(kontumtv.vn) – Nhằm đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT nên có thêm hình xử lý nghiêm lãnh đạo, giám thị tại Hội đồng thi để xảy ra tiêu cực.

Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến xã hội về Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia (gồm 3 phương án). Điểm mới của Dự thảo này là đề thi sẽ ra theo môn hoặc theo bài; kết quả của kỳ thi sẽ được lấy làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ xét tuyển thí sinh vào trường.

Đóng góp vào sự thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc giảng dạy, học tập, thi cử ở các trường có vai trò rất lớn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn một số hiệu trưởng một số trường THPT ở Hà Nội.

Cần thêm hình thức xử lý nghiêm lãnh đạo, giám thị

Ông Nguyễn Quốc Bình

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, Hà Nội cho rằng, phương án 1 (thi 4 môn) là khả thi nhất vì phù hợp với điều kiện dạy và học đơn môn đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Nếu thay đổi phương thức thi tốt nghiệp THPT theo phương án 2 và 3 (thi theo bài) mà chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì sẽ khó đạt kết quả cao.

Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã nhấn mạnh đến đổi mới thi cử theo hướng phát huy năng lực toàn diện của học sinh. Vì vậy, đề thi theo phương pháp tích hợp các môn là xu thế chung cần hướng tới.

Tuy nhiên, khi việc giảng dạy, học tập và thi cử theo phương pháp tích hợp đã được chuẩn bị tốt và có sự kiểm tra, đánh giá thì chúng ta mới có thể thực hiện phương án 2 và 3. Nếu Bộ GD-ĐT yêu cầu thực hiện các phương án này thì phải có sự thông báo cụ thể trong một thời gian đủ để cho xã hội có sự hiểu biết, giáo viên và học sinh chuẩn bị tâm lý chứ không nên thông báo trong thời gian quá ngắn.

Nếu thi theo hình thức bài thi sẽ giúp cho học sinh phát huy năng lực, tư duy đánh một cách khoa học, tổng hợp. Các trường THPT không phải lo lắng tới việc cắt xén chương trình các môn không thi để giảng dạy cho những môn học sinh thi.

Theo ông Nguyễn Quốc Bình, để đảm bảo an toàn, nghiêm túc cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, việc tổ chức thi có thể được thực hiện ở các địa phương nhưng nên tập trung ở các thành phố, thị xã, cụm, điểm trường thi lớn có đầy đủ cơ sở vật chất và những điều kiện thuận lợi khác. Hội đồng chấm thi cũng nên tổ chức theo cụm, vùng, miền. Lãnh đạo hội đồng thi nên là cán bộ lãnh đạo các Sở GD-ĐT kết hợp trường ĐH, CĐ. Tham gia vào công tác coi thi có thể bao gồm giáo viên các trường THPT và giảng viên các trường ĐH, CĐ.

Nhằm đảm bảo an toàn cho kỳ thi, Bộ GD-ĐT cũng nên có thêm quy định về vai trò, trách nhiệm đối với các lãnh đạo, giám thị tại các Hội đồng thi cũng như hình thức xử lý nghiêm khắc như: cảnh cáo, kỷ luật, hạ bậc lương… nếu họ để xảy ra tiêu cực, không làm hết trách nhiệm của mình, gây ảnh hưởng chung tới cả kỳ thi.

Nếu thực hiện nghiêm túc kỳ thi tốt nghiệp THPT, các trường ĐH, CĐ mới tin tưởng vào kết quả này để chọn lựa thí sinh ưu tú nhất vào trường mình.

Tổ chức thi theo bài chưa thể thực hiện ngay được

Bà Nguyễn Thị Thọ

Bà Nguyễn Thị Thọ, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Trần Quang Khải, Hà Nội cho rằng, Bộ GD-ĐT nên chọn thi tốt nghiệp THPT theo phương án 1 vì phù hợp với sự phát triển của giáo dục Việt Nam hiện nay cũng như sự tương tác trong giảng dạy học sinh giữa nhà trường-giáo viên và phụ huynh.

Hiện nay, nhiều học sinh khi mới bước vào trường THPT đã lo chọn khối thi nào để có thể đỗ ĐH, CĐ nên việc học tập theo phương pháp tích hợp không được nhiều em nghĩ tới. Ngoài ra, việc giảng dạy tích hợp, đặc biệt là đối với một số trường Dân lập chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng nên rất khó có thể tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT theo bài bằng phương pháp tích hợp các môn học.

Hơn nữa, nếu như hiện nay, nhiều trường THPT dân lập có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT rất cao, lên đến 100% nhưng chỉ có vài ba em đỗ vào ĐH, CĐ thì phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy đó làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ cũng khó có thể chính xác.

Ngày thi nên giảm xuống để đỡ tốn kém cho xã hội

Ông Nguyễn Tôn Vinh, Hiệu trưởng trường THPT Đống Đa, Hà Nội nêu quan điểm, khi chọn lựa phương án khả thi nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT nên chọn lựa một cách thận trọng.

Việc chọn phương án nào phụ thuộc rất lớn vào đổi mới phương thức giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá trình độ, phân hóa, phân luồng học sinh một cách thực chất trong suốt quá trình học THPT. Dù chọn phương án thi nào thì Bộ GD-ĐT cũng nên cân nhắc tới giảm bớt số ngày thi xuống còn khoảng từ 2-3 ngày chứ không nên kéo dài vì sẽ làm tốn kém kinh phí khi tổ chức thi.

Ông Nguyễn Tôn Vinh

Theo ông Nguyễn Tôn Vinh, phương án chọn môn thi nên chắt lọc những môn cơ bản, vừa kiểm tra kiến thức toàn diện của học sinh nhưng vẫn đảm bảo chọn lọc thí sinh vào trường ĐH, CĐ.

Nếu Bộ GD-ĐT chọn lựa phương án 2 (gồm 8 môn)  và 3 (gồm 11 môn) thi theo bài thì phải có lộ trình tập huấn, phổ biến nội dung ôn tập để cho giáo viên và học sinh để không khỏi bỡ ngỡ và lúng túng.

Hiện tại, khi các trường học, giáo viên và học sinh chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT theo phương án 2 và 3 thì trong năm 2015 cũng như một vài năm nữa, Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức 2 kỳ thi: THPT và ĐH, CĐ. Bởi vì, thực tế, hai kỳ thi này mang đặc thù khác nhau.

Nếu như kỳ thi tốt nghiệp THPT là chỉ xác nhận trình độ đạt được của học sinh thì kỳ thi ĐH, CĐ lại có yêu cầu khắt khe hơn ở việc tuyển lựa và cạnh tranh để chọn người đạt điểm cao nhất vào học một ngành nghề nào đó.

Khi điều kiện giảng dạy, học tập và thi cử theo hình thức tích hợp các môn học được thực hiện tốt, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thực sự nghiêm túc, khách quan thì mới nên tổ chức kỳ thi theo phương án 2 và 3 để lấy đó làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Bởi nếu không thì dư luận xã hội có thể lại bất bình với kết quả không thực chất thi của tốt nghiệp THPT khi xét tuyển ĐH, CĐ. Và các trường ĐH, CĐ có thể lại quay sang nói kết quả giáo dục THPT không trung thực và tin cậy./.

Dự thảo 3 phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia:

Phương án 1: Thi theo môn

Thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn;

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí;

Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; kết quả 4 môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.

Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định.

Theo lộ trình đổi mới thi, các môn thi sẽ được chuyển dần thành các bài thi với mức độ tích hợp từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao phù hợp với thay đổi việc dạy và học ở nhà trường trong quá trình triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW.

Phương án 2: Thi theo bài

Trong Kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm:

– Bài thi Toán;

– Bài thi Ngữ văn;

– Bài thi Ngoại ngữ;

– Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học và Sinh học);

– Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lí);

Có 5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

Phương án 3: Thi theo bài

Trong Kỳ thi, 11 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi gồm:

– Bài thi Toán – Tin (gồm các môn Toán và Tin học);

– Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ);

– Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân);

– Bài thi Ngoại ngữ;

Có 4 buổi thi trong 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Mỗi thí sinh phải thi cả 4 bài thi nói trên./.

 

Bích Lan/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *