Những năm vừa qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cơ bản về tuyển dụng, quản lý và sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều cơ quan ở Trung ương, địa phương và doanh nghiệp đã có những chính sách tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ nhằm tuyển chọn những trí thức trẻ có năng lực vào làm việc.
Khơi dậy nguồn lực trí thức trẻ
Trong những dự án tuyển chọn trí thức trẻ về làm việc, phải kể đến dự án thí điểm 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch xã tại 62 huyện nghèo trong cả nước. Ngay từ khi khởi động vào năm 2011, dự án đã được tạo được sự quan tâm rất lớn của dư luận, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đã có hàng ngàn trí thức trẻ tham gia thi tuyển với mong muốn được trải nghiệm, được đem sức trẻ cống hiến cho công cuộc phát triển đất nước.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh (ảnh: Minh Hòa) |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, những dự án như thế này đã tạo điều kiện cho nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc được tuyển dụng làm công chức, viên chức. Đa số họ được bố trí công tác phù hợp với trình độ, chuyên môn, phát huy tốt năng lực. Nhiều người trong số họ đã được bổ sung vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, trở thành những cán bộ, công chức, viên chức chủ chốt trong các cơ quan, đơn vị.
Trong dự án 600, nhiều trí trí thức trẻ đã chủ động nghiên cứu, vận dụng kiến thức chuyên môn, kỹ thuật vào việc hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Những đóng góp của các trí thức trẻ đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Trong những dự án đã và đang phát huy hiệu quả phải kể đến đề án “Trồng gừng trong bao”, “Phát triển cây cao su” của đội viên Lê Tiên Tiến – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hải Phúc, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị; Đề án “Nhân rộng các mô hình mía nguyên liệu, rau an toàn và bò sinh sản” của đội viên Trần Điệp Trùng Dương – Phó Chủ tịch xã Quế Sơn, Quế Phong, Nghệ An; Đề án “Phát triển Du lịch cộng đồng” của đội viên Nguyễn Thị Huyền – Phó Chủ tịch xã Xuân Cầm, Thường Xuân, Thanh Hóa…
Cùng với đó, các trí thức trẻ chủ động tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã kiện toàn các Ban Chỉ đạo thực hiện các mục tiêu về văn hóa – xã hội, chỉ đạo và trực tiếp tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách pháp luật đến người dân. Đội viên Dự án Hờ A Nhà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn xã tổ chức vận động học sinh đến lớp đạt tỷ lệ cao, tỷ lệ đến lớp mầm non và trung học cơ sở đạt trên 90%; hệ tiểu học đạt trên 97%; đội viên Nguyễn Thị Thanh Lam – Phó Chủ tịch xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Yên Bái tham gia vận động người dân làm và hoàn thiện 300 công trình nhà vệ sinh cải thiện môi trường…
Thêm nhiều cơ hội cho trí thức trẻ
Những chính sách tuyển chọn và bố trí những trí thức trẻ trong thời gian vừa qua thực sự đã và đang phát huy tốt hiệu quả, tạo được sự quan tâm rất lớn của dư luận, nhất là các trí thức trẻ. Tuy nhiên, nếu so với con số hàng trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp Đại học mỗi năm, thì các bạn trẻ rất mong muốn có thêm nhiều cơ hội như vậy để thử sức.
Sinh viên Nguyễn Ngọc Anh, Đại học kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết, Ngọc Anh sắp tốt nghiệp Đại học và cũng rất quan tâm đến dự án 600 và các dự án tuyển chọn trí thức trẻ vào các cơ quan Nhà nước. “Tuổi trẻ với nhiều khát vọng được trải nghiệm, được cống hiến. Những dự án dự thế đã mở cánh cửa việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, là cơ hội thiết thực nhất vì chúng em được tiếp cận với một địa chỉ cụ thể. Em mong có nhiều dự án thiết thực như vậy để trí thức trẻ có cơ hội được thử sức, được đóng góp xây dựng đất nước”.
Sau thành công của Đề án 600 tuyển chọn tri thức trẻ về làm phó Chủ tịch xã nghèo, Thủ tướng vừa phê duyệt đề án Thí điểm tuyển chọn 500 trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020.
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ (ảnh: Minh Hòa) |
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác Thanh niên, Bộ Nội vụ cho biết, khác với Đề án 600 là ưu tiên tuyển chọn những người có tố chất lãnh đạo, có thể đội viên không nhất thiết phải tuyển chọn để làm việc đúng chuyên ngành, thì việc tuyển chọn 500 trí thức lần này lại tập trung vào việc tuyển chọn đúng theo chuyên ngành. Chẳng hạn đội viên học kinh tế, sẽ làm văn phòng thống kê, xác suất; nếu làm về tư vấn hộ tịch thì phải học tư pháp và các ngành tương đương; hoặc tuyển các chức danh về tài chính kế toán thì cũng phải học về kế toán và các chuyên ngành tương đương, chứ không thể học các chuyên ngành khác.
“Trong dự án 500, trí thức trẻ sẽ về làm chuyên môn một cách thuần túy. Các đội viên sẽ được bố trí việc làm theo nhu cầu sử dụng nhân lực của từng xã. Họ sẽ làm đúng theo chuyên ngành học đã học, giúp địa phương phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới”- Ông Vũ Đăng Minh nói.
Hy vọng tìm được nhân tố mới
Thêm một tin vui cho nhiều trí thức trẻ là sắp tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục triển khai dự án tuyển 1.000 trí thức trẻ vào nhiều lĩnh vực công tác của các cơ quan Nhà nước. Bộ Chính trị đã có kết luận số 86-KT/TW về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ và Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ phê duyệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Đàm Văn Bông (bên trái) nghe các Phó Chủ tịch xã trẻ trao đổi về công tác vận động bà con nhân dân tham gia thực hiện các dự án phát triển kinh tế (ảnh: Đông Hà) |
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, từ nay đến năm 2020, 1.000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ sẽ được tuyển chọn vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội từ Trung ương đến cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước; lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước.
Các trí thức trẻ trong “dự án 1000” cũng có nhiều cơ hội để phát huy khả năng của mình. Sau khi tuyển dụng từ 1-2 năm, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ và căn cứ vào nhu cầu, nhiệm vụ của đơn vị, họ có thể được xem xét, bổ nhiệm làm cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương ở cấp huyện trở lên, kể cả cán bộ đó chưa là đảng viên.
Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, với việc tuyển chọn đầu vào và qua quá trình đào tạo, trải nghiệm thực tế ở nhiều lĩnh vực, hy vọng các trí thức trẻ trong các dự án tuyển chọn sẽ là nguồn cán bộ cho các chức danh quan trọng ở địa phương và Trung ương.
Chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ nhằm bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn cán bộ, chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực phục vụ lâu dài cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Vì thế, cần có cơ chế đặc thù, đầu tư thỏa đáng tạo bước đột phá về chính sách và trong tổ chức thực hiện để đủ sức thu hút người hiền tài./.
Minh Hòa/VOV online