(kontumtv.vn) –  Trước biến đổi khí hậu gây hạn hán, thiếu nước ở một số diện tích đất trồng lúa tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum, năm 2016 Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai mô hình “nghiên cứu lựa chọn đối tượng và cơ cấu cây trồng hàng năm thích hợp với điều kiện hạn hán và vùng có nguy cơ thiếu nước ở các tiểu vùng sinh thái tỉnh Kon Tum”.

Đến nay, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng màu ở vùng hạn hạn và có nguy cơ thiếu nước trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Kon Rẫy, Sa Thầy và thành phố Kon Tum mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. ThS. Trương Công Cường, Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam trung Bộ nói: “Trong điều kiện hạn hán xảy ra trong năm 2015-2016 kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất. UBND tỉnh giao cho làm mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thiếu nước sang cây trồng màu. Hiệu quả mang lại là rất cao. Ví dụ trồng đậu năng suất đạt 20 tạ/ ha, với giá hiện nay 30.000đ/ kg thì được 50-60 triệu. Bà con  thu lời được 40 triệu/ ha/ vụ.  Đối với cây ngô nếp, mật độ khoảng 70.000 cây/ ha, trung bình thu 7 bắp/ m2. Với giá bán từ 1.200đ  đến 1.500đ/ bắp, nếu trừ chi phí bà con cũng lợi nhuận 50-60 triệu/ vụ”.

Trồng đậu, bắp trên vùng đất lúa khô hạn
Trồng đậu, bắp trên vùng đất lúa khô hạn

Đề tài do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ thực hiện, các đối tượng cây trồng thử nghiệm là mè, đậu xanh, đậu đen và bắp nếp trên tổng diện tích mỗi vụ là 2 ha tại 4 huyện trên địa bàn tỉnh. Riêng tại huyện Đăk Hà, mô hình được triển khai trên đất lúa 2 vụ, tại thôn 2, xã Đăk La. Qua đánh giá mô hình trên cây ngô nếp, đậu xanh trong vụ đông xuân 2019 thì hiệu quả kinh tế cao gấp 7 lần so với trồng lúa. Ông Trần Văn Định (xã Đăk La, huyện Đăk Hà) nói: “Nếu như làm lúa thì được 1 vụ thôi, còn 1 vụ hầu như mất trắng, do thiếu nước. Nếu chuyển qua làm màu thì tận dụng được 3 vụ bắp, hai vụ đậu, cho thu nhập cao hơn nhiều. Nếu tính trong 1 năm thì thu lợi gấp 7 lần so với trồng lúa, khoảng trên 100 triệu đồng/ vụ/ ha”.

Đề tài được triển khai từ tháng 10/2016 đến tháng 10/2019. Với những kết quả mang lại từ mô hình, đây là cơ sở để nhân rộng mô hình trồng màu trên đất lúa có khả năng thiếu nước và khô hạn trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

       CTV Thế Quỳnh  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *