(kontumtv.vn) – Mặc dù Nigeria là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi với kim ngạch thương mại hai chiều 460 triệu USD, nhưng cơ hội hợp tác giữa hai bên vẫn còn rất to lớn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ bạn bè truyền thống với các nước châu Phi nói chung và Nigeria nói riêng – Ảnh: VGP/Thành Chung

Sáng 30/10 (giờ chiều Hà Nội), tại Thủ đô Abuja, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tham dự Tọa đàm thương mại và đầu tư Việt Nam-Nigeria.

Cùng tham dự còn có lãnh đạo một số bộ, ngành địa phương của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương và Đầu tư Nigeria, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Abuja, các quan chức của Văn phòng Tổng thống và 110 doanh nghiệp của Nigeria.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá sự kiện này có ý nghĩa lịch sử trong kết nối giao thương, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng bày tỏ Việt Nam vui mừng khi chứng kiến những thành tựu to lớn của Nigeria trong thời gian qua, đưa quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 châu Phi, đứng đầu khu vực Tây Phi.

Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ tới cộng đồng doanh nghiệp Nigeria, từ một quốc gia đói nghèo, trải qua nhiều cuộc chiến tranh, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một đất nước thanh bình, chính trị ổn định, nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và ngày càng củng cố trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động.

Từ năm 1986 tới nay, Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng liên tục từ 6-7%/năm, là một trong những nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và tỉ giá ổn định. Năm 2019, quy mô GDP tính theo sức mua tương đương của Việt Nam là 936,8 tỷ USD và sang năm 2020 sẽ là 1.020 tỷ USD, GDP bình quân đầu người theo sức mua tương đương là 10.546 USD/năm.

Việt Nam đang hội nhập kinh tế sâu rộng, với hơn 200 quốc gia trên thế giới, 16 hiệp định tự do thương mại song phương và đa phương, trong đó có nhiều hiệp định tiến bộ như CPTPP, EVFTA. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 dự kiến là 530 tỷ USD, trong đó riêng xuất khẩu nông sản là 43 tỷ USD đứng đầu ASEAN và thứ 15 trên thế giới.

Việt Nam cũng đạt nhiều thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đăng ký tới nay là 430 tỷ USD với 26.000 dự án từ 130 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị của các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Bên cạnh phát triển kinh tế, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên hoàn thành Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, trong đó là một điển hình trong giảm nghèo từ tỉ lệ 60% dân số nghèo những năm 1980 xuống còn 5% theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều của Liên Hợp Quốc. Hiện nay, Việt Nam tiếp tục triển khai tích cực Chiến lược thiên niên kỷ tới năm 2030 của Liên Hợp Quốc.

Ngoài ra, Việt Nam cũng không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, với phong trào khởi nghiệp dẫn đầu ASEAN. Năm 2019, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã xếp hạng năng lực canh trạnh toàn cầu tăng 10 bậc lên vị trí 57/141 quốc gia được xếp hạng.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ bạn bè truyền thống với các nước châu Phi nói chung và Nigeria nói riêng. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai quốc gia tăng trưởng nhanh chóng từ 288 triệu USD năm 2014 lên 460 triệu USD và đang tiếp tục tăng, đưa Nigeria trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Phi.

Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn còn rất khiêm tốn so với lợi thế và tiềm năng hợp tác giữa hai bên. Phó Thủ tướng khẳng định hai bên có thể hợp tác sâu rộng hơn trong lĩnh vực nông nghiệp để tạo ra các chuỗi giá trị đối với các ngành hàng hạt điều, bông, trái cây, tôm, cá ba sa và cá tra. Ngoài ra, còn có hợp tác trong các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, dầu khí, điện, xây dựng và cả du lịch.

“Tôi vui mừng khi có hơn 100 doanh nghiệp Nigeria tham gia toạ đàm này, là sự kiện lịch sử chưa từng có trong quan hệ giữa 2 nước. Chúng ta đã có mối quan hệ ngoại giao từ lâu nhưng chưa phát huy hết lợi thế này. Hai nước cần đi cùng nhau và tiến nhanh hơn trong hợp tác nhiều mặt để bù đắp lại những chậm trễ trong thời gian qua”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói, đồng thời gửi lời mời các doanh nghiệp Nigeria tham dự Hội chợ Triển lãm Quốc tế TPHCM vào tháng 12/2019 và tổ chức nhiều đoàn sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.

Để tăng cường hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai bên, Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét thúc đẩy việc mở đường bay thẳng nối Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh tới Nigeria trong thời gian tới.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Tại toạ đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã giới thiệu cụ thể các thế mạnh mà hai bên có thể hợp tác và cùng với lãnh đạo các bộ, ngành trả lời các câu hỏi của các doanh nghiệp Nigeria liên quan tới các chính sách thương mại, hợp tác đầu tư của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương và Đầu tư và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Abuja đều khẳng định 2 nước có nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn hợp tác đầu tư để xứng đáng với quan hệ hữu nghị giữa hai quốc gia. Đại diện phía Chính phủ Nigeria bày tỏ quan tâm và ủng hộ phát triển quan hệ kinh tế giữa hai quốc gia trong thời gian tới, tập trung vào các lĩnh vực mà cả hai bên có thế mạnh và nhu cầu như nông nghiệp, năng lượng và hạ tầng.

Hai bên đều bày tỏ sau cuộc gặp này, doanh nghiệp 2 nước sẽ triển khai các dự án, góp phần tăng cường quy mô thương mại, đầu tư và hiệu quả hợp tác giữa hai quốc gia.

Thành Chung/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *