(kontumtv.vn) – Chiều 26/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp (DN) đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về tình hình sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn trong giai đoạn 2017-2020.

C12A1987
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung

Cùng tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN, lãnh đạo Tập đoàn EVN, các tổng công ty, ban quản lý thuộc EVN.

Chuẩn bị nội dung tái cơ cấu DNNN phục vụ Hội nghị Trung ương 5 khóa XII

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ, Hội nghị Trung ương 5 sắp diễn ra sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. “Trong giai đoạn hiện nay, đây là một trong 5 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế cần được các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn như EVN thực hiện hiệu quả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng, Thường trực Chính phủ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN đã làm việc với Đảng ủy Khối DN Trung ương, Tập đoàn PVN, TKV, một số tập đoàn, tổng công ty khác để xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 về tái cơ cấu DNNN.

Bên cạnh đó, các đề án tái cơ cấu DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2016-2020 đang được Bộ Tài chính xin ý kiến các cơ quan, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với ngành điện, các bộ, ngành đang phải hoàn thành các văn kiện quan trọng để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn từ nay tới năm 2020. Cụ thể, Bộ Công Thương xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng liên quan tới khung giá điện tới 2020, cơ chế điều hành giá bán lẻ điện bình quân. Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo Tập đoàn EVN xây dựng kịch bản điều hành giá điện năm 2017 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước bối cảnh trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Tập đoàn EVN cần làm rõ kết quả sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp trong thời gian qua và kế hoạch sắp tới, trong đó có các vấn đề về cổ phần hóa, thoái vốn, xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh, tái cơ cấu tài chính, quản trị, nhân lực, công nghệ…

EVN và các bộ, ngành thảo luận làm rõ các giải pháp, nhất là các giải pháp về huy động vốn để thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng quốc gia tới năm 2020. Bên cạnh đó là các lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện chỉ số tiết kiệm điện năng; việc bảo đảm tách bạch nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ công ích (tách chức năng đại diện chủ sở hữu với quản lý nhà nước, tách nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị), tiêu chí đánh giá DNNN trong lĩnh vực điện năng.

Về nhiệm vụ ban hành kịch bản giá điện năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu EVN xây dựng giá điện theo nguyên tắc tính đủ, đúng chi phí trong giá thành, bảo đảm có lợi nhuận phù hợp, tạo dư địa thu hút đầu tư, bảo đảm an ninh năng lượng, nhất là bảo đảm thu hút đầu tư năng lượng điện gió, mặt trời và kềm chế lạm phát.


Năm 2017: Sẽ giảm gần 3.000 tỷ đồng chi phí sản xuất

Trong giai đoạn 2011-2016, EVN đã hoàn thành kế hoạch hằng năm Nhà nước giao, bảo đảm cung cấp điện, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Tính đến cuối năm 2016, tổng công suất nguồn điện trên cả nước là 42.135 MW, trong đó EVN sở hữu 25.884 MW, chiếm 61,4%. Quy mô hệ thống điện của Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới.

EVN cũng đạt và vượt kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình nguồn và lưới điện so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, tổng công suất nguồn điện hoàn thành trong giai đoạn 2011-2015 là 9.852 MW, bằng 125% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Tập đoàn thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp kỹ thuật và quản lý kinh doanh, nhờ đó tổn thất điện năng toàn hệ thống giảm dần qua từng năm. Tới năm 2016, chỉ số này giảm còn 7,57%, sản lượng điện tiết kiệm trong cả giai đoạn trước là 11,96 tỷ kWh.

EVN nỗ lực đầu tư cấp điện khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo. Tới nay, 99,96% số xã và 98,95% số hộ dân nông thôn sử dụng lưới điện. Ngân hàng Thế giới đánh giá cao Việt Nam thực hiện thành công, đạt hiệu quả cao đầu tư lưới điện nông thôn.

EVN đã hoàn thành xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh theo lộ trình được Thủ tướng phê duyệt và vận hành theo đúng quy định. Đến cuối năm 2016, có 73 nhà máy điện trực tiếp tham gia thị trường điện với tổng công suất 17.929 MW, chiếm 46% tổng công suất toàn hệ thống.

Trong sắp xếp, đổi mới, nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động, EVN đã tập trung vào sản xuất kinh doanh điện và chuyên môn hóa các khâu phát điện – truyền tải điện – phân phối và kinh doanh điện. EVN xây dựng Đề án tối ưu hóa chi phí trong sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2014-2016 nhằm tăng doanh thu, giảm chi phí, bảo toàn và phát triển vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Năm 2016, tổng doanh thu toàn EVN đạt 278.031 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2015. Kết quả sản xuất kinh doanh năm 2016 của EVN và các đơn vị đều có lãi.

Trong năm 2017, theo tính toán của EVN, tổng chi phí sản xuất kinh doanh tăng thêm do biến động các yếu tố đầu vào (giá than, khí, dầu…) là hơn 7.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, EVN cũng đặt ra một loạt giải pháp giảm chi phí sản xuất để giảm gần 3.000 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm.


Bảo đảm thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VII

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao Tập đoàn EVN trong thực hiện các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng cho đất nước những năm qua. Theo đó, EVN đã cố gắng sắp xếp lại các ngành nghề, thoái vốn, tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính. Công tác đầu tư công trình nguồn, lưới điện đã đạt và vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao, nhiều công trình phát huy hiệu quả kinh tế-xã hội. EVN cũng quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhiều biện pháp đồng bộ cả về kỹ thuật và quản lý để giảm tổn thất điện năng, mang lại lợi ích cho Tập đoàn và cả nền kinh tế. EVN cũng nỗ lực đầu tư cho nông thôn, các vùng trọng điểm an ninh, quốc phòng mà các thành phần kinh tế khác không thể làm được.

“Nếu tập đoàn, tổng công ty nhà nước mạnh lên thì góp phần làm cho đất nước mạnh lên”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ.

Để thực hiện nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị EVN tập trung chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm thực hiện các dự án nguồn, lưới điện quan trọng; xây dựng kịch bản, cân đối nguồn vốn, từng năm một trong giai đoạn 2017-2020 và xa hơn nữa; EVN tiết kiệm chi phí tối thiểu 10%.

Bộ Công Thương tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển điện lực của các tỉnh, thành phố để có kế hoạch phù hợp, sẵn sàng giải pháp cung ứng điện để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, nhất là với các dự án trong sơ đồ Quy hoạch điện VII; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ cơ cấu lại các chủ đầu tư tại một số dự án điện nếu thấy cần thiết.

Về cổ phần hóa, thoái vốn, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, Tập đoàn EVN phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa tại các tổng công ty phát điện, cố gắng thực hiện được trong quý III/2017.

Về nâng cao năng lực quản trị của EVN, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn chủ động rà soát, đưa vào danh mục xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của Tập đoàn theo nguyên tắc thị trường. Không chỉ với EVN, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu nhiệm vụ này với các tập đoàn khác; bảo đảm cân đối dòng tiền trong sản xuất, kinh doanh; áp dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, giảm chi phí lao động, nhất là giảm tổn thất điện năng; minh bạch, công khai trong tính toán giá điện.

Đối với việc cung ứng giá cả đầu vào, Phó Thủ tướng đề nghị cân đối các yếu tố theo các kịch bản khác nhau để hoàn thành 3 văn kiện quan trọng của ngành điện là: Khung giá bán lẻ điện 2016-2020, cơ chế điều hành giá điện và kịch bản điều hành giá điện năm 2017.

Không cần nhân viên vận hành trạm biến áp 110 kV

Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn EVN Dương Quang Thành cho biết năng suất lao động của EVN thấp so với khu vực nhưng có tốc độ tăng cao sau từng năm. Năm 2016, chỉ số này đạt 1,73 triệu kWh/người, tăng từ 10-11%/năm từ năm 2014 tới nay. Hiện nay trong nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN về năng suất lao động trong lĩnh vực điện năng thì Malaysia là cao nhất với 2,5 triệu kWh/người/năm. Tới năm 2020, EVN phấn đấu sẽ nằm trong nhóm ASEAN 4.

Để đạt được mục tiêu trên, EVN đưa ra các giải pháp thực hiện: Thứ nhất, EVN sẽ sắp xếp lại bộ máy, tách bạch giữa vận hành, quản lý và dịch vụ. Hiện nay Tổng Công ty Phát điện 3 đã tách bộ phận sửa chữa ra khỏi quản lý, vận hành để hình thành một công ty riêng về sửa chữa. Tổng Công ty Truyền tải điện cũng thành lập một bộ phận chuyên sửa chữa.

Thứ hai, Tập đoàn sẽ áp dụng tự động hóa cho các đơn vị, nhất là các khâu truyền tải và phân phối điện. “Hiện nay, trạm biến áp 110 kV cần 11 người vận hành thì tới năm 2020 sẽ một số trạm này không còn người vận hành. Định mức trạm 220 kV là 15-18 người, trạm 500 kV là 25 người vận hành thì tới năm 2020 sẽ giảm rất nhiều, khoảng 60% nhân lực”, ông Thành nói.

Đối với khâu phân phối điện, hiện nay EVN đang thực hiện lắp đặt các công tơ điện tử đo xa để không cần nhân viên ghi số điện nữa. Vừa qua, Tổng Công ty Điện lực miền Trung giảm gần 1.000 người ghi số điện khi lắp đặt 2 triệu công tơ đo xa mới.

Ông Thành cũng bày tỏ: “Áp lực của Tập đoàn là giảm lao động nhưng không đẩy lao động ra ngoài. EVN có quy chế khuyến khích người lao động nghỉ hưu trước thời hạn và sử dụng các quỹ hỗ trợ cho những người này. Còn ai ở lại Tập đoàn thì sẽ được đào tạo, sắp xếp lại việc làm”.

Đối với việc cải thiện năng lực tiếp cận điện năng, theo ông Thành, EVN đã nỗ lực rất nhiều. Cụ thể, Việt Nam đã giảm từ vị trí 155 xuống 96 (giảm 60 bậc) nhưng vẫn rất cao so với khu vực. Trong 10 nước ASEAN thì Việt Nam đứng thứ 7. Nếu vào nhóm ASEAN 4 thì Việt Nam phải giảm 50 bậc trong bảng xếp hạng của thế giới. Do đó, EVN tiếp tục phấn đấu giảm thủ tục cấp điện, hiện nay thời hạn là 7 ngày (so với trước đây là 18 ngày). Bên cạnh đó, Tổng Công ty Điện lực TPHCM đã tự nguyện xây dựng các giàn biến áp cho khách hàng không mất chi phí lắp đặt biến áp.

Thành Chung/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *