(kontumtv.vn) – Cao su là loại cây trồng mới đối với bà con 2 xã Đăk Trăm, Văn Lem. Địa hình ở đây đất dốc, không bằng phẳng, nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện, nhiều hộ dân đã chịu khó chăm sóc, mạnh dạn đầu tư, phát triển  diện tích cao su.

Năm 2008, thông qua Dự án giảm nghèo miền Trung, gia đình ông A Nuê (thôn Đăk Đring, Đăk Trăm, Đăk Tô, Kon Tum) được hỗ trợ 500 cây giống cao su để tham gia trồng thí điểm ở độ cao trên 700 m so với mực nước biển. Được hỗ trợ cây trồng dặm, được hướng dẫn, tập huấn kĩ thuật trong quá trình trồng và chăm sóc, đến nay, vườn cao su của gia đình ông đã phát triển lên 1.500 cây. Ông A Nuê nói: “Quá trình trồng, chăm sóc thì cũng phát triển tốt, không có gì là khó khăn. Gia đình tôi cũng bỏ ra tiền để mua thêm 1.000 cây giống để trồng, năm nay cũng đã thu được tiền”.

Vườn cao su của người dân xã Đăk Trăm
Vườn cao su của người dân xã Đăk Trăm

Cao su là loại cây trồng mới đối với bà con 2 xã Đăk Trăm, Văn Lem. Địa hình ở đây đất dốc, không bằng phẳng, nhưng được sự quan tâm, hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện, nhiều hộ dân đã chịu khó chăm sóc, mạnh dạn đầu tư, phát triển thêm diện tích  cao su. Đến nay, nhiều hộ đã đi vào khai thác và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế. Ông A Ning (thôn Đăk Đring, Đăk Trăm) nói: “Mặc dù đất cũng cao nhưng cố gắng, ráng làm, do Nhà nước hỗ trợ giống để trồng. Nhà nước hỗ trợ cây giống, cây trồng dặm, phân, đi tập huấn trồng cao su, cạo mủ cao su. Nay thấy cao su phát triển, đi cạo , sáng đi cạo từ 3 giờ đến 6 giờ về nghỉ, rồi buổi chiều trút mủ đi bán, cũng được 400.000đ – 500.000đ”.

Qua 9 năm triển khai thí điểm, từ 10 hộ gia đình tham gia ban đầu với diện tích 10 ha, đến nay đã có trên 50 hộ dân ở 2 xã Đăk Trăm, Văn Lem trồng cao su với tổng diện hơn 70 ha. Hiện có hơn 20 ha đã đưa vào khai thác và cho năng suất khoảng 10 tạ/ha, đạt hơn 80% so với năng suất của cây cao su được trồng tại các xã khác trên địa bàn huyện. Ông A Quang, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Đăk Tô cho biết: “Từ kết quả hiện nay của các hộ dân đã khai thác mủ cao su thì đây là cơ sở để Phòng NN&NT tham mưu UBND huyện nhân rộng mô hình, nhân rộng những diện tích có khả năng trồng cao su, còn những diện tích đất đồi, đất núi thì trồng những cây nguyên liệu giấy. Còn đối với nguồn vốn thì Phòng sẽ tham mưu UBND huyện lồng ghép một số nguồn vốn hỗ trợ sản xuất như Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, 1 số dự án khác để phát triển cây cao su trên địa bàn xã”.

Cao su là loại cây công nghiệp mang lại lợi ích ổn định và cho thu nhập bền vững hơn nhiều loại cây trồng khác, nên nếu có thể mở rộng được diện tích thì cây trồng này thực sự sẽ mở ra hướng thoát nghèo cho bà con nông dân ở xã Đăk Trăm và Văn Lem. Đồng thời, phát triển được nhiều diện tích cao su ở độ cao này sẽ góp phần khai thác hiệu quả hơn quỹ đất sản xuất của huyện. 

Thanh Thủy – Thanh Hà

                                                                                  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *