(kontumtv.vn) – Việc đổi tráo khái niệm “thu phí” thành “thu giá” không chỉ làm thay đổi khái niệm về hành vi, mà còn tráo đổi khái niệm về sở hữu.

“Thu giá” thay thế “thu phí”, chuyện nhỏ nhưng hoàn toàn không nhỏ khi đặt những khái niệm này trong Luật phí và Lệ phí, Luật giá…Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng, thuật ngữ “thu giá” hoàn toàn không đúng cả về ngữ nghĩa lẫn nội hàm.

thu phi va thu gia co danh trao duoc khai niem hay khong hinh 1
Thuật ngữ “thu giá” hoàn toàn không đúng cả về ngữ nghĩa lẫn nội hàm, méo mó tiếng Việt.

Thuật ngữ…vô nghĩa

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, người dân bức xúc trước việc Bộ GTVT dùng thuật ngữ “thu giá” thay cho “thu phí” là có cơ sở, vì ngôn ngữ tiếng Việt “thu giá” không có ý nghĩa. Luật giá là công cụ quản lý giá dịch vụ, giá trị hàng hóa mà nhà nước đặt ra nhằm đảm bảo bình đẳng lợi ích các bên, trong đó có lợi ích nhân dân, vì vậy, không thể dùng từ “Thu giá”.

 “Theo tôi, cái sai trong dùng thuật ngữ, giá là chỉ việc đo lường giá trị của hàng hóa, dịch vụ. “Trạm thu giá” trong tiếng Việt không có từ nào như thế. Người dân phản ứng là bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt, ngôn ngữ pháp lý phải chuẩn mực”, ông Lê Thanh Vân – Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội nói.

thu phi va thu gia co danh trao duoc khai niem hay khong hinh 2
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho biết trong nội dung của Luật Giá và trong Nghị định 07 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật này, không có cụm từ nào là “Trạm thu giá”.

Các đại biểu phân tích, BOT là hình thức đầu tư của Hợp tác công – tư PPP,  trong giao kết hợp đồng BOT giữa cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, doanh nghiệp bỏ tiền ra làm đường và được thu phí sử dụng đường bộ đó. Bình thường nhà nước làm thì người dân cũng phải bỏ tiền ra nộp phí giao thông đường bộ và phí này đã được quy định trong Luật phí và lệ phí và bản chất là phí giao thông đường bộ.

thu phi va thu gia co danh trao duoc khai niem hay khong hinh 3
Ông Lưu Bình Nhưỡng – Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, phải gọi nó là phí giao thông, không thể là giá giao thông.

“Theo quan điểm tôi thì nó (thu giá) vẫn phải là một loại phí giao thông, do nhà nước quy định, chứ nếu giao cho doanh nghiệp định giá thì hóa ra ta bán con đường, cây cầu đó cho doanh nghiệp là không đúng. Đây là hợp tác công tư chứ không phải mua đứt bán đoạn, làm náo loạn thị trường, ảnh hưởng người tham gia giao thông và người tiêu dùng nói chung”, ông Lưu Bình Nhưỡng – Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích.

Không thể đánh tráo khái niệm    

Theo nhà báo Phạm Trung Tuyến, BOT là một hình thức hợp tác công tư mà doanh nghiệp đầu tư xây dựng, vận hành, rồi chuyển giao công trình cho nhà nước sau khi thu hồi vốn, và lãi theo thoả thuận với nhà nước. Như vậy, các công trình này không phải là sản phẩm của doanh nghiệp, mà là của nhà nước.

thu phi va thu gia co danh trao duoc khai niem hay khong hinh 4
Đi đường nhà nước là “trả phí”, đi đường doanh nghiệp đầu  tư là “trả giá”. Thuật ngữ kiểu …quá nhanh, quá nguy hiểm.

Doanh nghiệp chỉ là nhà thầu xây dựng trên đất của nhà nước, thay vì được trả tiền một lần cho chi phí xây dựng thì doanh nghiệp được trả dần bằng thời gian vận hành, thu phí. Việc đổi tráo khái niệm “thu phí” thành “thu giá” không chỉ làm thay đổi khái niệm về hành vi, mà còn tráo đổi khái niệm về sở hữu.

Câu hỏi đặt ra là vì sao Bộ trưởng Bộ GTVT muốn người dân hiểu những con đường của nhà nước, hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng, là sở hữu của doanh nghiệp?

Như vậy, “Thu phí” và “thu giá”, có đánh tráo được khái niệm hay không? Câu trả lời là không. Giống như tiền học phải đóng của sinh viên trường công hay trường tư đều là học phí, không thể có học giá nào cả.

Việc đổi tên trạm thu phí thành thu giá không giúp Bộ GTVT giải quyết được những bức xúc về các trạm BOT, đặc biệt là tính minh bạch, vị trí đặt trạm. Tập trung vào cách gọi tên là Bộ GTVT đang lảng tránh mấu chốt quan trọng nhất là tính minh bạch trong các dự án BOT.

Những con đường BOT hiện tại đều là những dự án quốc gia và đều có vai trò của Nhà nước trong quy hoạch và quản lý. Nhiều dự án BOT thực hiện trên Quốc lộ được xây dựng bằng thuế của người dân, doanh nghiệp chỉ cải tạo thì có gọi là “thu giời” gì đi nữa cũng không thể được.

Bộ trưởng Bộ GTVT minh bạch được điều này tức là đã có câu trả lời thỏa đáng với người dân về các dự án BOT lâu nay vốn bị nghi ngờ về tính minh bạch và lợi ích nhóm./.

Nhóm PV/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *