(kontumtv.vn) – Quản lý nhà nước đối với đất nông lâm trường được coi là “kém hiệu quả”. Tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng đất nông lâm trường đang trở nên khó kiểm soát.

Trong 10 năm, hàng triệu ha đất nông lâm trường chỉ nộp ngân sách được 1.800 tỉ đồng. Tính ra mỗi ha chỉ có 90.000 đồng, tức là khoảng 10kg gạo. Đó là hiệu quả đáng chua xót mà nguồn lực đất đai đang mang lại cho ngân sách. Lợi ích thật của nó đang chảy vào túi ai? Vai trò quản lý nhà nước ở đâu và cần giải pháp mạnh mẽ nào để khắc phục những hạn chế, tồn tại được chỉ ra từ nhiều năm nay. Đây là các câu hỏi được nêu ra sau giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014.

Có 39/53 tỉnh, thành phố có tình trạng các nông, lâm trường bị lấn chiếm đất đai, với tổng diện tích đất bị lấn chiếm là gần 300.000ha. 24/53 tỉnh, thành phố có tranh chấp đất đai của nông, lâm trường, với diện tích hơn 61.000ha. Trong số 13 triệu ha rừng hiện nay, số rừng giao trực tiếp cho các hộ gia đình quản lý chiếm 26%, cộng đồng quản lý 2%. Ủy ban Nhân dân cấp xã không phải là đơn vị được giao quản lý về đất rừng thì lại được quản lý 2,1 triệu ha trong khi đó nhiều hộ gia đình không có đất sản xuất. Tổng nộp ngân sách nhà nước của các nông, lâm trường trong 10 năm, từ năm 2004-2014 chỉ được 1.809 tỉ đồng.

that thoat, lang phi dat nong, lam truong:khong the do loi cho lich su hinh 0
Một góc lâm phần Xí nghiệp Lâm nghiệp Đắc Ha bị tàn phá

(Ảnh: Thế Thắng)

Đó là những con số đáng lưu ý từ báo cáo giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trong báo cáo của các bộ, ngành liên quan. Quản lý nhà nước đối với đất nông lâm trường thể hiện trong nhiều chính sách nhưng tựu trung đó là ba từ “kém hiệu quả”. Vì thế, tình trạng thất thoát, lãng phí trong sử dụng đất nông lâm trường trở nên phổ biến, khó kiểm soát

Là thành viên trực tiếp tham gia đoàn giám sát, ông Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình dẫn chứng thực tế khi ông tham gia đoàn giám sát đến Công ty chè Mộc Châu. “Công ty này đã chuyển đổi 100% đất nông lâm trường, nhà nước không còn giữ, thu ngân sách trên dưới 1 tỷ đồng. Năm 2014 công ty này nộp khoảng 2,4 tỷ, trong đó bao gồm cả tiền thuê đất; trong khi đó công ty này quản lý 4.800 ha”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh cho biết như vậy, đồng thời đặt câu hỏi “vậy khi đề xuất chuyển đổi mô hình thì Nhà nước được gì, phải chăng tài sản của Nhà nước đã bị chuyển sang tay tư nhân?”.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh nhấn mạnh thêm, trước đây, nông dân nhận khoán đất của nông trường. Nay, nông dân phải nhận khoán của doanh nghiệp và mỗi năm phải trả cho doanh nghiệp 2,8 triệu đồng/ha. Doanh nghiệp ung dung thu về khoảng 5 tỷ đồng/năm. Câu hỏi đặt ra là ai thực sự được hưởng lợi sau khi chuyển đổi đất nông lâm trường? Rõ ràng quyền lợi trực tiếp của các nông trường viên không được đảm bảo, ngân sách bị thất thoát và lợi ích nằm trong tay một nhóm người.

Từ thực trạng giám sát, ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đặt vấn đề về trách nhiệm của các chủ thể trong công tác quản lý: “Tình trạng lấn chiếm, tranh chấp đất đai, cấp sai đối tượng xảy ra ở rất nhiều nông lâm trường liên quan đến trách nhiệm của các địa phương. Trong báo cáo có nêu chúng ta chưa ban hành chế tài để xử lý vấn đề này, vậy theo bộ trưởng vấn đề này được đề cập như thế nào trong công tác quản lý và bộ đã có tham mưu bằng văn bản để thực hiện vấn đề này như thế nào?”.

Câu trả lời được các vị trưởng ngành chỉ ra bằng hai điểm tắc nghẽn: đây là vấn đề phức tạp, do lịch sử để lại nên việc quản lý rất khó khăn. Bên cạnh đó, do nguồn kinh phí cho việc đo đạc, xác định rõ mốc giới, khoảnh, thửa còn hạn chế nên việc quản lý, giao đất quản lý gặp nhiều vướng mắc. Ngoài ra, trách nhiệm của chính quyền địa phương với vai trò tổ chức thực hiện chưa được đề cao.

Không hài lòng với câu trả lời này, đại biểu Nguyễn Thị Khá, Uỷ viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng tình trạng thất thoát, lãng phí, sử dụng sai mục đích đất nông lâm trường quá rõ nhưng trách nhiệm quản lý nhà nước mù mờ, chưa có giải pháp rõ ràng. Không thể đổ thừa cho lịch sử để lại mà “cái khó bó cái khôn” để đó không giải quyết. Mấu chốt là ngoài vấn đề kinh phí còn cần có quyết tâm và phải có cam kết thực hiện. Đặc biệt là công tác thanh tra kiểm tra cần chặt chẽ hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá nêu rõ: “Công tác thanh tra kiểm tra còn rất mờ nhạt, chưa có thanh tra kiểm tra liên ngành hay chuyên đề về sử dụng đất nông lâm trường. Chính phủ phải biết quản lý ngành, lĩnh vực mặc dù có trách nhiệm địa phương nhưng quản lý ngành chuyên môn phải do hệ thống cấp trên. Phải có lộ trình, giải pháp cụ thể chứ không nên lẫn lộn. Chính sách chưa rõ giao khoán như thế nào, cho thuê đất chuyển quyền sử dụng đất như thế nào… không ai xử lý, kiến nghị gì, thanh tra kiểm tra chưa làm cụ thể thì làm sao xử lý được”.

Bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, cần phải rà soát lại một cách chặt chẽ và nghiêm túc thực trạng quản lý đất nông lâm trường hiện nay. Từ đó có sự phân loại rõ ràng chức năng và lợi ích của từng mô hình nông lâm trường. Chỉ khi xác định mô hình nông lâm trường quốc doanh, trong cơ chế thị trường giữ vị trí gì? chức năng, nhiệm vụ ra sao? Từ đó mới bàn đến các vấn đề khác như tài chính, giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Ngoài ra, cần phân định rõ cơ chế trách nhiệm và xử lý trách nhiệm một cách minh bạch.

Việc buông lỏng quản lý việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai tại các nông lâm trường từ câu chuyện nói mãi nhưng chưa thấy có những thay đổi đột phá về giải pháp. Trong khi đó, tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn lợi từ đất nông lâm trường vẫn đang diễn ra hàng giờ không được kiểm soát. Quan trọng là nhận thức về trách nhiệm của các cơ quan quản lý chuyên ngành, trách nhiệm của chính quyền địa phương và trách nhiệm của những nhà hoạch định chính sách chưa được giải nghĩa một cách rõ ràng. Bên cạnh đó là giải quyết được câu chuyện lợi ích của các chủ thể. Khi đó những giải pháp mạnh mới thực hiện một cách thuận lợi để tạo chuyển biến trong thực tế./.

Vân Hồng/VOV1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *