(kontumtv.vn) – Trước việc tài khoản Facebook có tên Cẩm Huỳnh Thị đăng clip thông tin về một lao động xuất khẩu của tỉnh Kon Tum cầu cứu khi bị tạm giữ ở A Rập Xê Út, phóng viên Đài PT-TH Kon Tum đã tìm hiểu làm rõ vụ việc.

Phóng viên phỏng vấn đại diện đơn vị đưa người đi xuất khẩu lao động
Phóng viên làm việc với đại diện đơn vị đưa người đi xuất khẩu lao động

Qua xác minh ban đầu của phóng viên Đài PT-TH Kon Tum thì người xuất hiện trong clip của tài khoản Facebook có tên Cẩm Huỳnh Thị  là Y Nghen (sinh năm 1982, hộ khẩu thường trú thôn 2, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy). Y Nghen xuất khẩu lao động sang A Rập Xê Út vào ngày 29/9/2017, thời hạn 2 năm. Đơn vị đưa Y Nghen đi xuất khẩu lao động là Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế và Hợp tác Thăng Long, văn phòng đại diện tại Kon Tum ở số 309, đường Bà Triệu, thành phố Kon Tum. Trước thông tin này, Bà Trần Thị Mỹ Hương, Trưởng văn phòng Đại diện Công ty Thăng Long tại Kon Tum cho biết: “Người trực tiếp đưa chị Nghen đi là tôi. Cụ thể ngày 24/2, tôi có gọi điện cho phiên dịch và có hỗ trợ cho chị Nghen khi chị muốn về. Tôi đã khuyên được. Tức là chị đã làm hợp đồng 2 năm mà còn 7 tháng nữa là hết hợp đồng. Qua quá trình khuyên chị đồng ý ở lại làm. Chị nhớ rừng, nhớ rẫy, trong quá trình công ty tư vấn chị an tâm ở lại. Ngày 27/2 chủ có gọi điện cho công ty báo là chị bỏ trốn và báo cho cảnh sát. Ngày 5/3 anh Minh ở Đại sứ quán Việt Nam tại A Rập báo với công ty là chị đã được cảnh sát đưa vào trại”.

Đại diện Công ty Thăng Long tại Kon Tum cho biết, hiện công ty đã bảo lãnh và làm thủ tục để đưa chị Y Nghen về với gia đình trong thời gian sớm nhất. Hiện tại chị Nghen an toàn, sức khỏe tốt. Công ty Thăng Long cho biết nguyên nhân chị Y Nghen bị tạm giữ là do bỏ trốn và chị Nghen đã bị khủng hoảng sau một thời gian lưu lạc bên ngoài.

Tỉnh Kon Tum hiện có hàng trăm lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Bình quân mỗi lao động có thu nhập trên 10 triệu đồng một tháng tại thị trường A Rập Xê Út và trên 30 triệu đồng ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản. Để được tham gia xuất khẩu lao động, người lao động phải được đào tạo nghề và chuyên môn, trong quá trình làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tuân thủ các quy định trong hợp đồng, đặc biệt là các quy định về kỷ luật lao động rất quan trọng. Việc bỏ trốn, tự ý phá bỏ hợp đồng thường bị các nước sở tại xử lý rất nghiêm theo pháp luật.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *