Quân đội Việt Nam chủ động, sẵn sàng, thích ứng
Tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc (GGHB LHQ) được coi là một điểm sáng của đối ngoại quốc phòng Việt Nam trong năm 2019. Lần đầu tiên Việt Nam tham gia GGHB LHQ ở hình thức đơn vị, thông qua việc triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tại CH Nam Sudan.
Đoàn sỹ quan Việt Nam sang Nam Sudan làm nhiệm vụ |
Ngay từ thập niên 90 của thế kỷ XX, Việt Nam đã bắt đầu thể hiện trách nhiệm đối với nỗ lực GGHB LHQ thông qua việc đóng góp tài chính cho các hoạt động này. Từ năm 2014, chúng ta bắt đầu chính thức tham gia hoạt động GGHB LHQ bằng việc triển khai lực lượng theo hình thức cá nhân là những điều phối viên, quan sát viên, sỹ quan liên lạc, sỹ quan tham mưu tại Nam Sudan và CH Trung Phi.
Việc tham gia GGHB LHQ ở mức cao – hình thức đơn vị, cho thấy, chúng ta đang thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, đó là chủ động, tích cực tham gia các cơ chế đa phương về quốc phòng, an ninh, trên phương châm “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế; tăng cường lòng tin chiến lược, duy trì môi trường hòa bình…”.
Chủ trương này cũng thể hiện trong Chiến lược Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo đường lối của Đảng, được nêu rõ trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019: “… giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; tạo lập và củng cố niềm tin bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; bảo đảm bình đẳng cùng có lợi; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp, tăng cường vị thế quốc tế và độc lập, tự chủ của đất nước…”.
Các cán bộ, sĩ quan Việt Nam chia tay gia đình và bạn bè trước giờ lên đường |
Năm 2019, cũng là tròn 5 năm Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ. Sau 5 năm, Việt Nam đã triển khai hàng trăm quân nhân tham gia gìn giữ hòa bình LHQ, trong đó có 43 lượt sỹ quan đi làm nhiệm vụ trên cương vị cá nhân và 126 sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc biên chế của 2 Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan.
Hiện chúng ta đang tiến hành huấn luyện và triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 sẽ thay thế cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đang làm nhiệm vụ tại Phái bộ ở CH Nam Sudan; tích cực chuẩn bị những bước đi cần thiết cho Đội Công binh để sẵn sàng triển khai tại Phái bộ GGHB LHQ phù hợp trong thời gian tới.
Hiếm có quân đội nào biết chia sẻ khó khăn của nhân dân
Theo tổng kết của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, trong số hơn 30 lượt sỹ quan đã kết thúc nhiệm kỳ công tác, 7 sỹ quan Việt Nam được LHQ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ ở mức xuất sắc. Các sĩ quan đều được đánh giá tốt về trình độ, năng lực chuyên môn cũng như ngoại ngữ.
Nhóm 2 – Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 về đến Việt Nam (Ảnh: Vinh Quang) |
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo về việc Việt Nam tham gia GGHB LHQ đánh giá cao các sĩ quan Việt Nam ở sự chủ động, sẵn sàng, thích ứng tốt với nhiệm vụ giúp đỡ các nước khác củng cố hòa bình, tái thiết đất nước. Còn theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, hiếm có lực lượng quân sự nào lại có tác phong gần dân, biết tận dụng hậu cần tại chỗ, biết chia sẻ những khó khăn, nỗi đau của nhân dân như Quân đội Việt Nam.
Cuối tháng 11/2019, toàn bộ 63 cán bộ, chiến sĩ của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã về nước, hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ hòa bình LHQ tại Nam Sudan. Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 10/2018, sau hơn 12 tháng hoạt động, Bệnh viện đã thu dung, điều trị cho 2.022 bệnh nhân, được đánh giá cao về kết quả thực hiện nhiệm vụ. Đáng nói, từ trước đến nay ở Nam Sudan chưa có Bệnh viện cấp 2 nào tương đương thực hiện được kết quả đó như Bệnh viện của Việt Nam. Thông thường, con số này chỉ ở mức 200 bệnh nhân.
Đánh giá về nhiệm vụ của BVDC cấp 2 số 1 của Việt Nam trong đội hình lực lượng GGHB LHQ tại Căn cứ Bentiu, bà Hiroko Hirahara, Trưởng căn cứ Bentiu thuộc Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan khẳng định, sự xuất hiện của BVDC 2 của Việt Nam là vô cùng cần thiết và quan trọng. Lực lượng các nước và những nhân viên LHQ yên tâm vì đã có một đội ngũ bác sĩ chuyên tâm chăm sóc sức khỏe cho họ, để họ có thể tập trung tối đa cho công việc của mình.Không chỉ đảm bảo y tế, chăm sóc sức khỏe cho lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại địa phương, các cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện cấp 2 số 1 đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa, thể thao, giúp đỡ người dân địa phương, góp phần tạo nên hình ảnh tốt đẹp về người chiến sỹ Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế. LHQ đã trao tặng cán bộ Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam Huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình.
Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách hoạt động gìn giữ hòa bình và Cố vấn Quân sự tại Sở Chỉ huy LHQ tại New York cũng gửi thư cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam về sự đóng góp của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch chụp ảnh chung với cán bộ, chiến sĩ Cục
GGHB Việt Nam. (Ảnh: QĐND) |
Tới thăm, chúc tết các cán bộ Cục GGHB Việt Nam nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh, kết quả tích cực trong việc tham gia hoạt động GGHB LHQ đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước, cùng với toàn quân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, cũng như khẳng định sự đóng góp của Việt Nam cho hòa bình thế giới.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch chỉ đạo Cục GGHB Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng và hiệu quả vào hoạt động GGHB LHQ, phù hợp với khả năng của Việt Nam, của quân đội. Bộ trưởng yêu cầu duy trì ổn định, lâu dài hoạt động của Bệnh viện dã chiến cấp 2 ở CH Nam Sudan, tham mưu chuẩn bị tốt cho việc triển khai lực lượng Công binh sang địa bàn phái bộ./.
Thanh Hà/VOV.VN