(kontumtv.vn) – Như tin đã đưa, hôm nay (7/8), tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư.Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là lần đầu tiên sau 8 năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị ngành ở cấp toàn quốc mà thành phần tham dự là lãnh đạo của nhiều bộ, ngành liên quan, lãnh đạo các đoàn thể chính trị, xã hội cùng Chủ tịch UBND của trên 50 tỉnh, thành phố trong cả nước và lãnh đạo của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Theo chương trình, Hội nghị tập trung vào những nội dung chính là: Quán triệt Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và nghe giới thiệu Dự thảo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; quán triệt Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và nghe giới thiệu Dự thảo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; Nghị định về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; phổ biến các nội dung chính của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu sửa đổi; hướng dẫn phương pháp tính tổng chỉ tiêu sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh; thảo luận, hỏi đáp…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoanh nghênh Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch và Đầu tư với các nội dung có ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của đất nước là: Quán triệt, triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020; thảo luận về phương pháp tính tổng chỉ tiêu sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh, thành phố và phổ biến 2 luật quan trọng là Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu sửa đổi.

Đề cập đến các nội dung cụ thể về triển khai xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc triển khai xây dựng kế hoạch là việc làm quan trọng, cần thiết và việc triển khai ở thời điểm này là kịp thời, thể hiện tính chủ động cao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ yêu cầu: Việc xây dựng kế hoạch ở cấp Trung ương và địa phương phải được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương trên cơ sở căn cứ vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ mà Đại hội XI của Đảng đã thông qua; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020 cũng đã được Đại hội XI của Đảng thông qua; các Nghị quyết chuyên đề của Trung ương; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020…

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đồng thời, căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 trên tinh thần kết quả đó phải được đánh giá thẳng thắn, khách quan, toàn diện cả những mặt làm được và những mặt còn hạn chế, yếu kém; chỉ rõ những nguyên nhân của hạn chế, yếu kém; bài học kinh nghiệm qua 5 năm quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó phải căn cứ vào quan điểm phát triển đã được nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, trong đó có 5 quan điểm phát triển lớn là: Phải đổi mới toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế, chính trị để tạo động lực mạnh, huy động cao nhất mọi nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Phải phát triển bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh tăng trưởng, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Quán triệt và thực hiện quan điểm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trước hết phải thực hiện đầy đủ các quy luật, nguyên tắc của thị trường, đồng thời Nhà nước có công cụ, chính sách để điều tiết, đảm bảo công bằng xã hội; quan điểm về Nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, phát huy quyền làm chủ của người dân. Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực cho xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, Kế hoạch 5 năm 2011-2015 ở thời điểm hiện tại mới đi được chặng đường 3,5 năm. Chúng ta triển khai xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020 trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến khó lường, trong nước, bên cạnh những thuận lợi chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, cần tập trung phân tích, dự báo, chủ động có các phương án phù hợp trong quá trình xây dựng Kế hoạch 5 năm 2016-2020. Để xây dựng được kế hoạch cho 5 năm 2016-2020 sát, đúng, các bộ, ngành địa phương phải thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động tính toán kế hoạch; hết sức nỗ lực bằng các giải pháp để đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế-xã hội đã đề ra cho năm 2014 và 2015 cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của tỉnh, thành phố… đã đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Vấn đề lớn thứ hai là việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, thời gian qua, chúng ta đã bước đầu xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch đầu tư trung hạn; bước đầu đã mang lại kết quả tích cực, mang lại nhiều lợi ích mà quan trọng nhất là các bộ, ngành, địa phương biết được nguồn vốn phân bổ, trên cơ sở đó lựa chọn những danh mục ưu tiên để đưa vào kế hoạch, chủ động quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu đầu tư công; qua cách làm này cũng đã khắc phục được tình trạng đầu tư giàn trải, phải xin đầu tư hằng năm tốn nhiều thời gian, gặp phiền hà.

Trên cơ sở những kết quả bước đầu đạt được trong triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn và vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ tinh thần chung là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Kế hoạch đầu tư trung hạn phải được thực hiện cả ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp cơ sở, đảm bảo đầu tư công hiệu quả hơn, khắc phục được đầu tình trạng đầu tư dàn trải, những thủ tục hành chính rườm rà.

Về nguồn vốn, các nguồn vốn cũng phải là trung hạn, trong đó có nguồn vốn ngân sách của cả Trung ương và địa phương; nguồn trái phiếu, có trái phiếu Chính phủ và trái phiếu địa phương, phát hành trên cơ sở tính toán an toàn nợ công, nợ quốc gia; nguồn thứ 3 là vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài cũng phải tính trung hạn. “Tóm lại 3 nguồn này phải tính toán, phải tính được không đúng chính xác 100% thì cũng phải 90-95% nguồn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Về định hướng đầu tư trung hạn, phải nhằm phục vụ cho các mục tiêu phát triển-kinh tế xã hội đặt ra trong 5 năm, đặc biệt là bám sát, phục vụ đầu tư cho các khâu đột phá chiến lược, đó là hoàn thiện thể chế, đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội, trong đó lưu ý dùng ngân sách sách đầu tư cho những công trình quan trọng thiết yếu, phục vụ đắc lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cho đời sống người dân…

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý, các chương trình mục tiêu quốc gia cũng phải tính toán trung hạn, tức là kế hoạch 5 năm, không phải xin cho từng năm; 16 chương trình mục tiêu quốc gia hiện đang thực hiện có biểu hiện dàn trải, trùng lẫn, Chính phủ sẽ trình Trung ương thu hẹp các chương trình này và chỉ còn thực hiện 2 chương trình là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc tính tổng chỉ tiêu sản phẩm trên địa bàn cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn có những điểm không thích hợp do đã áp dụng cách tính này trong thời gian dài từ thời bao cấp đến nay; vì vậy Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội nghị tập trung thảo luận, đề ra cách tính phù hợp, sát thực tế, đảm bảo tính khoa học và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Hội nghị phổ biến sâu rộng các nội dung của Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu sửa đổi, sớm xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật, trong đó đặc biệt chú ý đến nội dung về đấu thầu, chỉ định thầu.

Tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của toàn thể cán bộ lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động ngành Kế hoạch và Đầu tư vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội đất nước; mong muốn ngành tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa để cùng các bộ ngành, địa phương phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Theo chương trình, Hội nghị sẽ diễn ra đến hết ngày mai (8/8).

 Nguyễn Hoàng/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *