Sáng 4/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông-Bắc Phi – sự kiện quy mô lớn về thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các nước khu vực này lần đầu tiên được tổ chức tại nước ta.

Lãnh đạo một số bộ, ngành, doanh nghiệp của Việt Nam, đại diện Chính phủ các nước Trung Đông-Bắc Phi; đại diện một số tổ chức quốc tế và khu vực; lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) của một số nước Trung Đông-Bắc Phi… tham dự Diễn đàn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông-Bắc Phi. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cơ hội hợp tác đầu tư lớn

Mặc dù xa cách về địa lý, song Việt Nam và các quốc gia Trung Đông-Bắc Phi từ lâu đã có mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống. Quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-Bắc Phi trên lĩnh vực chính trị đã tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư, lao động… giữa hai bên.

Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các quốc gia trong khu vực Trung Đông-Bắc Phi. Việt Nam có 12 cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước Trung Đông-Bắc Phi và 15 nước trong khu vực đã mở cơ quan đại diện tại Việt Nam.

Trong 10 năm qua, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước khu vực này tăng 878%, từ 889 triệu USD (năm 2002) lên 7,4 tỉ USD (năm 2012), trong đó kim ngạch với một số đối tác đã vượt ngưỡng 1 tỉ USD/năm. Nhiều DN khu vực này đang tích cực tham gia đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực dầu khí, cảng biển, công nghiệp và bất động sản… Một số DN Việt Nam đã triển khai các dự án đầu tư ở khu vực, trong đó đáng chú ý có dự án thăm dò và khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tại Algeria. Hiện Việt Nam đang có khoảng 26.000 lao động làm việc tại các nước trong khu vực này.

Toàn cảnh Diễn đàn buổi khai mạc. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuy nhiên, những kết quả đã đạt được còn khiêm tốn so với tiềm năng hợp tác to lớn giữa hai bên. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực tuy tăng nhanh, song mới chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2012 của Việt Nam. Trong khi đó, tổng khối lượng đầu tư vào Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong dòng vốn đầu tư hàng chục tỷ USD ra nước ngoài hàng năm của các quốc gia Trung Đông-Bắc Phi; số lượng lao động Việt Nam cũng chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng số lao động nước ngoài đang làm việc tại khu vực này.

Nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác nhằm hỗ trợ DN

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam và các nước Trung Đông-Bắc Phi có những lợi thế và tiềm năng to lớn có thể bổ trợ cho nhau để hợp tác cùng phát triển.

Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình và đang vững bước đi lên trên con đường CNH-HĐH đất nước. Việt Nam đang là địa điểm đầu tư hấp dẫn với môi trường chính trị-xã hội ổn định, có thị trường tiềm năng và nguồn nhân công dồi dào có kỹ năng với dân số 90 triệu người lại nằm trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển năng động và là một động lực tăng trưởng của kinh tế thế giới. Các nước Trung Đông-Bắc Phi có vị trí địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng, là nơi kết nối của ba châu lục Á-Âu-Phi, có nguồn vốn dồi dào và nguồn tài nguyên phong phú với trữ lượng về dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Trưởng đoàn các nước khu vực Trung Đông – Bắc Phi dự Diễn đàn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Diễn đàn lần này với sự tham gia của đông đảo các nhà hoạch định chính sách và các DN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính phủ Việt Nam mong muốn Diễn đàn sẽ tạo thêm động lực và những đột phá mới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước Trung Đông-Bắc Phi phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, dầu khí và lao động.

Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các đại biểu dự Diễn đàn tập trung thảo luận 3 nội dung lớn.

Một là, cung cấp thông tin về những lĩnh vực ưu tiên đầu tư, kinh doanh của mỗi nước; kinh nghiệm để tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao để tạo thuận lợi tốt nhất cho DN của hai bên đầu tư, kinh doanh thành công vào thị trường của nhau. Đề xuất các sáng kiến và biện pháp cụ thể, nâng cao hiệu quả thực chất của các cơ chế hợp tác để Chính phủ Việt Nam và Chính phủ các nước Trung Đông-Bắc Phi hỗ trợ hiệu quả hơn cho các DN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN.

Hai là, thảo luận tìm ra các biện pháp thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác trên những lĩnh vực mà mỗi bên có thế mạnh, nhất là thương mại, năng lượng, khai khoáng và phát triển cơ sở hạ tầng; xây dựng và ký kết các hiệp định, thỏa thuận nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, lâu dài cho quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực này.

Ba là, xây dựng các định hướng, biện pháp nâng cao và cải thiện hơn nữa hiệu quả hoạt động trong các lĩnh vực như nông nghiệp, lao động, giáo dục-đào tạo, y tế, văn hóa và du lịch. Việt Nam và một số nước châu Phi đã gặt hái được những kết quả tích cực ban đầu về hợp tác trong những lĩnh vực này. Đó là những kinh nghiệm thực tiễn bổ ích cho xây dựng và triển khai các dự án hợp tác song phương giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Trung Đông-Bắc Phi hoặc đa phương với sự hỗ trợ của bên thứ ba.

Việt Nam có nguồn lực lao động dồi dào, có kỹ năng, tay nghề ngày càng được nâng cao, có thể đáp ứng tốt nhu cầu lao động ngày càng lớn của các nước Trung Đông-Bắc Phi. Đây là lĩnh vực đã có nhiều kinh nghiệm hợp tác và cần phát huy tốt tiềm năng hợp tác to lớn này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các đại biểu UAE tại khu giới thiệu các hoạt động trong lĩnh vực dầu khí của nước bạn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, với trọng tâm là hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đi đôi với việc tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng tạo động lực cho phát triển nhanh, bền vững. Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do quan trọng như Hiệp định đối tác hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do với EU, với Liên minh Thuế quan Nga-Belarus-Kazakhstan và với các đối tác khác… Những Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội hợp tác to lớn không chỉ cho các DN Việt Nam mà cả các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

“Chúng tôi cam kết luôn tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Thành công của các bạn cũng là thành công của Việt Nam chúng tôi”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Diễn đàn hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông – Bắc Phi lần này sẽ là khởi đầu của giai đoạn hợp tác ở tầm cao mới trong quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các đối tác Trung Đông-Bắc Phi.

Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *