(kontumtv.vn) – Khi tham gia BHXH, người lao động được hưởng lương hưu, hưởng chính sách BHYT và khi chết được hưởng tử tuất.
Gần đây trên các mạng xã hội chia sẻ nhiều thông tin về việc so sánh gửi tiết kiệm có lợi hơn đóng bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến tâm lý người lao động…
Theo các cách tính toán này nếu không đóng bảo hiểm xã hội mà gửi tiết kiệm số tiền này trong 30-40 năm thì số tiền lãi mỗi tháng, chưa kể tiền gửi tiết kiệm gốc sẽ nhiều hơn tiền lương hưu.
Một cách tính khác được đưa ra: “Giả sử lương bạn 5 triệu thì bạn đóng 8% lương, công ty đóng 18% lương. Mỗi tháng bạn và công ty nộp 26% lương= 1,3 triệu. Năm 1 bạn có 13 triệu; năm 2 bạn đóng thêm 13 triệu + 13 triệu năm 1 + 6% lãi 13 triệu của năm 1= 26.780.000 đồng. Năm 3 bạn có 41.386.800 đồng… Bạn đi làm năm 25 tuổi, nghỉ hưu năm 65 tuổi. Bạn nộp BHXH 30 năm (giả sử bạn nghỉ làm 10 năm). Đến năm thứ 30 bạn có 1 tỉ 27 triệu. Tiền lãi mỗi tháng là 5 triệu 135.000 đồng. Nhưng bạn chỉ nhận được từ BHXH 75% lương= 3.75 triệu/tháng. Như vậy, bạn nhận chưa đủ phần lãi và mất luôn tiền gốc”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề Xã hội của Quốc hội phân tích: Nhìn về con số thấy rằng, ở mặt nào đó gửi tiết kiệm tốt hơn là tham gia BHXH. Nhưng khi người lao động tham gia vào quỹ BHXH đóng 8% thì nhà nước, doanh nghiệp đóng 18%. Khi tham gia BHXH thì người lao động không chỉ hưởng lương hưu hoặc là khi chết được hưởng tử tuất mà người lao động còn được hưởng chính sách BHYT. Đây là chính sách rất là nhân văn của xã hội chúng ta. Theo quy định của pháp luật, nhà nước bảo hộ khi mà tiền lương danh nghĩa nhận được của người về hưu mà bị trượt giá tăng lên làm cho sức mua của đồng tiền giảm đi thì nhà nước bù đắp để đảm bảo đúng giá trị thực tiền lương của người nghỉ hưu. Hơn nữa nền kinh tế phát triển thì chúng ta cũng điều chỉnh tiền lương hưu để nâng cao đời sống cho người về hưu.
“Bản chất của vấn đề này rất nhân văn, không thể đem câu chuyện so sánh giữa gửi tiết kiệm với tham gia chính sách BHXH” – ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Người tham gia BHXH đóng 22% nhưng họ đóng trên mức thu nhập do họ lựa chọn, có thể bằng tiền lương tối thiểu và sau này có thể bằng mức tiêu chuẩn giảm nghèo ở khu vực nông thôn. Theo nguyên tắc, khi tham gia BHXH là có đóng, có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp.
“Nếu không tham gia BHXH thì người lao động sẽ không được lấy khoản phí đóng của DN để “đút vào túi” bởi số tiền 14% DN sẽ phải đóng thuế thu nhập DN trên tổng số tiền này. Nếu đóng vào quỹ BHXH thì DN sẽ được tính vào chi phí DN” – ông Bùi Sỹ Lợi giải thích thêm.
Với BHXH tự nguyện, người lao động chỉ được hưởng 2 chính sách đó là chính sách hưu trí và tử tuất. Khi về già, ngoài hưởng lương hưu của BHXH tự nguyện thì họ vẫn được hưởng chính sách BHYT. “Về già chúng ta mới thấy chăm sóc sức khỏe là vấn đề vô cùng quan trọng, chi phí chăm sóc sức khỏe lớn hơn rất nhiều so với chi phí ăn, mặc, ở và đi lại” – ông Lợi nói.
Phân tích thêm về những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, theo ông Bùi Sỹ Lợi, ngoài việc được hưởng lương hưu thì người lao động không may mất thì vẫn được hưởng chính sách tử tuất cho các thân nhân của người lao động đó và được hưởng chính sách BHYT.
Theo tính toán của các chuyên gia, với những qui định về đóng – hưởng BHXH như hiện nay, một người lao động tham gia BHXH thì số tiền tích lũy được (đã bao gồm cả tiền lãi) chỉ đủ để chi trả lương hưu cho chính người đó từ 8-10 năm. Như vậy, với kỳ vọng sống của những người sống sau độ tuổi 55 đối với nữ và 60 đối với nam hiện nay là khoảng 20 năm thì rõ ràng quyền lợi mà người lao động được hưởng là rất lớn.
Trong nhiều năm qua, kể từ khi chính sách BHXH được thực hiện, mức lương hưu cũng không ngừng được điều chỉnh cho phù hợp với mức sống chung của toàn xã hội. Vào các thời điểm tăng mức lương tối thiểu chung cũng như việc xem xét chỉ số giá cả, Nhà nước đều có sự điều chỉnh lương hưu một cách hợp lý./.