(kontumtv.vn) – Nhìn chung, trong thời đại công nghệ, cách tiếp cận thông tin nghe, nhìn đã lấn lướt văn hóa đọc, khiến nhiều người không còn mặn mà với việc đọc sách, đặc biệt là tìm đến thư viện. Trước thực trạng đó, Thư viện tỉnh Kon Tum luôn tìm cách khắc phục khó khăn, tổ chức nhiều mô hình, hoạt động hấp dẫn, với hi vọng thu hút sự quan tâm của độc giả, nâng cao văn hóa đọc.

Trước tình hình bạn đọc đến thư viện ngày càng ít, Thư viện tỉnh Kon Tum luôn đổi mới, nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của bạn đọc. Trong năm 2016 , đơn vị đã bổ sung vào kho sách hơn 6.000 bản sách, tăng 28% so với năm 2015, nâng tổng số sách của thư viện lên gần 160.000 bản. Ngoài việc cập nhật đầu sách mới, với phương châm “Sách đi tìm người”, nhiều năm qua Thư viện tỉnh đã tích cực xây dựng nhiều mô hình, hoạt động nhằm thu hút độc giả, đặc biệt là tầng lớp thanh niếu niên. Nhiều mô hình, hoạt động được đánh giá cao, thu hút được sự hưởng ứng và quan tâm của bạn đọc như trưng bày, triển lãm sách; tổ chức Hội thi thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách cấp tỉnh; tổ chức Ngày hội đọc sách tại một số điểm trường… Đặc  biệt hoạt động luân chuyển sách đến các điểm trường, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong việc đọc sách, tìm đến thư viện trong tầng lớp thanh thiếu niên. Em Nguyễn Hoàng Diễm My  (lớp 11, Trường THPT Kon Tum) nói: “Ngày 21/4 hàng năm trường em có tổ chức Ngày hội đọc sách, chúng em có dịp đọc những cuốn sách mới từ Thư viện tỉnh luân chuyển về đây, có nhiều quyển sách mới không chỉ phục vụ học tập, mà còn là sách giải trí, chúng em có thể vừa học vừa giải trí. Ngày hội đọc sách còn tổ chức nhiều hoạt động sinh hoạt cho chúng em được giao lưu, biết thêm về kiến thức văn học, cũng như có những hoạt động lắp rắp mô hình, tiếp thêm nhiều kiến thức cho chúng em. Ngoài ra em nhận thấy đây là một sân chơi bổ ích, phù hợp với lứa tuổi của chúng em”.

Thư viện tỉnh Kon Tum luân chuyển sách về các trường, phục vụ đối tượng học sinh
Thư viện tỉnh Kon Tum luân chuyển sách về các trường, phục vụ đối tượng học sinh

“Việc luân chuyển sách từ Thư viện tỉnh về Thư viện trường đã tăng được đầu sách của nhà trường, giúp chúng em có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc đọc sách, thứ hai tạo cho bọn em được môi trường học tập thoải mái và dễ dàng hơn. Khi cần tài liệu học tập, em không nhất thiết phải đến Thư viện tỉnh mà chỉ cần đến Thư viện trường, thuận tiện cho bọn em hơn. Em thấy đây là mô hình hợp lý và thiết thực, bổ ích cho bọn em, em mong mô hình sẽ được nhân rộng ở nhiều điểm trường khác”. Em Nguyễn Viết Dũng (lớp 12, Trường THPT Kon Tum) chia sẻ.

Dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, hệ thống trang thiết bị, nhưng trong năm Thư viện tỉnh đã luân chuyển gần 12.000 cuốn sách đến 11 điểm trường học trên địa bàn thành phố Kon Tum, phục vụ gần 70.000 lượt bạn đọc. Với sự cố gắng, nỗ lực trong công tác thu hút bạn đọc đến Thư viện tỉnh, từ đầu năm đến nay đơn vị đã phục vụ gần 84.000 lượt bạn đọc. Bà Hoàng Bích Thủy, Trưởng Phòng Phục vụ bạn đọc Thư viện tỉnh Kon Tum nói: “Mỗi đợt luân chuyển sách, Thư viện tỉnh dùng phương tiện xe máy, chị em tự chở đi nên đó cũng là khó khăn. Qua các hoạt động phong trào và hoạt động luân chuyển sách về trường thì mình thấy các trường quan tâm, thứ hai là các em học sinh rất ủng hộ phong trào này và tham gia tích cực. Đây cũng là nguồn động viên cho Thư viện tỉnh để  nâng cao phong trào đọc sách chung trong xã hội”.

“Trong những năm tới đây, Thư viện tỉnh sẽ có hướng kêu gọi xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư cùng với đơn vị xây dựng “Cà phê sách”, nhằm thu hút bạn đọc. Và  cũng tổ chức các hoạt động như tuyên truyền, giới thiệu sách, tổ chức các  hội thi nhằm thu hút bạn đọc đến với thư viện”. Bà Trần Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Kon Tum cho biết.

Việc phát triển văn hóa đọc trong học sinh là một trong những hoạt động, điều kiện quan trọng để đổi mới phương pháp dạy – học, giúp học sinh hình thành thói quen đọc sách, tạo nền tảng cho việc tự học, tạo lối tư duy tập trung hơn, học có hiệu quả hơn. Những mô hình, hoạt động trong việc phát triển văn hóa đọc của Thư viện tỉnh Kon Tum là cách làm hay cần được nhân rộng và phát huy ở các thư viện cơ sở.

                                                                                     Cao Thủy – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *