(kontumtv.vn) – Mặc dù pháp luật nghiêm cấm và có chế tài xử lý nghiêm túc, thế nhưng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiện vẫn còn ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Vấn nạn này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế và tâm lý của những gia đình có tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là mục tiêu đặt ra của tỉnh Kon Tum trong thời gian đến.

Hơn ai hết, ông A Reng, một thầy cúng của làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) thấu hiểu nỗi khổ của dân làng trong những năm trước đây. Cứ 2-3 năm lại dời làng, phát rẫy mới, dựng nhà mới. Hàng trăm cây to, cây nhỏ đã bị ông chặt, đốt để làm rẫy. Bàn tay ông đầy chai sạn nhưng lúa rẫy làm ra vẫn không đủ ăn, nhà cửa vẫn tạm bợ, cái đói, cái nghèo cứ quấn lấy dân làng. Điều ông sợ nhất là nhiều đứa trẻ sinh ra chết non, đứa nào sống thì sức khỏe ốm yếu. Đã nhiều lần ông cùng dân làng làm lễ cúng Giàng nhưng dân làng vẫn đói nghèo, con cháu vẫn bệnh tật. Hai vợ chồng A Reng sinh được 3 người con, một đứa chết khi mới sinh, một đứa ốm đau mãi rồi chết, giờ chỉ còn một đứa. Ông rất buồn và rất lo. Ông A Reng nói: “Hồi đó dân làng Le sống trong rừng sâu, lấy vợ, lấy chồng không lấy người ngoài, chỉ bà con họ hàng lấy nhau. Kiêng cử nhiều, cúng bái nhiều nhưng lúa gạo làm ra không đủ ăn. Nhà A Reng cùng nhiều nhà khác sinh con ra chết non, con cái đau ốm mãi. Cứ tưởng Giàng phạt. Giờ A Reng biết rồi, do A Reng với vợ mình là bà con họ hàng gần nhau”.

Gia đình ông A Reng
Gia đình ông A Reng

Những câu chuyện buồn về hôn nhân cận huyết thống trước đây xuất hiện khá nhiều trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Bên cạnh đó, tình trạng tảo hôn, kết hôn chưa đủ tuổi cũng diễn ra khá phổ biến. Hệ lụy là tình trạng suy thoái giống nòi; sức khỏe, tâm lý bà mẹ và trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng tại các cộng đồng, các gia đình có tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các cấp trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc quyết liệt nhằm ngăn chặn hủ tục lạc hậu này. Nhờ vậy, tình trạng hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn giảm nhiều so với trước đây. Bà Y Dít, Phó Chủ tịch UBND xã Mô Rai cho biết: “Đến nay tảo hôn trên địa bàn xã Mô rai có xu hướng giảm rất nhiều so với 5 năm trước. Về cận huyết thống trước đây rất nhiều cặp, nhất là làng Le. Đến thời điểm này không còn hôn nhân cận huyết thống”.

Mặc dù công tác phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đạt kết quả đáng khích lệ, nhưng số vụ tảo hôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn cao. Năm 2018, toàn tỉnh có 172 trường hợp tảo hôn, trong đó có 170 trường hợp tảo hôn là đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt vẫn còn 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Đây là vấn đề đáng lưu tâm cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương trong lộ trình hoàn thành mục tiêu chấm dứt hôn nhân cận huyết thống và giảm thiểu tảo hôn trong  thời gian đến.

Văn Hiển- Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *