(kontumtv.vn) – Xen kẽ trong nắng hạn gay gắt, là các đợt dông lốc, sét đánh, mưa đá liên tiếp xảy ra.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, hạn hán đang bước vào cao điểm, hàng trăm ha lúa đã khô cháy, hơn 20.000ha cà phê đang héo quắt vì nắng hạn, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Xen kẽ trong nắng hạn gay gắt, là các đợt dông lốc, sét đánh, mưa đá liên tiếp xảy ra, gây nguy hiểm cho tính mạng con người và thêm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Những diễn biến này cho thấy khí hậu, thời tiết trong khu vực ngày càng bất thường, người dân cần được thông tin kịp thời, đầy đủ về xu hướng này để có biện pháp ứng phó.
Giữa trưa, trời nắng như đổ lửa, cả gia đình 4 người nhà ông Rơ Châm Ing, ở làng Blang 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai, hì hục đào hố, khơi dòng, tận dụng lượng nước cuối cùng trong hồ thủy lợi Ia Dêr để tưới cho 2ha cà phê nằm cách hồ chừng 500m. Ông Rơ Châm Ing cho biết, từ giữa tháng 3 vừa qua, hồ Ia Dêr đã bắt đầu cạn kiệt, đến nay đã trơ đáy, người dân trong làng đang rất khổ sở tìm nguồn nước để chống hạn cho cây cà phê. Ông Rơ Châm Ing nói: “Dân làng đều đào sâu giữa hồ mà vẫn không đủ tưới. Nói chung, năm nay so với mọi năm trước thiếu nước, rất nhiều chỗ đã cạn kiệt, tưới cà phê rồi làm lúa Đông Xuân thiếu nước rất nhiều.”
Cùng với tình hình hạn hán mỗi năm thêm gay gắt, Tây Nguyên còn phải hứng chịu những hậu quả bất thường, không thể chống đỡ từ thiên nhiên, đó là những trận sét đánh, lốc xoáy và mưa đá, xảy ra ngày càng nhiều trong mấy năm gần đây.
Điển hình trong số đó là vụ sét đánh làm chết 2 người, bị thương14 người, xảy ra sau một đợt tiểu hạn cuối tháng 8 năm 2012, tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai; 4 vụ sét đánh liên tiếp làm 4 người chết, 15 người bị thương, xảy ra trong nửa cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2014, tại tỉnh Kon Tum; và mới đây nhất, ngày 29/4, sét đánh cùng lốc xoáy đã làm phát sinh hoả hoạn, thiêu rụi 12 căn nhà gỗ trắc, ở làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, ước thiệt hại hơn chục tỷ đồng; tiếp theo đó, tối 30/4, một trận mưa giông dị thường đã quét qua xã Hoà Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc, làm gãy 13 trụ điện cao thế, kéo nghiêng 5 trụ điện hạ thế.
Còn tại Lâm Đồng, chỉ từ ngày 02 đến 21/4 vừa qua, toàn tỉnh xảy ra tới 5 trận mưa đá và lốc xoáy, trong đó 3 trận quét qua thành phố Đà Lạt, 1 trận xảy ra tại huyện Đơn Dương và 1 trận tại huyện Đạ Huai, khiến hàng nghìn héc tau rau-hoa bị hư hỏng từ 70 đến 100%; làm sập hàng chục nhà kính nông nghiệp, tốc mái hàng trăm căn nhà.
Ông Vi Tiến Dũng, Phó chủ tịch Hội nông dân phường 7, thành phố Đà Lạt cho biết, chưa bao giờ trên địa bàn lại hứng chịu nhiều mưa đá, ngay trong mùa khô như năm nay: “Nhiều chỗ bị mất trắng, nhiều chỗ thiệt hại đến 70%, cũng có một số nhà kính bị sập. Không biết rồi đây có tiếp tục bị nữa hay không”.
Theo cơ quan khí tượng thuỷ văn, hạn nặng trong mùa khô năm nay ở Tây Nguyên, là thiên tai có tính chu kỳ, do tác động của hiện tượng El Nino. Những cơn giông, lốc kèm theo sét đánh, cũng là những kiểu thời tiết đặc thù của một số tiểu vùng trong khu vực, thường xuất hiện vào những tháng cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Như tại tỉnh Đắc Nông, ông Đặng Văn Chiền, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh, cho biết, kiểu thời tiết này sẽ tiếp tục xảy ra trong thời gian tới: “Vùng phía nam dãy Nam Nung là rất nhạy cảm với sự giao tranh giữa 2 khối khí lạnh và khí thuộc áp thấp nóng phía Tây, khi 2 khối khí đó giằng co, đẩy nhau thì ở đây có mưa. Tỉnh Đắc Nông những khu vực phía Tây Nam thuộc huyện Tuy Đức, Đắc Rlấp và Thị xã Gia Nghĩa là khả năng sẽ xuất hiện những dông nhiệt và lốc tố, vì năm nay cường độ không khí lạnh ở phía Bắc thành từng đợt rất mạnh, áp thấp nóng phía Tây tác động qua lại rất rõ rệt”.
Cũng theo cơ quan khí tượng thuỷ văn, ngoài tác động của của El-ninô, và đặc thù của địa hình nhiều núi cao, thời tiết Tây Nguyên còn khắc nghiệt thêm do mất nhiều rừng. Hàng nghìn quả đồi bị cạo trọc, hàng trăm nghìn héc ta rừng bị phá trắng, đã khiến cho núi đồi, nương rẫy bị nung nóng nhanh hơn, bốc hơi mạnh hơn, gây ra nhiều hạn hán, giông, lốc, sét và các kiểu thời tiết cực đoan. Sang mùa mưa, việc mất rừng lại khiến lũ xảy ra nhiều hơn, tốc độ lũ nhanh hơn, gây áp lực lớn cho các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện và thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp./.