(kontumtv.vn) – Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn chuyển mùa, ngành Y tế tỉnh đã tập trung đề ra nhiều giải pháp thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh xảy ra.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 825 ca mắc bệnh thủy đậu, tăng hơn 200 ca so cùng kỳ năm trước hơn. Ngoài ra có 262 ca mắc bệnh tay chân miệng, 04 ca bệnh viêm não Nhật Bản, 04 ca bệnh viêm gan vi rút A. Trong các dịch bệnh xảy ra từ đầu năm đến nay, đáng lo ngại nhất vẫn là bệnh sốt xuất huyết. Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Kon Tum nói: “Từ đầu năm đến nay nổi cộm nhất là bệnh xuất huyết, số mắc đầu năm đến nay có 353 ca, cao nhất là thành phố Kon Tum, xảy ra ở 8/10 huyện, thành phố. Huyện Kon Plông và Tu Mơ Rông hiện nay chưa ghi nhận trường hợp nào và không có trường hợp nào tử vong”.

Kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh tại cơ sở
Kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh tại cơ sở

Thành phố Kon Tum là địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất trong toàn tỉnh với 110 ca bệnh. Trước tình hình đó, Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum đã tăng cường công tác giám sát tại 21 xã, phường, đặc biệt đối với các xã, phường có bệnh nhân sốt xuất huyết; tổ chức hơn 100 lần phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết ở 39 thôn, tổ dân phố; vận động hơn 24.000 hộ gia đình tham gia ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Bác sỹ CKI Bùi Trọng Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum cho biết: “Trung tâm Y tế đã chủ động tăng cường công tác giám sát dịch bệnh, phát hiện ca bệnh để tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Thứ hai là tham mưu cho các UBND xã, phường, các đội xung kích tuyên truyền vận động người dân tham gia vệ sinh môi trường để diệt lăng quăng và phòng chống dịch bệnh; tổ chức tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các trường học”.

Trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người bùng phát, đặc biệt là bệnh cúm và sốt xuất huyết. Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành Y tế tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và kiện toàn các đội chống dịch cơ động các cấp; đẩy mạnh các hoạt động giám sát dịch bệnh, phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời, xử lý triệt để các ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng; 100% các ca bệnh đều được giám sát, đặc biệt ca bệnh đầu tiên được lấy mẫu xét nghiệm để định loại tác nhân gây bệnh. Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Vân nói: “Chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trên địa bàn để người dân hiểu biết sớm, phát hiện sớm các dấu hiệu về bệnh để kịp thời đến cơ sở y tế để các bác sỹ tư vấn, khám chẩn đoán điều trị kịp thời. Đồng thời, từ nay đến cuối năm, ngành Y tế sẽ tổ chức thường xuyên hằng tuần về chiến dịch vệ sinh môi trường và diệt lăng quăng để tập trung vào công tác vào phòng chống sốt xuất huyết, cũng như tổ chức những chiến dịch rửa tay bằng xà phòng”.

Ngành y tế còn chủ động tổ chức truyền thông trực tiếp cho các hộ có người mắc bệnh và các hộ xung quanh để người dân nâng cao nhận thức chủ động phòng, chống dịch bệnh và nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh. Để phòng các bệnh truyền nhiễm hiệu quả, mỗi người dân, gia đình phải nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc phòng bệnh; cần thực hiện tốt công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, phát hiện sớm bệnh và đến các cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *