(kontumtv.vn) – Thời gian qua, nhiều hộ dân trồng cao su trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã áp dụng phương pháp thu mủ bằng khí ethylene để thay thế việc cạo mủ truyền thống. Thực tế triển khai, phương pháp mới  mang lại nhiều hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho các gia đình.

52 tuổi, nhưng ông Lê Văn Vân (thôn 2, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) vẫn một mình có thể khai thác 2 ha cao su 13 năm tuổi. Ông Vân cho biết, sau gần 2 năm áp dụng phương pháp thu mủ bằng khí ethylene, gia đình đã giảm được 50% thời gian khai thác mủ,  mà lượng mủ thu  tăng gấp rưỡi so với phương pháp truyền thống. Với giá mủ ở mức thấp như hiện nay, mỗi tháng, gia đình ông vẫn thu nhập bình quân từ 14 – 15 triệu đồng. Ông  Vân nói: “Trước kia làm truyền thống, cạo bằng tay và ban đêm, ai sớm thì đi 1h, ai muộn thì 2h, cạo miết đến khoảng 5-6h sáng thì mới thôi, 10h, trút mủ. Bây giờ thì làm buổi chiều, thời gian này mát thì làm bất kỳ lúc nào từ sáng, trưa, chiều, tối được hết, nhưng trời nắng lên thì chúng tôi làm từ 2h chiều, 3h-4h xong thì về nghỉ, sáng hôm sau thì đi thu mủ”.

THU HOACH MU CAO SU BANG KHI ETHYLENE DAT HIEU QUA

Phương pháp này hoạt động theo nguyên lý khí ethylene được bơm vào cây bổ sung thêm hóc môn giúp cây tái tạo mủ và phục hồi tuyến mủ, góp phần vào sự tăng trưởng của cây cao su so với bình thường. Theo các hộ dân áp dụng phương pháp thu mủ bằng khí ethylene tại Kon Tum cho biết, sử dụng đúng theo quy trình kỹ thuật thì vườn cây sẽ luôn xanh tốt, chất lượng mủ tăng lên đáng kể, ổn định và không ảnh hưởng đến chất lượng gỗ sau này. Ông Trần Văn Thông (thôn 2, xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy) cho biết: “Nhà tôi có 500 cây cao su, mọi ngày trước chưa có công nghệ bơm khí này thì phải cạo ban đêm vất vả lắm, tôi thì hôm cạo được, hôm thì không, mưa gió thì tuổi già không làm được. Từ khi có công nghệ dùng khí này thì chúng tôi làm toàn ban ngày cả, cứ tranh thủ sáng, chiều thì đều làm được cả. Từ khi làm thì chất lượng mủ được nhiều hơn, khi cạo thì 50 cân/ 500 cây, nhưng giờ có công nghệ này thì lượng mủ tăng gấp rưởi, hơn gấp rưởi. Cây rất là xanh, không có vấn đề gì cả”.

Đến nay, huyện Sa Thầy đã có vài chục hộ dân áp dụng phương pháp thu mủ bằng khí ethylene. Nhìn chung, các hộ dân đều đánh giá phương pháp này thuận lợi và sản lượng mủ tăng hơn so với cạo truyền thống. Anh Hoàng Văn Thiết (thôn Nhơn Nghĩa, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy) nói: “Phương pháp này mới sử dụng được 5 tháng thôi, thấy sản lượng cao hơn cạo truyền thống khoảng từ 20, 30%, nếu chăm sóc tốt thì được 50 – 70%. Những đám nào cạo trước không có kỹ thuật nhiều thì lên được khoảng 70%. Làm cái đây thì thấy lá cây, bộ rễ, lượng vỏ phát triển mạnh, tốt, lá xanh, rễ ra vàng đều, nhìn cây phát triển ổn định”.

Theo khuyến cáo của chuyên gia, một số hộ dân không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sẽ ảnh hưởng lớn về vườn cây. Đặc biệt, việc bơm khí ethylene quá nhiều thì thu nhập ban đầu cao nhưng vườn cây sẽ suy kiệt nhanh chóng, dẫn đến mất năng suất và sản lượng sau này. Anh Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty Vườn xanh tốt cho biết: “Phải dùng với 1 liều lượng phù hợp, tránh tình trạng dùng quá liều, cây cao su bị ảnh hưởng. Có 1 số đơn vị áp dụng phương pháp này mà không có đủ thời gian để hoàn thiện phương pháp, không nắm vững phương pháp, dẫn đến cây dễ mất mủ sau 2 – 3 tháng sử dụng, do tình trạng lấy mủ quá nhiều và liều lượng không phù hợp với giai đoạn sinh trưởng của cây. Chẳng hạn, đầu mùa, khi tháng đầu tiên mình sẽ khác, các tháng sau sẽ lấy liều lượng phù hợp thì mới mang tính chất lâu dài”.

Do sản lượng mủ thu lớn hơn so với phương pháp cạo truyền thống, người dân sử dụng phương pháp thu mủ cao su bằng khí ethylene cần chú ý bổ sung thêm lượng phân bón cho cây trồng, giúp cây tăng khả năng tiết mủ, sinh trưởng và phát triển ổn định.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *