(kontumtv.vn) – Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hai châu lục Á – Âu tiếp tục là hai điểm sáng của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

Ngay trước thềm Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM) lần thứ 12, sáng 18/10 (theo giờ địa phương), tại Cung điện d’Egmont, thủ đô Brussels, Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Thủ tướng Na Uy Erna Solberg là hai nhà Lãnh đạo ASEM đã được mời phát biểu chính tại Diễn đàn Doanh nghiệp Á – Âu (AEBF) lần thứ 16.

asem can tro thanh cay cau noi huu duyen de hai ben nang tuong ngo hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo đầu tiên phát biểu chính tại Diễn đàn.

Với chủ đề “Kết nối – Tạo dựng cầu nối giữa châu Á và châu Âu”, Diễn đàn có sự tham dự của hơn 400 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu, đại diện cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục.

Phát biểu chào mừng các lãnh đạo và doanh nghiệp tham dự Diễn đàn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao vai trò chỉ đạo và sự quan tâm của các nhà Lãnh đạo thành viên ASEM trong thúc đẩy kết nối, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp Á – Âu tham gia ngày càng hiệu quả vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Là lãnh đạo đầu tiên phát biểu chính tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hai châu lục Á – Âu tiếp tục là hai điểm sáng của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, chia sẻ lịch sử lâu dài của sự giao thoa, gắn kết giữa hai nền văn minh lớn nhất của nhân loại.

Thủ tướng hoan nghênh chiến lược kết nối châu Âu và châu Á của Liên minh châu Âu (EU) vừa được thông qua, đồng thời khẳng định tăng cường kết nối là một trọng tâm thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEM năm nay với quyết tâm đưa kết nối gắn với kết nối số trở thành định hướng hợp tác mới của ASEM, tạo động lực mới nhằm tăng cường tính thiết thực và vai trò của ASEM trong thập kỷ thứ ba.

Thủ tướng cũng cho rằng, việc hai châu lục cùng chủ động thúc đẩy đàm phán, ký kết nhiều Hiệp định FTA quy mô lớn đang mở ra cơ hội to lớn cho liên kết và phát triển.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) của châu Á và nhiều FTA, thỏa thuận đối tác kinh tế giữa EU Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand và một số nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam… hứa hẹn sẽ tạo ra không gian kinh tế tự do, rộng mở cho các doanh nghiệp hai bên.

Thủ tướng nhấn mạnh, ASEM cần trở thành cây cầu nối “hữu duyên” để đôi bên “năng tương ngộ”, thúc đẩy kết nối sức mạnh của hai khối kinh tế, tạo nên xung lực mạnh mẽ cho phát triển toàn cầu.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của doanh nghiệp là nguồn động lực tạo nên tăng trưởng và hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững và thịnh vượng, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Á – Âu, với tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động, cần chủ động, tích cực đẩy mạnh kết nối Á-Âu nhằm hiện thực hóa các tiềm năng phát triển của hai châu lục.

Nêu quan điểm đó, Thủ tướng đề nghị tăng cường kết nối Chính phủ và doanh nghiệp.

“Với vai trò kiến tạo phát triển, các Chính phủ tạo các cơ chế, chính sách thuận lợi, ký kết các thỏa thuận quốc tế, mở đường cho các doanh nghiệp định hướng kinh doanh. Các doanh nghiệp gắn kết các dự án đầu tư, kế hoạch kinh doanh với những các phương hướng, kế hoạch phát triển quốc gia, tích cực hợp tác công tư về đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao, kết nối số, giáo dục, y tế, năng lượng, nông nghiệp, chế tạo, chế biến… Tôi đề nghị tổ chức đối thoại định kỳ giữa Lãnh đạo các nước và cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục Á, Âu trong các dịp Hội nghị cấp cao ASEM để trao đổi sâu rộng về các vấn đề cùng quan tâm, phù hợp với lợi ích của hai châu lục”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng đề nghị sớm đẩy mạnh hơn hoạt động của kênh Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM và đối thoại giữa các Bộ trưởng Kinh tế với cộng đồng doanh nghiệp hai châu lục nhằm triển khai hiệu quả các định hướng hợp tác kết nối ASEM trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng cho rằng cần chủ động kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, phát triển quan hệ đối tác nhằm triển khai các thỏa thuận thương mại tự do giữa các nền kinh tế Á – Âu.

asem can tro thanh cay cau noi huu duyen de hai ben nang tuong ngo hinh 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự Diễn đàn.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng kinh tế Việt Nam trước tình hình kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất định.

Với 16 Hiệp định thương mại tự do đã ký, đang đàm phán và sẽ triển khai thời gian tới, trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do ưu đãi cao với thị trường gần 60 quốc gia, đối tác lớn, là cơ hội đẩy mạnh kết nối, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới cung ứng toàn cầu.

“Thật vui mừng là ngay tại phiên họp tháng 11/2018 này, Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn Hiệp định CPTPP, một hiệp định có tiêu chuẩn cao, cân bằng lợi ích, và Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia hoàn thành việc phê chuẩn đầu tiên. Niềm vui nối tiếp tin vui, ngày 17/10, Ủy ban châu Âu đã thông qua Hiệp định EVFTA. Đây là bước tiến quan trọng để hai bên có thể sớm ký kết trong cuối năm 2018 và phê chuẩn trong nửa đầu năm 2019”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhấn mạnh chính sách đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, Thủ tướng cho biết, Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tiệm cận với các tiêu chuẩn cao trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, phấn đấu vươn lên nhóm đầu trong ASEAN và hướng tới các tiêu chuẩn cao của OECD về môi trường kinh doanh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp chuyển dịch lên những nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu.

Chính những thuận lợi đó nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Theo khảo sát tháng 3/2018 của Eurocham tại Việt Nam, 90% doanh nghiệp châu Âu muốn tăng đầu tư vào Việt Nam. Với tiềm năng hợp tác này, Thủ tướng cho rằng, việc triển khai Hiệp định khung về Hợp tác và Đối tác toàn diện (PCA), việc sớm chính thức ký kết và phê chuẩn EVFTA sẽ là bước đột phá.

Tán thành với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, bà Erna Solberg, Thủ tướng Na Uy cho rằng cần thúc đẩy hợp tác Á-Âu hơn nữa.

“Thưa ngài Thủ tướng và toàn thể quý vị, nếu hợp lại cùng nhau, châu Âu và châu Á chiếm đến 60% năng lực sản xuất cũng như trao đổi thương mại toàn cầu. Và con số này đã tăng rất mạnh trong thập kỷ qua. Tất cả chúng ta cũng đều hiểu rất rõ một trong các nguyên nhân tại sao lại có đói nghèo, đó là thiếu công ăn việc làm. Thương mại tạo ra nhiều việc làm, và nhiều người có thêm thu nhập. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta (Á-Âu) tiếp tục hợp tác với nhau theo các cách thức thông minh hơn trong tương lai để có một nền thương mại lành mạnh. Với Na Uy, hợp tác với châu Á là điều tự nhiên bởi 9/10 công ty vận tải biển lớn nhất là công ty châu Á. Nhưng trong tương lai, cần phải hạn chế tối đa các tác động môi trường đến các đại dương, ứng phó tốt hơn với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, ngày nay chỉ có 5% thực phẩm được tiêu thụ trên toàn thế giới là đến từ biển. Vì thế, chúng ta không thể đạt được mục tiêu xoá bỏ nạn đói toàn cầu nếu không tăng cường phần đóng góp của hải sản. Người Việt Nam, người Bỉ, tất cả chúng ta đều yêu thích hải sản”- Thủ tướng Na Uy nói

Diễn đàn Doanh nghiệp Á – Âu lần thứ 16 cùng với Hội nghị Đối tác Nghị viện Á – Âu lần thứ 10 (ngày 27 – 28/9), Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Quỹ Á – Âu lần thứ 3 (ngày 15 – 19/10) và Diễn đàn Nhân dân Á – Âu lần thứ 12 (ngày 29/9 – 01/10) là những hoạt động thiết thực hướng tới Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác ASEM lần thứ 12, diễn ra trong hai ngày 18 và 19 tháng 10 tại thành phố Brussels./.

 

Vũ Dũng-Quang Dũng/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *