(kontumtv.vn) – Nhằm ngăn chặn nguy cơ phát sinh dịch bệnh động vật thủy sản, đồng thời tạo nguồn thủy sản sạch phục vụ nhu cầu của nhân dân tại địa phương, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã tăng cường thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường sống của động vật thủy sản trên toàn tỉnh.

Vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường nước nuôi thủy sản có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản. Vì vậy, để chủ động tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường nước, bùn đáy ao và môi trường xung quanh, hạn chế tối đa mầm bệnh phát triển và gây hại, Tháng Vệ sinh, tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản năm 2016 đã được phát động từ ngày 15/10 đến 15/11. Theo đó, sẽ tiến hành khử trùng, sát khuẩn và khử mùi đối với môi trường nước ao nuôi thủy sản hộ gia đình và các cơ sở nuôi thủy sản tập trung.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã triển khai đồng bộ trên tất cả các huyện và thành phố công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc nhằm quản lí và giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch bệnh thủy sản; hướng dẫn kĩ thuật giúp nông dân chủ động ngăn ngừa, hạn chế các nguồn ô nhiễm xâm nhập vào ao nuôi như chất thải trong chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật theo nguồn nước vào ao, thức ăn dư thừa, xác thực vật phân hủy; thường xuyên phát quang khu vực xung quanh bờ ao, khu nuôi thủy sản, đồng thời cấp phát 2.500 kg hóa chất chuyên dụng tiêu độc, khử trùng mặt ao nuôi. Ông Đới Văn Cương, cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Kon Tum nói: “Nguồn nước cấp vào ao phải đảm bảo là nguồi nước sạch, hạn chế nước thải từ chăn nuôi heo và độc hại thuốc trừ sâu; thứ hai là trước khi tiêu độc phải phát quang bụi rậm ven bờ ao;  thứ ba phải xác định được mục đích khử trùng tiêu độc là gì, nếu chúng ta phòng bệnh sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nếu trị bệnh lượng thuốc cao hơn. Khâu quan trọng nhất là xác định được bao nhiêu khối nước trong ao, từ đó qui đổi lượng hóa chất”.

“Theo hướng dẫn, tôi định kì làm vệ sinh đối với ao, hồ, 1 tháng xử lí ao, hồ 1 lần. Nếu thấy nguồn nước không đảm bảo, tôi hòa thuốc tạt trên mặt ao, thứ hai nữa thay nước tổng thể cho tất cả hệ thống ao hồ. Tôi tháo 2/3 nước hòa thuốc vào bồn nước to rồi thả nhỏ giọt xuống đường nước đi vào và chặn đường nước ra, để nó lưu thông đều. Trong quá trình thực hiện, tôi thấy trong 3 năm, cá của tôi không bị bệnh và phát triển rất tốt”. Ông Trần Văn Dương  (thôn 4, xã Đăk Mar, huyện Đắk Hà) nói.

Ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật cho cán bộ tại các trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thành phố. Đồng thời chú trọng hướng dẫn kĩ thuật về cơ sở nuôi trồng thủy sản thương phẩm; nâng cao ý thức trong việc phòng, chống bệnh vật nuôi thủy sản cho nhân dân để thực hiện hiệu quả công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường sinh sống của chúng. Ông Mạc Đăng Song, Trưởng Ban Thú y xã Đắk Mar, huyện Đăk Hà cho biết: “Hàng năm, chúng tôi đi tập huấn về cũng thường xuyên hướng dẫn cho bà con cạo, vét ao hồ để khử trùng tiêu độc bằng vôi bột và thuốc hóa chất clorim. Công tác phòng chống hàng năm chúng tôi in tài liệu, trực tiếp hướng dẫn phòng dịch bệnh thủy sản theo từng mùa, mùa mưa và mùa khô”.

Trong nuôi trồng thủy sản, nếu để xảy ra rủi ro do dịch bệnh sẽ để lại hậu quả rất lớn và rất khó có giải pháp hạn chế thiệt hại. Vì vậy đòi hỏi nông dân phải luôn thực hiện “phòng bệnh là chính, chữa bệnh khi cần thiết”. Và thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường sống cho động vật thủy sản trước và trong khi nuôi là yếu tố hàng đầu để bảo vệ thủy sản cũng như đảm bảo thắng lợi về kinh tế cho người nuôi.

Hà My – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *