(kontumtv.vn) – Những năm gần đây, cứ vào đầu mùa mưa, nhiều xã trên địa bàn thành phố Kon Tum lại xuất hiện bọ đen cánh cứng. Năm nay, sau một vài cơn mưa đầu mùa, bọ đen đã xuất hiện ở nhiều khu dân thuộc 05 xã trên địa bàn thành phố, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của bà con. Trước tình hình đó, chính quyền thành phố và ngành Y tế đang nỗ lực diệt trừ, ngăn chặn sự lan rộng loài bọ này.

Gần 1 tháng nay, cuộc sống của gia đình anh A Dẻo (thôn Kon Gur, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) bị đảo lộn bởi sự xuất hiện của bọ đen. Mặc dù không gây hại hay dịch bệnh, nhưng bọ đậu đen xuất hiện nhiều, mật độ dày, chui rúc vào mọi chỗ, từ quần áo, giường chiếu, đến đồ ăn thức uống… đã gây nhiều phiền toái, khó khăn cho gia đình. Hàng ngày, vợ anh Dẻo – chị Y Nghẽo thường xuyên quét dọn, gom mang đi đốt hoặc chôn hàng kg bọ đen. Vì loài côn trùng này có vỏ bọc rất cứng, nếu chôn lấp không đảm bảo, bọ đen vẫn có thể chui lên, bò vào nhà. Cùng với sự hướng dẫn của cán bộ y tế, cẩn thận hơn, chị Y Nghẽo đã đem bọ đen luộc chín trong nước sôi, nhưng ngày hôm sau những đàn bọ khác lại xuất hiện, đậu thành từng đám, diệt trừ không xuể. Chịu không nổi sự hoành hành của bọ đậu đen, cả gia đình phải di tản xuống gian nhà bếp sinh sống. Anh A Dẻo nói: “Tháng 5 nó bắt đầu có, khi nào nó xuất hiện thì cảm thấy rất khó chịu, ăn, ở không được, ngủ cũng không được phải ngủ ở ngoài nhà. Khi nào mưa thì phải ngủ ở nhà bếp. Gia đình rất  khó khăn, đi quét dọn cũng khó, vì con này chạy rất nhanh”.

Bọ đen cánh cứng chủ yếu hoạt động về đêm
Bọ đen cánh cứng chủ yếu hoạt động về đêm

Tại xã Đăk Blà, đến thời điểm hiện nay, bọ đen đã xuất hiện tại 03 thôn, với gần 20 hộ bị ảnh hưởng. Điều đáng nói, hiện nay vẫn chưa có loại hóa chất nào diệt trừ được loại bọ này. Ngành Y tế và chính quyền địa phương chỉ tập trung tuyên truyền, vận động người dân tiến hành tiêu diệt bằng biện pháp truyền thống là quét, thu gom rồi mang đi đốt hay chôn lấp; thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, hạn chế nơi trú ẩn của bọ đen. Bác sỹ Nguyễn Đình Thiệu, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đăk Blà cho biết: “Qua đánh giá, bọ đen năm nay có giảm, nhưng chúng tôi vẫn chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương để có chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng thôn trong công tác phối  hợp vận động, tuyên truyền nhân dân tiêu diệt con bọ đen này, thường xuyên quét dọn, mở thoáng nhà cửa, thu gom và đốt sau đó đem chôn đi”.

Từ đầu mùa mưa đến nay, thành phố Kon Tum đã ghi nhận tại 5 xã là Hòa Bình, Đoàn Kết, Đăk Rơ Wa, Đăk Blà và Đăk Năng, với 14 thôn xuất hiện bọ đen cánh cứng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. Bác sỹ  Bùi Trọng Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum nói: “Đầu mùa mưa, Trung tâm đã tăng cường công tác giám sát đến những xã, thôn có bọ đen cánh cứng và tổ chức, tuyên truyền rộng rãi cho người dân đi phát quang, làm thông thoáng để giảm nơi cư trú của bọ đen cánh cứng. Đồng thời, Trung tâm cũng có các văn bản gửi Sở Y tế, UBND thành phố để phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng chung tay trong công tác làm giảm bọ đen cánh cứng”.

Loài bọ đen cánh cứng thuộc bộ Coleoptera, thường sống trong các nơi ẩm ướt, nhiều tạp chất và chủ yếu hoạt động về đêm. Theo ngành Y tế cho biết, hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị, nên việc phòng, chống bọ cánh cứng chỉ dừng lại ở việc vận động, tuyên truyền và tiêu diệt bằng biện pháp quét, hốt, đốt, chôn. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành Y tế, cần có sự chung tay, góp sức của các ban, ngành, đoàn thể, thanh niên tại các khu dân cư. Và yếu tố mang tính chất quyết định đến công tác phòng chống, tiêu diệt bọ đen cánh cứng vẫn chính là ý thức giữ gìn vệ sinh nhà cửa, môi trường sống thoáng mát, sạch sẽ của chính mỗi người dân.

                                                                      CTV Đỗ Yến – Trần Quang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *