(kontumtv.vn) – Cùng với các địa phương trong tỉnh, thời gian qua việc thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại huyện Đăk Glei (Kon Tum) tuy đã được tăng cường và thực hiện quyết liệt hơn, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Là nơi tập trung nhiều cơ sở chế biến gỗ nhất của huyện, trước đây xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei có 5 xưởng chế biến gỗ lớn và 11 cơ sở mộc dân dụng. Thời gian qua, thực hiện chủ trương đóng cửa rừng của tỉnh và mới đây là chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, với sự kiểm tra gắt gao của các lực lượng chức năng của tỉnh, huyện và xã, đến nay cả 5 xưởng chế biến đã ngừng hoạt động; nhiều cơ sở mộc dân dụng cũng đã đóng cửa, dừng hoạt động và một số cơ sở đã chuyển loại hình kinh doanh khác. Ông A Tiểng, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pét nói: “Xã đã chỉ đạo kiểm lâm địa bàn xây dựng kế hoạch tuần tra, truy quét, kiểm tra các cơ sở mộc dân dụng, cơ sở chế biến gỗ và một số cơ sở khác liên quan tới mua bán lâm sản ngoài gỗ. Đến nay tình trạng mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản trên địa bàn đã hạn chế rất nhiều so với trước đây”.

Hiện trường 1 vụ khai thác gỗ trái phép
Hiện trường 1 vụ khai thác gỗ trái phép

Xác định, việc tăng cường công tác quản lý, kiên quyết loại bỏ các cơ sở chế lâm sản không đúng quy hoạch, không có nguồn gốc xuất xứ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm hạn chế tình trạng khai thác lâm sản trên địa bàn, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu cho UBND huyện thành lập Tổ công tác đặc biệt, tổ chức kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Ông Lê Tiến Trung, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đăk Glei cho biết: “Trên địa bàn có 6 cơ sở chế biến được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra theo Quyết định 224 của UBND tỉnh và Quyết định 741 của UBND tỉnh, trong thời gian qua, các cơ sở chế biến lâm sản đã ngừng hoạt động và đã dừng hoạt động từ lâu và không còn kinh doanh lâm sản”.

Là địa phương có diện tích rừng tương đối lớn, với trên 133.000 ha, cùng với việc kiểm tra, kiểm soát các cơ sở chế biến, việc tăng cường các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng luôn được các cấp ủy, chính quyền địa phương, các chủ rừng và ngành chức năng của huyện đặc biệt quan tâm, nhất là sau khi có chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả, trong 9 tháng đầu năm đã tổ chức 8 đợt tuần tra, truy quét, phát hiện 44 vụ vi phạm tài nguyên rừng, vận chuyển, cất giấu lâm sản trái phép. Ông Trịnh Xuân Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết: “Huyện đã thành lập 22 chốt liên ngành tại các điểm, vùng nóng thường xảy ra vi phạm về Luật Bảo vệ và phát triển rừng để chốt trực 24/24 kể cả những ngày cuối tuần, những ngày lễ, tết. Bên cạnh đó cũng thành lập tổ tuần tra lưu động thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng ở các vùng khác”.

Tuy đã được tăng cường và triển khai thực hiện quyết liệt hơn, số diện tích và khối lượng thiệt hại về rừng đã giảm hơn năm trước, nhưng tình trạng phá rừng, khai thác, mua bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra, nhất là ở khu vực biên giới như xã Đăk Nhoong, Đăk Long có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Giải pháp đã có, chỉ đạo đã quyết liệt, nhưng với thực trạng diện tích rừng lớn, lực lượng mỏng, nhu cầu sử dụng lâm sản trong xã hội ngày càng tăng,  trong khi đó gỗ rừng trồng và các vật liệu thay thế trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu, nên tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép sẽ vẫn còn tiếp diễn. Đây sẽ là áp lực lớn cho các cấp chính quyền, các chủ rừng và lực lượng chức năng khi thực hiện chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ.

Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *