(kontumtv.vn) – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar.

Từ ngày 22-26/8, nhận lời mời của Tổng thống Indonesia Joko Widodo và Tổng thống Myanmar Htin Kyaw, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia và thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar.

Các chuyến thăm đã thành công tốt đẹp, đạt được các mục tiêu, yêu cầu đề ra ở mức độ cao, tạo ra các cơ hội mới, xung lực mới, góp phần củng cố nền tảng chính trị quan trọng và tăng cường chiều sâu hợp tác trên tất cả các lĩnh vực trong quan hệ Việt Nam-Indonesia và Việt Nam-Myanmar.

Chuyến thăm Indonesia lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đánh giá có ý nghĩa  lịch sử bởi đây là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Đảng ta tới Indonesia.

tao xung luc moi cho quan he viet nam voi indonesia va myanmar hinh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joko Widodo chủ trì cuộc họp báo thông báo kết quả cuộc hội đàm giữa hai đoàn tới báo chí.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Tổng Bí thư Đảng ta với các nhà lãnh đạo cao nhất của Indonesia, hai bên đều đã nhấn mạnh những điểm tương đồng giữa hai nước về lịch sử, văn hoá, truyền thống, nhất trí cho rằng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp, đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trở thành mối quan hệ Đối tác chiến lược; khẳng định Việt Nam và Indonesia sẽ tiếp tục là những người bạn tin cậy, gắn bó bởi tình cảm hữu nghị, chia sẻ các giá trị và lợi ích tương đồng.

Đánh giá kết quả chuyến thăm Indonesia của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Đối Ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân cho biết: “Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp. Bạn đã dành cho Tổng Bí thư và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp hết sức trọng thị, chu đáo. Điều đó thể hiện bạn rất coi trọng vai trò, vị trí của Đảng ta. Bạn dành cho đoàn sự đón tiếp trong thị với nhiều nghi thức lễ tân đặc biệt ví dụ như bắn đại bác chào mừng. Hay một hình ảnh rất sinh động là đích thân Tổng thống Joko Widodo đã lái xe mời Tổng Bí thư của ta thăm phủ Tổng thống. Các cuộc hội đàm, hội kiến diễn ra trong bầu không khí chân thành cởi mở, hai bên đi sâu trao đổi và đạt được nhất trí về quan hệ song phương và các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm”.

Bên cạnh các vấn đề song phương, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các nhà lãnh đạo Indonesia đã đi sâu trao đổi và đạt được nhiều nhất trí về các vấn đề đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó thống nhất khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); nhất trí phối hợp và hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên khác của ASEAN trong việc duy trì đoàn kết, thống nhất nội khối, phát huy vai trò trung tâm và dẫn dắt của ASEAN trong cấu trúc khu vực, hiện thực hóa các mục tiêu của Cộng đồng và góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.

Trong thời gian ở thăm ở Indonesia, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội kiến thân mật với Chủ tịch Đảng Dân chủ đấu tranh cầm quyền – bà Megawati Sikarnoputri.

Hai bên đã trao đổi và nhất trí nhiều biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Đảng Cộng sản vn và Đảng Dân chủ đấu tranh Indonesia trong thời gian tới. Chủ tịch Megawati cũng chính là con gái của cố Tổng thống Sukarno, người đã cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng cho quan hệ hai nước. Trong không khí thân tình, chủ tịch Megawati đã chia sẻ nhiều kỷ niệm sâu sắc và bày tỏ luôn dành tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

tao xung luc moi cho quan he viet nam voi indonesia va myanmar hinh 2
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cuộc hội kiến thân mật với Chủ tịch Đảng Dân chủ đấu tranh cầm quyền – bà Megawati Sikarnoputri.

Trưởng Ban Đối Ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân chia sẻ: “Khi tiếp thân mật Tổng Bí thư ở nhà riêng, bà Megawati có kể lại câu chuyện, khi bà còn bé được tháp tùng bố là Tổng thống Sukarno tiếp Bác Hồ. Khi nhìn thấy Bác Hồ đi dép cao su, bà có thắc mắc với bố tại sao Bác Hồ không đi giày mà đi dép cao su. Tổng thống Sukarno nói lại với Bác Hồ và Bác trả lời rằng, khi nào đất nước tôi thống nhất thì tôi sẽ đi giày. Câu chuyện đó thể hiện tình cảm thân thiết giữa các nhà lãnh đạo, và nói rộng ra là giữa nhân dân với Indonesia với Việt Nam, và đây là nền tảng vững chắc để hai nước có quan hệ như ngày hôm nay và những năm tiếp theo”.

Một trong những điểm nhấn trong chuyến thăm Indonesia lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư đã đến nói chuyện tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Indonesia. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa, khi năm nay kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và Indonesia là nước thành viên sáng lập, có vai trò, vị thế quan trọng tại ASEAN.

Tại buổi nói chuyện, Tổng Bí thư đã nêu bật ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hình thành ASEAN cách đây 50 năm,  trong đó có việc biến khu vực vốn nghèo nàn, lạc hậu, đầy bất đồng chia rẽ, thành khu vực thống nhất trong đa dạng, ngày càng phát triển phồn vinh thịnh vượng. Tổng Bí thư cũng đã chỉ ra những tồn tại của ASEAN hiện nay và những bài học được rút ra từ thực tiễn 50 năm qua.

Theo Tổng Bí thư, bài học lớn nhất để ASEAN giữ được vai trò quan trọng là giữ vững “độc lập, tự cường” và “đoàn kết, thống nhất”. 50 năm qua, từng nước ASEAN đã không ngừng củng cố độc lập và gia tăng mức độ tự cường thông qua các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược đối ngoại của mình và thông qua các hoạt động hợp tác trong ASEAN. Tôn trọng độc lập, chủ quyền là giá trị cốt lõi, đã định hình trong lịch sử và là tương lai của ASEAN.

Bài học sâu sắc là đoàn kết và thống nhất. Lịch sử hình thành và phát triển của ASEAN đã chứng tỏ, khi nào đoàn kết trên cơ sở tổng hòa các lợi ích chung được củng cố thì vai trò và tiếng nói của Hiệp hội được tôn trọng, phát huy. Ngược lại, khi nào đoàn kết ASEAN khó khăn thì uy tín của Hiệp hội, vị thế của từng nước thành viên trong quan hệ với các nước khác cũng bị thách thức. Do vậy, giữ được đoàn kết trong ASEAN là một vấn đề rất quan trọng, đồng thời cũng là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

“Một bài học quan trọng nữa giúp làm nên sự thành công của ASEAN và của mỗi nước thành viên là do ASEAN giữ được “vai trò trung tâm” trong các cơ chế hợp tác khu vực. Tôi chia sẻ với nhận xét của Tổng thống Joko Widodo trong phát biểu kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN nhấn mạnh, ASEAN cần giữ vững đoàn kết và vai trò trung tâm, từ đó tự quyết định tương lai của mình. Chính nhờ đoàn kết và vai trò trung tâm mà ASEAN đã tạo dựng được môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng và sự tôn trọng của các nước ngoài khu vực” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế Indonesia – Cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Indonesia và khu vực, trong dịp kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN vừa có ý nghĩa biểu tượng quan trọng vừa có giá trị thiết thực để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với các nhà nghiên cứu và công chúng.

Tại đây, Tổng Bí thư cũng đã nêu ra một số mong muốn đối với ASEAN trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải có thái độ “hướng tâm” và trách nhiệm đóng góp của tất cả thành viên trong việc tăng cường đoàn kết, thống nhất và liên kết nội khối, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích chung của khu vực và lợi ích riêng của các nước thành viên.

Tổng Bí thư cũng khẳng định chính sách nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là đặc biệt coi trọng và dành ưu tiên cao cho ASEAN; nỗ lực hết mình tham gia với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm; luôn coi ASEAN là ngôi nhà chung, đặt ưu tiên cao quan hệ với các nước thành viên, gắn bó hài hòa lợi ích quốc gia của Việt Nam với lợi ích của cả khu vực.

Xác lập Đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam -Myanmar

Chuyến thăm Myanmar lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa hết sức quan trọng, khi đây là chuyến thăm của Tổng Bí thư Đảng ta đến Myanamar sau 20 năm kể từ sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười.

tao xung luc moi cho quan he viet nam voi indonesia va myanmar hinh 3
Tổng thống Myanmar Htin Kyaw và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng duyệt đội danh dự

Trong các cuộc hội đàm, hội kiến giữa Tổng Bí thư Đảng ta với các nhà lãnh đạo Myanmar, hai bên nhất trí cho rằng Việt Nam và Myanmar có mối quan hệ láng giềng gần gũi, hữu nghị truyền thống rất đáng trân trọng, gìn giữ và phát huy.

Vượt qua không gian, thời gian, mối dây liên kết tinh thần và tình cảm giữa Tướng Oong San và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho mối quan hệ giữa hai nước; khẳng định, trải qua những năm tháng đầy biến động của lịch sử, đến nay hai nước rất tin tưởng vào triển vọng tốt đẹp của mối quan hệ hai nước trên cơ sở những thành tựu hợp tác đạt được những năm qua.

Đặc biệt, nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư, hai nước đã chính thức xác lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện. Phát biểu với báo chí sau cuộc hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Myanmar nhấn mạnh: “Chúng tôi hài lòng về quan hệ hai nước trong thời gian qua. Để tiếp tục tăng cường quan hệ hai bên, chúng tôi thống nhất nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác hợp tác toàn diện. Với sự nâng cấp quan hệ này, chúng tôi kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai”.

Theo Trưởng Ban Đối ngoại Hoàng Bình Quân, việc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện với Myanmar trước hết được dựa trên cơ sở quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa hai nước đã đạt được các bước phát triển về chất trong thời gian qua. Ngoài ra, một yếu tố khác cũng rất quan trọng, đó là Myanmar đang đạt nhiều tiến bộ trong tiến trình hòa bình, phát triển đất nước, điều này tạo điệu kiện để Myanmar tăng cường quan hệ với các nước, trong đó có đối tác truyền thống như Việt Nam.

Việc thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện với Myanamar có ý nghĩa quan trọng, là một “dấu mốc mới, tầm cao mới, động lực mới” cho quan hệ hai nước

Trong vấn đề quốc tế và khu vực, lãnh đạo hai bên khẳng định trong nhiều năm qua Việt Nam và Myanmar chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích tương đồng, luôn tích cực phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế; nhất trí cần tiếp tục phối hợp trao đổi thông tin, quan điểm trong các tổ chức như: Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) và Tổ chức hợp tác kinh tế 3 dòng sông Ayeyarwady-Chao Phraya-Mê Công (ACMECS) nhằm hợp tác sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn nước sông Mê Công.

Về vấn đề Biển Đông, Tổng Bí thư và các nhà lãnh đạo Myanmar cho rằng các tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để gìn giữ hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực.

Trong thời gian ở thăm Myanmar, Tổng Bí thư đã dành thời gian tiếp các đại diện doanh nghiệp hàng đầu của Myanmar và Việt Nam. Quan hệ hợp tác, kinh tế thương mại được cho là điểm sáng trong quan hệ hai nước, khi chỉ trong thời gian gắn Việt Nam đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar. Tiềm năng hợp tác giữa  hai bên còn rất lớn, nhất là các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh, có thể bổ sung cho nhau.

Với khuôn khổ quan hệ mới vừa được thiết lập – Quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện, chắc chắn sẽ tạo ra các cơ chế hợp tác hiệu quả, điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp của hai nước đẩy mạnh đầu tư vào thị trường của nhau.

Nhân dịp Tổng Bí thư thăm Myanmar, nhiều dự án quan trọng của doanh nghiệp hai nước được khởi động như hãng hàng không Vietjet khai trương đường bay Hanoi-Yangon, Công ty Mytel-công ty liên doanh giữa Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel với các đối tác Myanmar khánh thành, đưa vào hoạt động..

Tiếp nối thành công chuyến thăm tới Campuchia, chuyến thăm Indonesia và Myanmar lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng các nước láng giềng khu vực, coi trọng ASEAN. Chuyến thăm đã tạo dấu mốc mới, xung lực mới, góp phần củng cố nền tảng chính trị quan trọng và tăng cường chiều sâu hợp tác trên tất cả các lĩnh vực trong  quan hệ Việt Nam-Indonesia và Việt Nam-Myanmar./.

 

Xuân Dần/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *