(kontumtv.vn) – Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hôm 2/4, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2015.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 3/2015. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã đưa ra nhiều đánh giá, nhận định, dự báo tình hình; cho rằng kinh tế thế giới mặc dù còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, khó lường, song xu thế chung là tiếp tục phục hồi, tác động tích cực đến phát triển kinh tế nước ta.

Tăng trưởng đạt cao ngay trong quý I

Trong nước, những yếu tố cơ bản như kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt cao ngay trong quý I (ước đạt 6,03%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ năm 2011 trở lại đây); lạm phát được kiểm soát tốt theo mục tiêu điều hành; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; các khó khăn cho thúc đẩy phát triển sản xuất kinh được chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ,… tạo điều kiện, tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Khẳng định các mặt hàng nông sản có tỷ trọng và vị trí khá quan trọng trong cơ cấu GDP, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đang quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm hàng hóa. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề xuất Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các giải pháp hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nhất là hỗ trợ trong tiếp cận tín dụng, thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu đối với nông sản, đặc biệt là đối với xuất khẩu gạo và các mặt hàng nông nghiệp chủ lực.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, bên cạnh mở rộng thị trường, Bộ cũng đang chỉ đạo đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác tốt hơn các thị trường hiện có; tập trung tháo gỡ các rào cản về thị trường; chủ động tham gia đàm phán các Hiệp định thương mại tự do theo hướng thúc đẩy mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Đi liền với các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát tốt nhập khẩu, các biện pháp thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, gắn liền với thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng lậu cũng sẽ được tập trung tăng cường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp, quản lý báo chí

Liên quan đến tới lĩnh vực thông tin, an ninh thông tin, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng, bên cạnh tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong hiện đại hóa nền hành chính cũng cần dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, nhất là an ninh mạng và đây cũng là công tác được nhiều nước trên thế giới đặc biệt quan tâm.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong triển khai chỉ đạo của Trung ương về quy hoạch báo chí, bảo đảm cho báo chí phát triển ngày càng hiệu quả, phải tinh và chất lượng, tránh gây lãng phí nguồn lực.

Về công tác này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, các Bộ, ngành, địa phương,… phải gương mẫu, triển khai thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp, quản lý báo chí theo đúng tinh thần chỉ đạo; trong triển khai thực hiện phải đặc biệt chú ý đến việc làm tốt công tác tư tưởng cũng như đảm bảo công ăn, việc làm cho cán bộ, phóng, viên, biên tập viên, người lao động ở các cơ quan báo chí được sắp xếp.

Thủ tướng cho biết, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt trong triển khai thực hiện Nghị quyết 19 nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt quản lý hành chính Nhà nước theo hướng thuê dịch vụ. Đây là hướng đi đúng, bảo đảm được tính chuyên nghiệp, hiệu quả.

Qua hoạt động giám sát, Chủ tịch Ủy ban TWMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ hỗ trợ ngư dân trong đóng tàu ra vỏ thép ra khơi bám biển, bởi công tác này hiện nay đang triển khai thực hiện là chậm; hình thức hỗ trợ cần linh hoạt hơn, phù hợp hơn với yêu cầu, nguyện vọng và mong muốn của ngư dân, không nên áp dụng các cách thức, mô hình hỗ trợ cứng nhắc.

Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Muốn phát triển ổn định, trước hết phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, các bộ, ngành, địa phương ngay từ đầu năm đã nghiêm túc, trách nhiệm, khẩn trương triển khai các Nghị quyết của Trung ương; kịp thời cụ thể hóa các Nghị quyết bằng các chương trình, hành động cụ thể. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền và toàn dân, bức tranh chung tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.

Nổi bật, GDP quý I tăng trưởng 6,03%, con số này đã được rà soát kỹ trên cơ sở cách tính khoa học, theo thông lệ quốc tế. Đây là con số cao nhất so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây, tăng chủ yếu là do tăng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

“Những kết quả đạt được là tích cực, tình hình sáng sủa, nhưng không được chủ quan; nhiệm vụ phía trước còn rất khó khăn, rất nặng nề. Tôi đề nghị các đồng chí theo dõi thêm; kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi nhưng còn rất phức tạp, phải cập nhật liên tục. Tinh thần chung là tiếp tục khẳng định mục tiêu đã đề ra từ đầu năm mà phấn đấu và phấn đấu để đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đề cập tới các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo đảm bảo sự ổn định của kinh tế vĩ mô; không được chủ quan lơ là, chúng ta mừng là kiểm soát tốt nhưng đây là bài học, muốn phát triển ổn định trước hết phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Phải giữ kinh tế vĩ mô cho tốt, trong đó có cả tỷ giá, lạm phát, lãi suất, tăng trưởng tính dụng, cân đối thu chi ngân sách, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu giữa chính sách tài khóa và tiền tệ.

Tập trung mạnh mẽ hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất, kinh doanh, cho phát triển du lịch, dịch vụ… Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy đà tăng trưởng, phát triển đang mạnh của công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; đi liền với đó là dồn sức tháo gớ khó khăn cho nông nghiệp, cho mở rộng thị trường xuất khẩu; đề nghị Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp với các Bộ, ngành chức năng, đề xuất các giải pháp tháo gỡ. “Tôi đề nghị Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì tháo gỡ và có giải pháp ngay”, Thủ tướng nói, đồng thời cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ và địa phương cần tiếp tục tập trung triển khai công tác phòng, chống hạn, hỗ trợ địa phương vượt qua khó khăn do hạn hán trong thời gian tới.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, như: vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA… Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, giải ngân các dự án hạ tầng quan trọng, cấp bách; phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, tăng tổng cầu và tạo ảnh hưởng lan tỏa tích cực đến các ngành, lĩnh vực kinh tế – xã hội.

Mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác có hiệu quả các lợi thế trong các Hiệp định thương mại, cam kết quốc tế và lợi thế cũng như thách thức của Cộng đồng kinh tế ASEAN. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, chủ động tham gia đàm phán, ký kết Hiệp định TPP và các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác. Chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác hiệu quả các cơ hội, thuận lợi và khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức của hội nhập. “Các bộ cần nghiên cứu đưa ra các hàng rào kỹ thuật phù hợp để bảo vệ sản xuất trong nước”, Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN theo kế hoạch; có giải pháp phù hợp để sử dụng hiệu quả số tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành của DNNN. Thủ tướng nhấn mạnh, ngoài 289 DNNN cổ phần hoá trong năm nay, các bộ, ngành cần tính toán đẩy nhanh hơn nữa, không chỉ trong cổ phần hoá doanh nghiệp, mà cần bán tiếp phần vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp không cần nắm giữ, hiệu quả thấp; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

“Việc cổ phần hoá không chỉ để có vốn đầu tư cho những lĩnh vực khác quan trọng, cấp thiết, mà mục tiêu cao nhất là để DN hoạt động ngày càng hiệu quả hơn”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Quang cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2015. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổ chức tốt kỳ thi chung 2015

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, quan tâm thực hiện tốt các chính sách người có công, các đối tượng chính sách. Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Chú trọng hơn nữa công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh và các điều kiện lao động.

Thực hiện tốt công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi chung tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2015; triển khai nhiệm vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Tiếp thu, điều chỉnh các quy định hợp lý nhất, tạo sự đồng thuận cao nhất trong nhân dân và toàn xã hội.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính, tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Các Bộ, ngành đẩy mạnh công tác xây dựng xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật được Quốc hội thông qua, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tính khả thi.

Thủ tướng lưu ý Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, dư luận một cách trung thực, khách quan, nhanh chóng, chính xác, kịp thời về mọi mặt của tình hình kinh tế-xã hội.

Các cơ quan thông tấn báo chí làm tốt hơn nữa vai trò, nhiệm vụ của mình, đồng thời tích cực tham gia vào hoạt động giám sát xã hội.

“Những chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, ai làm tốt các đồng chí biểu dương, ai chưa làm tốt cũng cứ thẳng thắn phê phán. Ví dụ, về cải cách hành chính, các phóng viên cứ đi sâu phản ánh. Ai làm tốt các thì biểu dương, còn ai trì trệ, không làm, báo chí thẳng thắn phê phán”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nguyễn Hoàng-Nhật Bắc/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *