(kontumtv.vn) – Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, thêm một cấp phó là thêm phòng làm việc, xe cộ, phụ cấp chức vụ, chưa kể nhiều cấp phó mà cấp trưởng không làm gì…

Trao đổi xung quanh câu chuyện lạm phát cấp phó đang nóng trên nghị trường, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết Nghị định 36 của CP quy định rõ số lượng cấp phó, ví dụ ở các bộ là không quá 4, trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Do đó, các cơ quan không thể tùy tiện tăng mà phải theo các trình tự thủ tục nhất định.

cấp phó, lãng phí, Bộ Nội vụ, Thứ trưởng, Trần Anh Tuấn
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh: H.Anh

Phó nhiều do khách quan

Ông cho hay, qua khảo sát của Bộ đối với một số bộ ngành, địa phương, số lượng  cấp phó ở các đơn vị khác nhau không đồng đều. Có những đơn vị không sử dụng hết mức cấp phó do pháp luật quy định vì không thấy cần thiết phải bổ sung. Nhưng cũng có những đơn vị vì lý do khách quan, hoặc do điều kiện này khác, số lượng cấp phó nhiều hơn quy định.

Theo ông Tuấn cấp phó nhiều có ba lý do. Đó là khi sắp xếp lại bộ máy, hợp nhất một số cơ quan, phải tôn trọng chức danh phó đang có để đảm bảo ổn định tổ chức, đội ngũ cán bộ. Ngoài ra, khi tổ chức bộ đa ngành, đa lĩnh vực cần các chuyên gia làm cấp phó để giúp cấp trưởng quản lý, phụ trách các lĩnh vực chuyên sâu.

Công tác cán bộ có việc luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng cũng dẫn đến việc bổ  sung cấp phó do yêu cầu của công tác cán bộ.

“Đó đều là những nguyên nhân khách quan, nhưng tình trạng cấp phó như vậy cũng là vấn đề dư luận quan tâm. Bộ Nội vụ đang lắng nghe, nghiên cứu để tham mưu cho các cấp có thẩm quyền xem xét, đảm bảo có những quy định pháp lý phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, lĩnh vực…”

Có phải vì họp hành quá nhiều nên cần nhiều cấp phó để đi họp không?

Tôi nghĩ rằng việc họp hành rất cần có lãnh đạo đi, nhưng cần hơn là những người am hiểu, có chuyên môn về chủ đề cuộc họp. Cử người đi họp cũng không nhất thiết phải là cấp phó, nếu có cán bộ là chuyên gia giỏi, có thể tham mưu thảo luận về các nội dung của cuộc họp. Cử đúng người sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc họp. Cử những người đi họp không nắm được nội dung cuộc họp sẽ gây lãng phí.

Nói đi họp là nguyên nhân cấp phó tăng lên không hoàn toàn chính xác, tôi không đồng tình quan điểm này.

Không có chuyện quy hết cho cấp phó

Có ý kiến rằng nhiều cấp phó sẽ khó quy trách nhiệm, ông nghĩ sao?

Việc quy trách nhiệm và việc số lượng cấp phó tăng lên, không liên quan chặt chẽ  lắm, vì việc xác định trách nhiệm của người được giao những thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ nhất định phải căn cứ vào quyền hạn và trách nhiệm được giao. Nếu không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ đã được giao, sẽ bị quy trách nhiệm.

Khi đã phân công, phân nhiệm rõ ràng và không có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa những người giữ các chức danh cấp phó, cấp trưởng sẽ có thể xác định trách nhiệm một cách rõ ràng.

Cấp phó dù nhiều hay ít thì khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra trong cơ quan, tổ chức, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính. Tôi cũng nghe ý kiến rằng nhiều cấp phó thì người đứng đầu sẽ không làm gì cả mà phân hết cho cấp phó, dẫn đến việc có gì xảy ra thì chỉ cấp phó chịu. Điều đó không hoàn toàn đúng.

Cấp phó giúp cấp trưởng, cấp phó ký là người ký thay cho cấp trưởng, ông phó ký chính là ông trưởng ký. Vì thế, khi có vấn đề xảy ra, người đứng đầu vẫn phải chịu trách nhiệm, không thể quy hoàn toàn cho cấp phó.

Thêm cấp phó là thêm xe cộ

Với con số 39 nghìn cơ quan hành chính trên cả nước, ông nhận định thế nào về tác động của việc tăng số lượng cấp phó đối với ngân sách nhà nước?

Tôi nghĩ tăng cấp phó chắc chắn dẫn đến lãng phí cơ sở vật chất, tiền bạc, vì thêm một cấp phó là thêm phòng làm việc, xe cộ, phụ cấp chức vụ… Nhưng tính toán như thế với tất cả các cơ quan, đơn vị trong cả nước thì cũng chưa hoàn toàn chính xác.

Lãng phí lớn nhất là việc không phân công, phân nhiệm rõ ràng, nhiều cấp phó mà cấp trưởng không làm gì, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức không cao, phục vụ nhân dân không tốt. Đấy mới là cái lãng phí lớn nhất, rất khó đo lường.

Nên vấn đề đang đặt ra là xác định chính xác số lượng cấp phó cần thiết đủ để cùng người đứng đầu lãnh đạo đơn vị, cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ  được giao. Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để tham mưu việc quy định chặt chẽ số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức.

Thanh Vân – Chung Hoàng/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *