(kontumtv.vn) – Muốn được dân tin yêu, đồng thuận thì cán bộ phải tin dân, nghe dân, sát cánh đồng cam cộng khổ cùng dân.

Ở bất cứ đâu, bất cứ lĩnh vực nào, chỉ cần có từ hai người trở lên, đã cần đến sự đồng thuận. Ngay một gia đình, là tế bào nhỏ nhất của xã hội cũng không thể thiếu sự đồng thuận này.

Các cụ bảo: “Thuận vợ thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn”. Ghê chưa? Đến cả Biển Đông mênh mông vĩ đại như thế, nếu vợ chồng có được sự đồng tâm nhất trí thì nó cũng chỉ bé tẻo teo như một vũng trâu đầm. Đối với xã hội, một cộng đồng rộng lớn, mỗi người một ý, sự đồng thuận lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.

Vì thế, khi sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến khối đoàn kết toàn dân. Người thường bắt nhịp bài hát “Kết đoàn”. Trước khi từ giã chúng ta, Người cũng lại dặn chúng ta phải giữ gìn sự đoàn kết “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Người còn nói: “Đoàn kết, Đoàn kết, Đại đoàn kết – Thành công, Thành công, Đại thành công”. Đây là câu nói rất hay, rất nổi tiếng của Người. Thoạt đầu, ta tưởng Người nhấn mạnh yếu tố “đoàn kết”, như một phép tu từ. Nhưng không. Người dặn chúng ta rất cụ thể. Ba lần Người nhắc đến Đoàn kết, là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế. Thiếu một trong ba yếu tố này, đất nước đều rất khó có được sự bình yên.

Sức mạnh của sự đồng thuận (Ảnh minh họa: Internet)
Nhìn lại lịch sử dân tộc, chúng ta thấy cha ông chúng ta rất tài trong nghệ thuật ứng xử với dân để có được sự đồng thuận của toàn xã hội. Trong cuộc kháng chiến vĩ đại chống Nguyên Mông, lúc ấy thế giặc lại rất mạnh. Chúng đã đã làm chủ được hầu hết các nước mà chúng xâm chiếm. Giờ chúng lại muốn nuốt nốt dải đất này. Vua Trần mở hội nghị Diên Hồng để nghe ý dân. Câu hỏi Vua đưa ra là “Hàng” hay “Đánh”. Các bô lão, những trí tuệ đại diện cho dân đều ủng hộ Vua đánh. Một vị tướng tài còn nói: “Nếu bệ hạ muốn hàng, xin hãy chặt đầu tôi đi đã!”.

Và thế là dưới ngọn cờ nghĩa của Vua, toàn dân đã đứng dậy đánh bại quân Nguyên Mông. Không phải thắng một lần mà những ba lần. Lúc ấy, nước ta còn nghèo nàn, lạc hậu, vũ khí lại rất thô sơ. Không có Liên Xô, Trung Quốc và cả hệ thống Xã hội chủ nghĩa, cũng không có sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế như chúng ta sau này, lúc ấy hoàn toàn đơn thương độc mã, vua chỉ có dựa vào dân thôi mà đã ba lần chiến thắng kẻ thù hùng mạnh nhất, tàn bạo nhất của cả loài người.

Một điều kỳ diệu nữa trong phép ứng xử của Vua Trần, là sau khi chiến thắng Nguyên Mông, quan quân có đệ trình lên Vua một hòm tài liệu của một số viên chức chính quyền đã liên lạc với giặc. Nhưng Vua Trần Thánh Tông đã đem hòm tài liệu đó đốt trước mặt bá quan để yên tâm trăm họ, bởi chúng ta đã giành được độc lập, đẩy lui được quân thù thì việc cần nhất bây giờ là đoàn kết quốc gia để xây dựng lại đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các học trò xuất sắc của Người sau này cũng tiếp nhận được bài học của ông cha để dựng nước, giữ nước và đưa đất nước đi từ hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Muốn được dân tin yêu, đồng thuận thì cán bộ phải tin dân, nghe dân, sát cánh đồng cam cộng khổ cùng dân, và đặc biệt, cần đàng hoàng minh bạch trước dân. Phải để dân biết thì dân mới đồng thuận và ủng hộ được. Khi dân đã lên tiếng góp ý hoặc phản đối thì cần phải xem lại chính mình, chứ đừng vội quy chụp cho dân là phản động hay bị địch kích động.

Dân mình rất tốt. Họ từng lấy tính mạng mình bảo vệ cán bộ, bảo vệ chính quyền trong những năm gian nan nhất, tăm tối nhất của lịch sử đất nước. Hàng vạn con em họ còn nằm ở dưới đất kia mà đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Không ai quay lưng lại, phản bội lại những giọt máu thiêng của cha ông mình, con em mình. Nghe dân, tin dân, hết lòng vì dân thì sẽ có được sự đồng thuận của toàn xã hội.

Ta hãy vào mạng nghe cuộc nói chuyện của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trong suốt bốn tiếng đồng hồ với cán bộ, nhân dân Đà Nẵng, lại truyền hình trực tiếp cho toàn dân biết. Nguyễn Bá Thanh là một cán bộ sâu sát. Ông quán xuyến rất cụ thể, từ việc đặt các thùng rác thế nào cho đến các Sở, ban, ngành đã làm được cái gì, cái gì phải chấn chỉnh ngay.

Ông Nguyễn Bá Thanh chúc Tết người nghèo Đà Nẵng (Ảnh: Thanh Hà)

Ông công khai cho người dân số điện thoại di động của mình để nếu thấy có gì không ổn, bức xúc thì thông báo cho ông biết để xử lý ngay. Nhờ thế, ông xây dựng được Đà Nẵng thành một thành phố nề nếp và quy củ nhất nước. Đà Nẵng cũng là một thành phố đáng sống nhất trong khu vực. Đó là đánh giá của bạn bè Quốc tế. Ở đây còn có một bệnh viện ung thư điều trị miễn phí cho người nghèo. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà không ít người dân đã gọi Đà Nẵng là thành phố Nguyễn Bá Thanh.

Gần đây, bà Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã lập facebook để nghe tiếng nói của dân về ngành mình phụ trách. Bà còn trực tiếp xin việc cho con một liệt sĩ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma vào làm việc trong ngành của mình ở một bệnh viên ngay trên chính quê hương của cô. Nhiều người dân đã ứa nước mắt trước nghĩa cử cao đẹp của bà.

Các chiến sĩ giữa chốn tiền tiêu hay nơi đầu sóng ngọn gió cũng rất yên lòng. Họ lại sẵn sàng hy sinh, vì biết vợ con mình sẽ được hậu phương thương yêu đùm bọc mà không bị đói rét bần hàn. Với lối ứng xử như thế, làm sao không tạo được sự đồng thuận của xã hội.

Tất nhiên, không phải ai cũng làm được như Nguyễn Bá Thanh hay Nguyễn Thị Kim Tiến. Bởi Bộ Y tế chỉ là một ngành và Đà Nẵng cũng là một địa bàn nhỏ gọn, dễ bao quát. Nhiều địa phương khác cũng thế. Nhưng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thì phức tạp hơn nhiều. Với địa bàn có dân số trên dưới mười triệu, nếu công khai số điện thoại, thì điện thoại sẽ bị tắc nghẽn ngay và cán bộ cũng sẽ chẳng làm được việc gì, ngoài việc ngồi…nghe điện thoại. Tuy nhiên, cũng không phải vì thế mà không thể thiết lập được truyền thông với dân.

Tôi nghĩ, chúng ta nên tạo một đường dây nóng, để nếu có chuyện oan khuất, những nỗi bức xúc, hay những việc khuất tất của cán bộ cơ sở, người dân đều có thể báo ngay với cán bộ trực tiếp hoặc những người có trách nhiệm cao nhất chỉ bằng một cú “nhấp chuột”, mà không cần phải cơm nắm, khăn đùm, ăn bờ ngủ bụi, lôi thôi, lếch thếch kéo nhau đến “Phòng Tiếp dân”, ngồi chầu chực trước nhà Lãnh đạo, hoặc cờ quạt, biểu ngữ đi biểu tình, trông rất nhếch nhác. Vừa khổ cho bà con, vừa khổ cho anh em công an phải giải thích, thuyết phục, hay có khi phải trấn áp những kẻ gây gổ. Rồi việc nọ nọ việc kia. Thật chẳng ra làm sao cả!

Trong khi đó, chúng ta chỉ cần một tổ giúp việc lãnh đạo, tiếp nhận tất cả mọi thông tin từ dân rồi xử lý ngay, không để tồn đọng thành nỗi bức xúc trong dân. Những việc của cơ sở thì giao cơ sở phải giải quyết nghiêm túc, dứt điểm với sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng cấp trên.

Nếu cán bộ cơ sở mà không giải quyết được dứt điểm những vụ việc của địa bàn mình, để người dân phải khiếu kiện vượt cấp, thì cán bộ đó có nên tồn tại nữa hay không? Nếu có đường dây nóng như thế, lại được xử lý nghiêm túc như thế, tôi tin mọi nỗi bức xúc của dân sẽ được giải tỏa, mà cán bộ cũng sẽ không dám nhũng nhiễu dân, không dám làm những việc khuất tất.

Đời sống xã hội sẽ trở nên trong lành. Chúng ta đã từng có một thời như thế. Thời ấy còn mù mịt bom đạn, đất nước với muôn vàn khó khăn mà chúng ta còn làm được. Bây giờ, đất nước đã yên hàn rồi, đời sống nhân dân cũng đã được cải thiện rất nhiều. Chả lẽ chúng ta lại không làm được hay sao?./.

Trần Đăng Khoa/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *