(kontumtv.vn) – Nửa cuối tháng 3 đến nay, tại một số địa phương tỉnh Kon Tum đã xảy ra các vụ cháy rừng. Tần suất và mức độ thiệt hại của các vụ cháy từ 05 – 90%. Trước tình hình này, UBND tỉnh đã có công điện hỏa tốc yêu cầu các huyện, thành phố, đơn vị chủ rừng nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong phòng, chống cháy rừng mùa khô. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

PV: Thưa ông, thời gian qua, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy rừng. Ông có thể cho biết nguyên nhân cụ thể vì sao?

Ông Nguyễn Văn Nam: Năm 2018 – 2019, mùa khô được xác định là cao điểm trên cơ sở cảnh báo của Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng như cảnh báo nhanh của Cục Kiểm lâm thì chúng tôi xác định năm nay nắng nóng kéo dài, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng Elnino. Cho nên đối với Kon Tum, diện tích rừng có nguy cơ cháy thì rất cao, ở các dạng diện tích rừng trồng của các tổ chức cũng như của hộ gia đình, rồi các diện tích rừng đan xen tre nứa thì với khí hậu nắng nóng kéo dài như vậy, thực bì khô là một nguy cơ rất lớn. Chính vì vậy thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ cháy, trong đó có 03 vụ cháy gây thiệt hại đến tài nguyên rừng, tuy rằng ở các mức độ khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Nam trả lời phỏng vấn của PV
Ông Nguyễn Văn Nam trả lời phỏng vấn của PV

PV: Như ông vừa chia sẻ, từ đầu năm đến nay, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra các vụ cháy rừng, cụ thể như ở Sa Thầy, Đăk Tô, Kon Rẫy. Ông đánh giá như thế nào về quy mô và mức độ thiệt hại của các vụ cháy rừng?

Ông Nguyễn Văn Nam: Riêng vụ cháy ở Sa Thầy thiệt hại diện tích là 18 ha, trong đó có khoảng 8 ha bạch đàn thiệt hại 90%, có nghĩa mức thiệt hại gần 100%, còn lại là mức độ thiệt hại ở mức có khả năng phục hồi. Trong tổng số 21 ha thiệt hại thì địa bàn Sa Thầy là gần 19 ha. Còn lại có vụ cháy ở đèo Măng Đen. Vụ cháy ở đèo Măng Đen là cháy dưới tán rừng phòng hộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Kon Rẫy. Diện tích thiệt hại 5.200 m2, nhưng mức độ thiệt hại lực lượng chức năng tính toán thì khoảng 5 – 6%. Còn lại vụ cháy ở Đăk Tô cháy rừng thông thì thiệt hại ở mức độ có thể phục hồi.

PV: Thưa ông, có phải việc xử lý thực bì là một trong những nguyên nhân gây ra các vụ cháy không ạ?

Ông Nguyễn Văn Nam: Nếu nói về quy trình xử lý thực bì của các chủ rừng thì thực hiện đảm bảo nghiêm ngặt. Tuy nhiên ở đây có một số diện tích rừng chu kỳ chăm sóc không còn, chỉ có nhiệm vụ bảo vệ nên việc đầu tư vào xử lý thực bì trong toàn bộ diện tích rừng không đảm bảo, có nghĩa là không đáp ứng yêu cầu về kinh phí cho nên người ta chỉ thực hiện là xây dựng các biện pháp phòng, đường ranh. Còn nguyên nhân ở đây khách quan xác định là do thời tiết nắng nóng.

PV: Gần đây nhất, ngày 21/3, UBND tỉnh cũng có Công điện hỏa tốc số 02 gửi đến các địa phương trong tỉnh cũng như các đơn vị chủ rừng nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với phòng chống cháy rừng. Đối với Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đã có những triển khai cụ thể ra sao?

Ông Nguyễn Văn Nam: Trước đó đã có Chỉ thị 09 chỉ đạo chuyên ngành về lĩnh vực phòng cháy. Nhưng qua cái này thể hiện tính cấp thiết hơn, đòi hỏi trách nhiệm của các chủ rừng, trách nhiệm của ban chỉ đạo cấp huyện, tổ công tác cấp huyện, các lực lượng chức năng trong đó có kiểm lâm cần phải vận hành mang tính chất quyết liệt hơn nữa, sâu sát hơn nữa và đảm bảo các yếu tố đồng bộ hơn. Sau khi có Công điện, chúng tôi với vai trò là cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo có đi kiểm tra thực hiện công điện, kiểm tra thực hiện Chỉ thị 09 thì thấy rằng vai trò, trách nhiệm của các chủ rừng cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương đến cấp xã phải nói có chuyển biến tích cực.

PV: Một lần nữa xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *