để thực hiện được điều này, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng, các nhà quản lý, cần phải có sự tự giác tuân thủ luật pháp, tuân thủ quy định về ATTP của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và đặc biệt là ý thức của người tiêu dùng. Người tiêu dùng phải có ý thức sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thay đổi thói quen ăn uống, không sử dụng  thực phẩm không bảo đảm ATTP và kiên quyết tẩy chay các sản phẩm nông, lâm, thủy sản không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ủng hộ tiêu dùng các sản phẩm nông sản an toàn đã được các cơ quan chứng nhận.

Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *