(kontumtv.vn) – Hiện nay, trên địa bàn thành phố Kon Tum xuất hiện tình trạng cây mai dương mọc tràn lan hai bên bờ sông, suối, khu đô thị Nam Đăk Bla và khu vực sản xuất của bà con nông dân tại vùng bán ngập, gây tác động xấu đến công tác bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp, các loài sinh vật bản địa cũng như hệ sinh thái đặc thù của địa phương. Hiện thành phố đang khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp diệt trừ loại cây này.

Phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum đã huy động lực lượng, tập trung diệt trừ cây mai dương. Tuy nhiên, với diện tích rộng, cây mọc dày và sâu dưới nước nên việc xử lý triệt để không hề đơn giản. Ông Trần Anh Dũng, Chủ tịch UBND phường Quyết Thắng nói: “Thời gian tổ chức ra quân là 25 hàng tháng, theo kế hoạch phường chia ra 3 giai đoạn để diệt trừ cây mai dương. Trước mắt, đối với cây mai dương mọc dưới đất thì cho chặt phá và đào tận gốc,sau đó đem đốt”.

Ra quân
Ra quân loại trừ cây mai dương

Cây mai dương còn có một số tên gọi khác như trinh nữ nâu, mắt mèo. Loại cây này mọc khỏe, không kén đất, hạt có thể phát tán xa theo dòng n­ước. Đây là loài thực vật hoang dại rất nguy hiểm, ngoài làm thiệt hại về kinh tế, tác động tiêu cực đến đất đai, mức chi phí để loại bỏ cũng rất lớn. Ông Nguyễn Nghiêm, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Kon Tum cho biết: “Tác hại của cây mai dương là khi cây xâm thực thì toàn bộ hệ sinh thái ở khu vực đó sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nó làm cho đất cằn cỗi, không thể canh tác được và tất cả các loại sinh vật, thủy sản, chim chóc không thể sống được dưới tán cây mai dương. Cây mai dương 1 năm cho 10.000 hạt/cây, hạt đó phát tán theo dòng nước, khi gặp độ ẩm, hạt cây mai dương nảy mầm và phát triển rất mạnh”.

Hiện tại các địa phương trên địa bàn thành phố đang triển khai chiến dịch loại bỏ cây mai dương. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc triệt bỏ loại cây này. Tuy nhiên, việc làm này gặp không ít khó khăn do cây có khả năng nảy mầm khỏe, sinh trưởng và phát triển mạnh vào mùa mưa, mặc khác cũng có thể nảy chồi trên các gốc đã bị chặt. Bà Lê Thị Kim Trâm, Chủ tịch Hội LHPN phường Quyết Thắng nói: “Hội LHPN phường phát động chị em tích cực ra quân cùng bộ đội, các ban ngành, đoàn thể để tiêu diệt cây mai dương. Ngoài buổi ra quân tham gia phát động Hội cũng tuyên truyền cho các chị em từ nay về sau khi phát hiện cây mai dương mọc trên phần đất nhà mình hoặc đường làng, ngõ xóm của khu dân cư thì mình phải tiêu diệt và vận động người thân diệt trừ cây mai dương”.

Trước những ảnh hưởng tiêu cực của cây mai dương, thành phố Kon Tum đang tập trung triển khai những giải pháp hữu hiệu, trong đó chú trọng xử lý triệt để ngay từ khi cây còn nhỏ, tăng cường tuyên truyền để cộng đồng nhận biết về tác hại và tích cực tham gia. Ông Nguyễn Nghiêm nói: “Chúng ta phải chặt hoặc đào hết các gốc lên, đấy là phương pháp thủ công. Phương pháp hóa học là dùng thuốc hóa học đặc hiệu, phun vào thời điểm cây mai dương phát triển mạnh, có tán lá mạnh và tháng 5 đến tháng 8, chúng ta phun để toàn bộ thuốc ngấm trên tán lá, lưu dẫn xuống tiêu diệt cây mai dương”.

Diệt trừ cây mai dương là bảo vệ lợi ích thiết thực của người dân, bảo vệ sản xuất nông nghiệp, tái tạo môi trường hệ sinh thái cho hôm nay và mai sau.

CTV Minh Phượng – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *