(kontumtv.vn) – Lần đầu tiên, vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế được Chính phủ thảo luận trước khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội.

Sáng nay (1/6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2016. Lần đầu tiên, vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế được Chính phủ thảo luận trước khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành.

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, quyết tâm xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ nhân dân, phục vụ sự phát triển để nhân dân có cuộc sống vật chất, tinh thần tốt hơn, an toàn hơn.

Thủ tướng nhấn mạnh, phải tập trung giải quyết các điểm nghẽn của xã hội, mà trước hết là thể chế pháp luật. Thủ tướng cho rằng, nước ta có đường lối phát triển tốt nhưng phát triển chưa như mong muốn, đó là do chậm cải cách hành chính, bao gồm cả bộ máy, thể chế, thủ tục hành chính; bộ máy thực thi thiếu tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp, tính minh bạch, trách nhiệm người đứng đầu còn hạn chế. Chính vì vậy, Chính phủ dành cả ngày đầu tiên của kỳ họp này bàn về vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế. Trong đó, kiểm điểm xem Chính phủ còn nợ các văn bản pháp luật nào để có hướng khắc phục. Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ thì hiện Chính phủ nợ 51 Nghị định hướng dẫn thi hành luật.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đã yêu cầu từng Bộ trưởng công khai tình hình nợ đọng các văn bản pháp luật thuộc trách nhiệm của ngành mình, giải trình và đưa ra lộ trình hoàn thiện, đặc biệt là các văn bản liên quan đến Luật Doanh nghiệp, Luật đầu tư sửa đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Sau khi giải trình về việc nợ đọng các văn bản luật, nhiều bộ ngành cam kết ngay trong ngày hôm nay sẽ trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ một số văn bản; và nhiều văn bản pháp luật khác sẽ trình trong tháng 6/2016.

Kết luận phần thảo luận về xây dựng thể chế, Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng thể chế là nhiệm vụ trong tâm của Chính phủ, từ Thủ tướng đến các Bộ trưởng, Vụ trưởng đều phải tập trung giải quyết sớm. Quyết tâm của Chính phủ là sẽ ban hành tất cả các văn bản trước 1/7 khi nhiều luật có hiệu lực, tránh tạo khoảng trống pháp lý. Số lượng các văn bản phải hoàn thành trong thời gian ngắn khá lớn, nhưng Thủ tướng yêu cầu đảm bảo chất lượng:

“Số lượng phải đi liền với chất lượng, không vì chất lượng mà cứ “ngâm” mãi văn bản, là vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, chúng ta đưa ra một số giải pháp, như trực tiếp thảo luận. Kinh nghiệm lâu năm là có những việc nếu trực tiếp thảo luận với nhau sẽ tháo gỡ được. Nhất là vai trò của hai Bộ trưởng làm công việc quan trọng này để thảo luận, là Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp chủ trì một số cuộc gặp liên ngành để thảo luận, chứ giấy tờ không xử lý được hết. Thứ hai, rút gọn quy trình làm văn bản, nhưng không không thể bỏ quy trình, đặc biệt là vấn đề công khai minh bạch trong dân chúng, kể cả đối tượng tác động, mà chủ yếu dưới hai hình thức, một là chuyên gia lấy ý kiến, hai là qua cổng thông tin để nhân dân và đối tượng tác động lấy ý kiến”.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, tập trung nguồn lực, hoàn thiện các hồ sơ dự thảo Nghị định trình Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, bảo đảm tiến độ, cần quan tâm chất lượng, không để sai sót. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp rút ngắn thời gian thẩm định và bảo đảm chất lượng thậm định. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp thường xuyên đôn đốc và báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ sớm hoàn thiện các dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 6/2016:

“Các bộ phải thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19 và 35 về phát triển doanh nghiệp. Theo đó, kiên quyết cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh và bãi bỏ giấy phép con không hợp lý; các quy định về điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường khâu hậu kiểm. Tinh thần là hậu kiểm, không phải tiền kiểm, để tạo động lực cho sự phát triển. Không dùng mệnh lệnh hành chính, Luật pháp, thông tư, nghị định, phải giải phóng sức sản xuất, phải tạo điều kiện cho động lực phát triển. Thể chế tốt, cùng đội ngũ tốt, nhất định nước ta sẽ phát triển. Phải thúc đẩy giao dịch qua môi trường mạng, không phải môi trường giấy, mới giải phóng sức sản xuất và tránh tiêu cực, tham nhũng”.

Thủ tướng lưu ý các Bộ, theo quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì không còn dạng thông tư liên tịch giữa các Bộ như trước đây để tăng cường trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng ký thông tư.

Cũng trong chiều nay, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến vào Báo cáo kết quả hoạt động của Ban chỉ đạo điều hành giá năm 2015, 4 tháng đầu năm 2016 và phương hướng điều hành giá năm 2016, do Bộ Tài chính trình bày. Sau khi lấy ý kiến các thành viên Chính phủ, Thủ tướng đã có kết luận rất quan trọng, đó là không tăng giá bán lẻ điện, phí đường bộ các dự án BOT và một số mặt hàng khác, tránh gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng năm nay.

Trình bày báo cáo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đã thống nhất với Bộ Công thương đề xuất Chính phủ không tăng giá bán lẻ điện những tháng còn lại của năm 2016, không lập quỹ bình ổn giá điện. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đề nghị Chính phủ chưa điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế cùng một đợt vào 1.7, mà phải chia làm nhiều đợt.

Về mặt hàng đường, Bộ Công thương tính toán, nhu cầu đường trong nước thiếu hụt khoảng 200 đến 300 nghìn tấn đường. Tháng 5 vừa rồi, giá đường đã tăng từ 700 đến 1.200 đồng/kg, tùy loại. Để tránh tác động của việc thiếu đường đến chỉ số giá tiêu dùng, Bộ Công thương đề nghị Chính phủ cho nhập khẩu đường từ bên ngoài, trước mắt nhập 100 nghìn tấn để cân đối cung cầu trong nước.

Đối với mặt hàng muối, theo tính toán thì cả dự trữ và sản lượng năm nay khoảng 2,2 triệu tấn, trong khi nhu cầu trong nước chỉ 1,5 triệu tấn. Điều này khiến giá muối giảm thấp, chỉ 400 đồng/kg. Để hỗ trợ diêm dân, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng cho thực hiện vay tạm trữ muối, có hỗ trợ lãi suất ngân hàng, mua tạm trữ 200 nghìn tấn, giúp giá muối tăng lên 800 đồng.

Các thành viên cũng đề nghị giá xăng dầu, giá nước, cần ổn định; kiểm soát phí đường bộ các dự án BOT.

Đối với phí dịch vụ y tế, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ có biện pháp để chi phí dịch vụ y tế không tăng quá cao. Về học phí, chi phí giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ tháng 12 năm ngoái chỉ 20 tỉnh tăng học phí, mức tăng không cao, còn 43 tỉnh chưa tăng, nên tăng học phí chưa tác động nhiều đến CPI. Bộ sẽ kiềm chế tăng học phí nếu chất lượng không tăng.

Kết luận về điều hành giá, Thủ tướng Chính phủ biểu dương những kết quả điều hành giá thời gian qua. Tuy nhiên, yêu cầu đặt ra là điều hành giá để đảm bảo lạm phát năm nay không quá 5% như Nghị quyết Quốc hội. Phương hướng điều hành vẫn là theo thị trường, nhưng các bộ, ngành cần có sự chủ động, dự báo, dự trữ nguồn hàng tốt để giá cả thực chất, tránh đẩy giá cao giả tạo. Về giá xăng dầu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị định 83, theo sát diễn biến thị trường, sử dụng tối đa quỹ bình ổn giá, tinh thần là giữ ổn định.

Còn về giá điện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Không tăng giá bán lẻ điện, không thành lập quỹ bình ổn giá định. Có thể giá bán buôn tăng, nhưng giá bán lẻ không tăng”.

Về mặt hàng đường, Thủ tướng đồng ý giao Bộ Công thương nhập 100 nghìn tấn để ổn định thị trường. Đặc biệt là chú trọng sản xuất trong nước.

Về giáo dục, Thủ tướng chỉ đạo bám sát thị trường, thúc đẩy đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, tính kết cấu chi phí theo giá dịch vụ với lộ trình thích hợp, tránh điều chỉnh học phí cùng thời điểm giá dịch vụ y tế, để hạn chế tác động đột biến đến giá cả tiêu dùng. Với giá dịch vụ đầu vào năm học mới, Bộ Giáo dục và đào tạo cần chuẩn bị nguồn hàng chủ động, tránh tăng giá.

Về dịch vụ khám chữa bệnh, Bộ Y tế cần bước đi phù hợp trong điều chỉnh giá dịch  vụ y tế, không tăng đồng loạt 63 tỉnh thành. Thủ tướng giao Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương để đưa ra lộ trình giá dịch vụ y tế phù hợp. Thủ tướng cũng yêu cầu đấu thầu giá thuốc công khai:

“Cho đấu thầu giá thuốc công khai để bảo vệ người tiêu dùng, nhất là người bệnh. Tiếp tục triển khai thực hiện quy định mời về đấu thầu thuốc, giảm giá thuốc. Nhất là bệnh viện công lập, không có người nhà bệnh nhân nào đi mua thuốc hỏi giá, trong tình trạng tiêu cực, móc ngoặc kê đơn, dược trình viên… thì việc đấu thầu giảm giá thuốc cho người bệnh là quan trọng. Tôi đề nghị Bộ Tài chính chủ trì cùng phối hợp Bộ Y tế cùng Bảo hiểm xã hội VN trình phương án đấu thầu thuốc tập trung dùng cho BHYT để công khai. Lần này phải thực hiện cho được để giảm giá thuốc cho người bệnh”.

Đối với vấn đề dư luận rất quan tâm là phí đường bộ, Thủ tướng cũng chỉ đạo không tăng phí đường bộ đối với các dự án BOT. Thủ tướng đồng giao ý Bộ GTVT tổng kết về các dự án BOT lĩnh vực giao thông báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với giá lương thực, sản lượng trong nước hoàn toàn đủ đáp ứng, nên các bộ, ngành địa phương không được để xảy ra tình trạng đẩy giá tăng bất thường. Thủ tướng cũng đồng ý thu mua tạm trữ 200 nghìn tấn muối để tăng giá muối, hỗ trợ diêm dân. Đối với giá sữa cho trẻ em, Thủ tướng chỉ đạo giữ nguyên chưa tăng giá./.

Vũ Dũng/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *